Phụ huynh luôn muốn con mình hơn con người ta chính là áp lực của thầy cô

23/12/2018 07:09
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay nhiều phụ huynh thường đặt sở thích, điểm mạnh của con sang một bên, thay vào đó là ước muốn, kỳ vọng của cha mẹ.

“Bắt bệnh” áp lực của giáo viên, cô Phan Hồ Điệp - giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học sư phạm Hà Nội chỉ ra hàng loạt áp lực bủa vây họ đến từ điểm số, thành tích, phụ huynh.

“Nhà gần một số trường tiểu học nên tôi từng chứng kiến cảnh phụ huynh đón con trước cổng trường vào những mùa thi. Họ hỏi con được mấy điểm.

Nếu con bị điểm thấp, phụ huynh thậm chí đánh, mắng, xé bài ngay trước mặt con và bạn bè. Những cha mẹ chỉ nghĩ đến việc học và đạt điểm cao, thành tích tốt sẽ tạo nên môi trường giáo dục đáng sợ với đứa trẻ", cô Phan Hồ Điệp nói.

Theo cô Phan Hồ Điệp, hiện nay nhiều phụ huynh thường đặt sở thích, điểm mạnh của con sang một bên, thay vào đó là ước muốn, kỳ vọng của cha mẹ. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo cô Phan Hồ Điệp, hiện nay nhiều phụ huynh thường đặt sở thích, điểm mạnh của con sang một bên, thay vào đó là ước muốn, kỳ vọng của cha mẹ. (Ảnh: Thùy Linh)

Ngoài ra, theo nữ giảng viên, phụ huynh cũng thường đặt sở thích, điểm mạnh của con sang một bên, thay vào đó là ước muốn, kỳ vọng của cha mẹ.

Dần dần họ dạy con trong nỗi sợ, độc đoán và uy quyền khiến học sinh bị sợ hãi, dần mất đi tiếng nói, chính kiến của mình và chúng đến trường chỉ để đạt được kỳ vọng của cha mẹ. Khi học sinh sợ hãi thì cũng sẽ áp dụng lên bạn bè như vậy.

Rồi phụ huynh "vẽ nên không gian u ám" về nhà trường đối với học sinh, khiến các em sợ hãi nhà trường, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.

Phụ huynh luôn muốn con mình hơn con người ta chính là áp lực của thầy cô ảnh 2Bộ trưởng Nhạ nhận diện 6 nhóm áp lực với nghề giáo

Hoặc phụ huynh quá ỷ lại nhà trường, trăm sự nhờ thầy cô, hoặc lại quá khắt khe với nhà trường. Ví dụ, phụ huynh đòi kiểm tra bếp ăn đột xuất, hoặc kiểm tra bài giảng đột xuất chẳng hạn nên không giáo viên nào thấy thoải mái trong trường hợp đó.

Để hạn chế các vụ giáo viên ngược đãi học sinh, cô Phan Thị Hồ Điệp đề xuất, trường học nên thành lập tổ tiếp nhận ý kiến phụ huynh mà không cần thông qua cô giáo, ban giám hiệu, thậm chí ban đại diện cha mẹ, để phụ huynh cảm thấy thoải mái hơn.

Vào mỗi dịp đầu năm học, nhà trường nên có cẩm nang hướng dẫn phụ huynh hiểu thêm về tâm lý lứa tuổi, cách thức trò chuyện, dành thời gian cho con. 

Các buổi họp phụ huynh trong nhà trường nên giảm hình thức, tránh nhận xét nhiều về điểm số, thông báo tiền nong, hoặc có thể họp phụ huynh từng nhóm theo năng lực học sinh để không có sự so sánh học sinh nào.

Các chương trình giáo dục nên phát triển theo hướng trải nghiệm, hướng đến sự yêu thương con người.

Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Thu Anh - hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành nói rằng nhà trường có nhiều áp lực khi phụ huynh đưa ra rất nhiều yêu cầu.

Trong khi đó, sự mong đợi của phụ huynh khi đưa ra lại lớn hơn khả năng đạt được.

Cũng theo cô Thu Anh, với áp lực số lượng học sinh vào trường rất cao nên giáo viên trong trường cũng chịu áp lực lớn. 

Thay vì để học sinh đi chơi, nói tục, chửi bậy, nhiều dự án được phát động để gắn kết tình yêu thương. Chẳng hạn để để học sinh không nói tục, không phải nhà trường kêu gọi: “nói tục rất xấu” mà triển khai rất nhiều hoạt động để thể hiện tình yêu thương như: Làm các phong bao lì xì để bán lấy tiền mua dép tổ ong cho học sinh vùng cao...

“Khi tất cả học sinh đều thấy mình có giá trị, nhà trường sẽ giảm bớt những hiện tượng tiêu cực như báo chí đã đưa ra gần đây”, cô Thu Anh cho biết.

Thùy Linh