Quyết định của tòa án quận 5 đơn giản chỉ là để bảo vệ riêng công ty Thành Bưởi

29/03/2017 08:52
Bạch Đằng
(GDVN) - Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã vi phạm quy định của Luật Báo chí 2016, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đi ngược hoàn toàn với Luật báo chí 

Mới đây, ngày 27/3/2017, ông Phùng Thế Huân đại diện Báo Giao thông nhận được Quyết định số 72/2017/QĐ – BPKCTT đề ngày 23/3/2017 của Tòa án Nhân dân Quận 5 do thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích ký  trong đó có nội dung:

“Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhât định” quy định tại Khoản 12 Điều 114, Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nội dung quyết định của Tòa án Nhân dân Quận 5 khiến nhiều luật sư bất ngờ đến khó hiểu (ảnh Bạch Đằng).
Nội dung quyết định của Tòa án Nhân dân Quận 5 khiến nhiều luật sư bất ngờ đến khó hiểu (ảnh Bạch Đằng).

Quyết định trên buộc Báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức khác các bài báo mới liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuê gây thất thu cho Nhà nước” trong quá trình giải quyết vụ án, cho đến khi Tòa án giải quyết xong vụ án”.

Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi và Báo Giao thông đang có tranh chấp liên quan đến bài báo “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật” được tòa án quận 5 thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thụ lý.

Tóm tắt nội dung vụ việc

Ngày 29/12/2016, Báo Giao Thông (www.baogiaothong.vn) có bài “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật” (sau đây gọi là Bài Báo), trong đó có nội dung liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi.

 Ngày 18/01/2017, Công ty Thành Bưởi có Đơn khởi kiện Báo Giao Thông cho rằng Bài Báo có các nội dung không đúng: Công ty Thành Bưởi sử dụng “xe hợp đồng trá hình”; Công ty Thành Bưởi “lách luật”, “né thuế, phí”.

Ngày 15/3/2017, Báo Giao Thông đã có văn bản gửi Tòa án nhân dân Quận 5 để nêu rõ ý kiến, cung cấp các chứng cứ, thông tin, tài liệu để chứng minh:

Ngày 27/3/2017, Ông Phùng Thế Huân đại diện Báo Giao Thôngnhận được Quyết định số 72/2017/QĐ-BPKCTT đề ngày 23/3/2017 của TAND Quận 5 do thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích ký(sau đây gọi là Quyết định số 72/2017) với nội dung:  Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định” quy định tại Khoản 12 Điều 114, Điều 127 Bộ luật Tố tụng dân sự;

 Buộc Báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức khác các bài báo mới liên quan đến Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuê gây thất thu cho Nhà nước”trong quá trình giải quyết vụ án, cho đến khi Tòa án giải quyết xong vụ án.

Nay, Báo Giao Thông có khiếu nại Quyết định số 72/2017 trên của TAND quận 5 do thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích ký vì Quyết định số 72/2017

Ngay sau khi quyết định này được trao tận tay các luật sư để tham khảo ý kiến, thật ngạc nhiên là tất cả đều lắc đầu ngán ngẩm về những yêu cầu được đề cập trong quyết định trên mà nhiều người ví đó là những yêu cầu kiểu “trên trời”.

Thậm chí, có người đặt dấu hỏi trình độ hiểu biết pháp luật của thẩm phán đã ký ban hành quyết định trên.

Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty luật IPIC Group, đường Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, những nội dung  mà Tòa án nhân dân Quận 5 đưa ra đều không thuyết phục, đó là kết quả của việc hiểu pháp luật một cách máy móc và có phần chưa chuẩn.

Trước hết, việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên đã vi phạm quy định của Luật Báo chí 2016.

Cụ thể tại Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 quy định Báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.

Chức năng của báo chí là phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân.

Báo Giao thông có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Do đó, Tòa án Nhân dân Quận 5 không có quyền can thiệp hoặc buộc Báo Giao thông không được phản ánh các vụ việc tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm pháp luật của của các tổ chức, cá nhân, trong đó có Công ty Thành Bưởi trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng.

Ngay trong trường hợp nội dung bài báo mà Công ty Thành Bưởi nêu trong đơn khởi kiện là sai thì cũng không dẫn đến việc Báo Giao thông không được quyền đăng tải các bài viết khác về Công ty Thành Bưởi trong cùng vấn đề.

Việc Báo Giao thông đăng các bài tiếp theo về Công ty Thành Bưởi cũng không liên quan, ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án.

Quyết định số 72/2017 của Tòa án Nhân dân Quận 5 đã ngăn cản hoạt động tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân, bảo vệ cho các sai phạm của Công ty Thành Bưởi.

Quyết định này của Tòa án Nhân dân Quận 5 đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước về báo chí, về phòng chống tiêu cực, về xóa bỏ “xe dù”, “bến lậu”.

Theo Điều 10 và quyền của cơ quan, tổ chức báo chí quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 thì: “Báo chí có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty luật IPIC Group Hà Nội (ảnh Bạch Đằng).
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Công ty luật IPIC Group Hà Nội (ảnh Bạch Đằng).

Ngoài ra tại Khoản 3 Điều 38 Mục 2 Luật Báo chí 2016 cũng quy định về “Cung cấp thông tin cho báo chí” như sau:

Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Tòa án Nhân dân Quận 5 không có quyền ngăn cản Báo Giao thông hoạt động nghiệp vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật báo chí hiện hành.

Trường hợp này, Báo Giao thông được quyền tiếp tục phản ánh vụ việc Công ty Thành Bưởi và có quyền khiếu nại đối với quyết định nói trên của Tòa án Nhân dân Quận 5.

Người ra quyết định rất có vấn đề về luật pháp

Hơn nữa, theo quy định Điều 100 Bộ luật Hình sự thì tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm.

Như vậy, bài báo là một trong những nguồn thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật để các cơ quan Nhà nước xem xét, xử lý các vi phạm pháp luật theo quy định.

Đồng quân điểm với luật sư Nguyễn Duy Hùng, luật sư Đoàn Minh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng:

“Tôi không hiểu, tại sao Tòa án Nhân dân quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh lại ngây ngô đến thế.

Qua việc này, có thể thấy, người đưa ra quyết định này trình độ và hiểu biết về pháp lý rất ngây ngô”.

Để chứng minh cho việc Tòa án Nhân dân quận 5 đưa ra những căn cứ không thuyết phục để áp dụng biện pháp khẩn cấp, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng:

“Quyết định ban hành biện pháp khẩn cấp là để thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ. Trong khi các chứng cứ trong vụ án đã được bị đơn cung cấp cho tòa.

Việc Báo giao thông có tiếp tục đăng bài thì cũng không ảnh hưởng đến quá trình thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ.

Quyết định số 72/2017/QĐ-BPKCTT ngày 23/3/2017 của Tòa án quận 5, đã vượt quá phạm vi giải quyết của vụ án (nội dung vụ án chỉ liên quan đến bài báo “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật” đăng ngày 29/12/2016).

Chẳng hạn, ngoài những “vấn đề” tại tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Đà Lạt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi còn nhiều những “vấn đề” tại các tuyến xe khách khác mà cấm Báo Giao thông không được đăng tải thông tin về những “vấn đề” nêu trên là không có cơ sở.

Thậm chí, việc không ai có thể biết được Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Bưởi có vi phạm phát luật hay không vào thời gian tới đây do đó quyết định của Tòa án Nhân dân quận 5 là... thơ ngây.

Bạch Đằng