Rượu bia gây ức chế não bộ, giảm khả năng phản xạ

24/10/2018 06:09
An Nhiên (Tổng hợp)
(GDVN) - Các chuyên gia y tế cho rằng, rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ.

Vào đêm ngày 22/10 tại khu vực gầm cầu vượt Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do một nữ tài xế lái ô tô BMW mang biển kiểm soát: 51F-279.10 trong tình trạng say xỉn đã đâm liên hoàn nhiều xe máy trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ Quận 3 về cầu Sài Gòn.

Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ bị cuốn vào gầm xe, tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

Những chiếc xe máy nằm la liệt sau khi bị chiếc BMW hất tung (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Những chiếc xe máy nằm la liệt sau khi bị chiếc BMW hất tung (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Vụ tai nạn trên một lần nữa báo động về khả năng gây tai nạn giao thông khi người làm chủ phương tiện có sử dụng rượu bia.

Trong rượu bia (hoặc đồ uống có cồn) chứa các hợp chất hữu cơ, bao gồm ethanol, methanol, isopropanol… nhưng phổ biến nhất vẫn là ethanol được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ.

Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ.

Nếu nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng.

Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân và có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác.

Còn khoảng trống rất lớn về việc phòng ngừa tác hại của rượu, bia

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, có tới 60% số ca cấp cứu liên quan tới tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.

Theo bác sĩ Phạm Gia Anh – Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, rượu bia gây ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển phương tiện giao thông như có biểu hiện bốc đồng, điều khiển xe với tốc độ cao, không làm chủ được hành vi, hoặc ức chế não bộ gây buồn ngủ, giảm từ 10% đến 30% phản xạ khi gặp tình huống bất ngờ xảy ra và nhiều hệ lụy khác. [1]

Cũng theo Phó Trưởng Phòng bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Quốc Bảo cho biết:

Tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam hiện xếp thứ hai trong các nước Ðông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới.

Riêng tỷ lệ uống rượu, bia ở nam giới trưởng thành hiện chiếm đến 77% (tỷ lệ chung cho toàn thế giới là 47,7%).

Nếu tỷ lệ trung bình nhóm người uống rượu, bia đến mức nguy hại trên thế giới là 12,3%, thì ở Việt Nam con số này lên đến 44,2% (từ 60 gam cồn nguyên chất/lần trong 30 ngày). [2]

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm có Luật Phòng chống tác hại rượu, bia với đầy đủ các quy định chặt chẽ về chính sách thuế, giá; kiểm soát quảng cáo; kiểm soát tiếp cận với rượu, bia (điểm bán, giờ bán)... kiểm soát sử dụng rượu, bia ở trẻ em như quy định độ tuổi hoặc địa điểm cấm bán, uống... Ðặc biệt là cần thực thi nghiêm quy định ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với hành vi sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi tham gia giao thông đường bộ:

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì bị phạt cao nhất là 18.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-6 tháng tùy vào mức độ vi phạm (Điều 5 Nghị định 46).

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là: 4.000.000 đồng (Điều 6 Nghị định 46).

Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì mức phạt cao nhất là 7.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-4 tháng, tùy vào mức độ vi phạm về nồng độ cồn (Điều 7 nghị định 46).

Về trách nhiệm dân sự đối với hành vi sử dụng rượu bia gây thiệt hại cho người khác cũng được quy định rõ tại Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra.

Theo đó, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Về trách nhiệm hình sự, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (bị phạt tù từ 3 - 10 năm).

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://vtv.vn/trong-nuoc/gan-40-so-vu-tai-nan-giao-thong-lien-quan-den-ruou-bia-2016100318485768.htm

[2] http://www.baoquangninh.com.vn/doi-song/201701/bao-dong-tinh-trang-lam-dung-ruou-bia-2328922/index.htm

An Nhiên (Tổng hợp)