Sẽ chọn 2 trường sư phạm trọng điểm để nâng cấp thành trường quốc gia

25/12/2016 06:52
Linh Hương
(GDVN) - Cả nước có thể sẽ có 2 trường sư phạm quốc gia là thông tin vừa được Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục (Bộ GD&ĐT) tiết lộ.

Chặng đường 70 năm của ngành sư phạm

Tại hội thảo “70 năm sư phạm Việt Nam - Đổi mới và phát triển" được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 21/12 vừa qua, nhiều bài học quý giá trong suốt chặng đường 70 năm đã được các đại biểu, nhà giáo, nhà khoa học chia sẻ. 

Ngày 8/10/1946, Chính phủ đã ký sắc lệnh về việc thành lập ngành sư phạm, trong đó quy định thành lập trường sư phạm các cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành sư phạm Việt Nam.

Quá trình phát triển của ngành sư phạm trong 70 năm qua gắn với 4 giai đoạn quan trọng của đất nước.

Đó là giai đoạn sau ngày toàn quốc kháng chiến (1946-1954), giai đoạn từ sau hòa bình lập lại (1954-1975), giai đoạn sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-1985) và giai đoạn 30 năm đổi mới (1986-2016). 

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiếm có một đất nước nào, một dân tộc nào, một Chính phủ nào triển khai việc xóa mù chữ thành công trong một thời gian ngắn như ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Bình dân học vụ là một bài học quý báu, ở đó người biết chữ dạy người chưa biết chữ.

Sắp chọn ra 2 trường sư phạm trọng điểm để nâng cấp thành trường quốc gia (Ảnh: Báo VTC)
Sắp chọn ra 2 trường sư phạm trọng điểm để nâng cấp thành trường quốc gia (Ảnh: Báo VTC)

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, việc ra đời Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc đã cho thấy sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục nói chung và ngành sư phạm nói riêng.

Chặng đường 30 năm đổi mới, Nhà giáo nhân dân Đặng Thị Huỳnh Mai - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng:

30 năm đổi mới, văn hóa - xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. 

Do vậy, giáo dục đào tạo của chúng ta tuy có những thành tựu nhất định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn phức tạp trong tình hình đổi mới giáo dục nói chung và trong hệ thống sư phạm nói riêng
”- Nhà giáo nhân dân Đặng Huỳnh Mai lưu ý.

Nhìn lại 70 năm ngành sư phạm Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ đó thay đổi cách làm giáo dục.

Phải thấy giáo dục và văn hóa là các hệ thống xã hội mà mục đích tột cùng đều là xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Yêu cầu đối với ngành sư phạm trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

Theo GS.Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhìn nhận: Gần đây kinh tế thị trường phát triển mạnh, tuyển sinh vào các trường sư phạm khó khăn, lương nhà giáo vào loại rất thấp.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên nhìn chung có vấn đề, như vấn đề chuẩn nhà giáo (nhất là ở đại học), cũng có vấn đề về đạo đức, tuy chỉ với số rất ít.

GS.Phạm Minh Hạc nhấn mạnh, từ năm học 2016-2017, vấn đề giáo viên nổi lên là nhiệm vụ thứ hai của ngành giáo dục. Đây là việc đúng, vì nếu nhiệm vụ này không được giải quyết thấu đáo sẽ khó thực hiện được sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Với quan điểm muốn giáo dục phát triển, trước hết cần có đội ngũ thầy cô chất lượng tốt, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đến lúc cần sắp xếp lại hệ thống sư phạm trong cả nước, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ theo chu trình bắt buộc;

Và thay đổi cơ chế tài chính trong đào tạo, tài chính tính theo chương trình đào tạo chứ không tính trên đầu sinh viên; đào tạo gắn với nhu cầu xã hội thông qua điều tra tổng thể và dự báo số lượng; đào tạo mở; các trường sư phạm phải thay đổi quyết liệt về chương trình đào tạo, mô hình đào tạo.

Sẽ chọn 2 trường sư phạm trọng điểm để nâng cấp thành trường quốc gia ảnh 2

Những trăn trở của nguyên Phó Chủ tịch nước về nền giáo dục nước nhà

(GDVN) - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: “Sự thành công của giáo dục là nhân tố dẫn đến thành công ở những lĩnh vực khác”.

Trước thực trạng của ngành sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: 

Thời gian tới phát triển hệ thống sư phạm sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên thành một hệ thống theo hướng lấy các cơ sở đào tạo sư phạm truyền thống, có thế mạnh và tiềm năng làm hạt nhân; đổi mới chương trình, giáo trình, mô hình đào tạo và phương pháp dạy học;

Đồng thời, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục tại các trường đại học sư phạm và học viện quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong nước và từng bước hội nhập quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, chương trình phát triển các trường sư phạm được phê duyệt ngày 30/5/2016 có mục tiêu là phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

Sẽ có khoảng 8 trường được lựa chọn để để đầu tư nâng cao năng lực cho giáo viên và xác định đây sẽ là 8 trường chủ chốt. 

"8 trường này sẽ là 8 trường đầu tầu cho mạng lưới các trường sư phạm sắp tới.

Trong 8 trường được lựa chọn làm mũi nhọn này sẽ chọn ra 2 trường trọng điểm là 2 trường có thể nâng cấp thành 2 trường sư phạm quốc gia. Từ đó sẽ tạo ra một hệ thống có ảnh hưởng, có sự lan tỏa" - bà Hồng thông tin.

Linh Hương