"Sinh viên ra trường kỹ năng tối thiểu không có nhưng hay đòi hỏi này nọ"

19/04/2018 07:37
Thùy Linh
(GDVN) - Nhà tuyển dụng chỉ ra vô số điểm yếu của sinh viên hiện nay từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng mềm.

Trong xã hội hiện đại, kỹ năng mềm là một yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trong cuộc sống. Kỹ năng mềm sẽ quyết định bạn là ai, bạn làm việc như thế nào và hiệu quả từ công việc bạn sẽ mang lại. 

Thậm chí, theo một số nhà tuyển dụng, những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính dễ chịu cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với thành công trong nghề nghiệp giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc. Do đó, kỹ năng mềm được nhiều nhà tuyển dụng xem trọng. 

Theo thống kê, hiện nay nhiều tân cử nhân ra trường và đang thất nghiệp bởi lẽ nhiều doanh nghiệp lắc đầu khi nhận hồ sơ xin việc và sau quá trình phỏng vấn các ứng viên. 

Theo các nhà tuyển dụng, đa số tân cử nhân thất nghiệp khi ra trường vì tình trạng sinh viên thiếu kỹ năng mềm. 

Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại hội nghị đối thoại, hợp tác với các nhà tuyển dụng năm 2018 của Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) diễn ra ngày 18/4. 

Tại hội nghị, đại diện một số công ty đã chỉ rõ lý do sinh viên tốt nghiệp nhưng không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
 
Cụ thể, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh - ông Nguyễn Thế Truyền khẳng định, sinh viên giờ thiếu kinh nghiệm thực tế. 

"Sinh viên ra trường kỹ năng tối thiểu không có nhưng hay đòi hỏi này nọ" ảnh 1
Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh - ông Nguyễn Thế Truyền khẳng định, sinh viên giờ thiếu kinh nghiệm thực tế. (ảnh: Thùy Linh)

Thừa nhận điều này, phó giáo sư Nguyễn Thị Quế Anh – chủ nhiệm khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, sinh viên thiếu kỹ năng. 

Một số bạn trẻ cho rằng, các nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có năng lực chuyên môn, vi tính thành thạo, ngoại ngữ bằng A, B, C… Chính vì thế, các bạn đổ xô rủ nhau đi học bằng này bằng kia, khóa học này khóa học kia.

Thế nhưng, khi nhà tuyển dụng giao nhiệm vụ trả lời email khách hàng bằng tiếng Anh đối với một công ty nước ngoài thì không làm được. 

Ngoài ra, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh cũng thông tin: “Luật sư là một trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu nhưng kỹ năng này thì sinh viên rất yếu”. 

"Sinh viên ra trường kỹ năng tối thiểu không có nhưng hay đòi hỏi này nọ" ảnh 2Sinh viên yếu kỹ năng tin học cơ bản, thiếu tự tin và khả năng thuyết trình

Ông Nguyễn Thế Truyền nêu thực tế, công ty Luật Thiên Thanh thông báo tuyển 3 tháng nhưng có những khi cả tuần không nhận được bộ hồ sơ ứng tuyển nào, và mãi chưa tuyển được nhân viên phù hợp.

Vị này nêu lý do: “Sinh viên nào có năng lực một chút thì đòi hỏi nhà tuyển dụng rất nhiều thứ, thậm chí còn không biết bản thân đang đòi hỏi gì. 

Còn đối với những em mà chỉ mong được giao việc thì sau 2 tháng chúng tôi không dám giao việc, bởi lẽ làm việc gì cũng hỏng, thậm chí giao một công văn cho khách hàng nhưng không biết đường ăn nói. 

Trong khi nghề luật là nghề con người do đó ăn mặc, nói năng không đúng sẽ ảnh hưởng lớn tới hình ảnh, uy tín công ty.

Nhiều công văn có thể chuyển phát nhanh nhưng có những công văn phải gặp tận nơi trao các cơ quan đối tác. 

Lúc này khó khăn vô cùng khi để các trợ lý là sinh viên vừa ra trường đảm nhận bởi lẽ các em thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuẩn mực...”. 

Giám đốc công ty luật Thiên Thanh nêu thêm một ví dụ, khi luật sư giao cho nhân viên mới vào một hồ sơ để đi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì luật sư gần như phải đọc từ đầu đến cuối cho nhân viên từ việc hướng dẫn điều nào, khoản nào, cơ quan nào thụ lý, trình tự ra sao.

Thậm chí luật sư phải nhắc: “Sáng mai dậy sớm đi xếp vé em nhé” chứ không là nhân viên đi đăng ký mất nửa ngày. 

Từ đó, vị này kiến nghị, Ban liên lạc cựu sinh viên của nhà trường nên mời các luật sư trong lĩnh vực từ công chứng, thanh tra, thẩm phán, luật sư…đến để chia sẻ với sinh viên.

Đồng thời Khoa Luật nên tăng thời lượng thỉnh giảng để sinh viên mường tượng ra câu chuyện học xong các em sẽ làm gì, tránh tình trạng mai tốt nghiệp mà nay vẫn hỏi đi học cao học hay về nhà lấy chồng. 

Ngoài ra, muốn sinh viên là những nhân lực chất lượng khi bước ra thị trường lao động thì đã đến lúc Khoa Luật nên lập ra phòng diễn án để sinh viên cảm nhận được không khí, môi trường tòa án, xét xử như thế nào...

Thùy Linh