Sự kiện ấn tượng của Quốc hội tuần qua

29/10/2018 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV bắt đầu diễn ra từ ngày 22/10. Tuần qua, đại biểu tham dự kỳ họp đã quyết định nhiều nội dung quan trọng về nhân sự, giám sát…
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ. Ảnh: TTXVN.

1/ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắc cử Chủ tịch nước

Chiều ngày 23/10, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngay sau đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với tôi. Tôi xin nỗ lực cố gắng thực hiện những lời mà tôi vừa tuyên thệ".

Tiếp đó, Chủ tịch nước phát biểu một vài ý kiến "có tính chất báo cáo thêm với Quốc hội và giãi bày đôi chút về tâm tư, tình cảm của mình trước sự kiện này"

Tân Chủ tịch nước chia sẻ tâm trạng ngay lúc đó là "vừa mừng, vừa lo".

"Mừng vì được Quốc hội, nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ, nhưng lo vì làm thế nào để hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Báo Giao thông
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Báo Giao thông

2/ Ông Nguyễn Mạnh Hùng chính thức giữ chức Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Ngày 24/10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ này.

Nghị quyết được biểu quyết thông qua với 461/469 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 95,05% tổng số đại biểu) tán thành, nêu rõ: nêu rõ: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn

3/ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao

Chiều 25/10, 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 437 phiếu, chiếm 90,1%). Bà cũng được 34 đại biểu đánh giá tín nhiệm (chiếm 7,01%) và 4 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (0,82%).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quochoi.vn

Người được đánh giá tín nhiệm cao thứ hai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông được 393 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (81,03%), 68 đại biểu đánh giá tín nhiệm (14,02%) và 14 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (2,89%).

Người có phiếu tín nhiệm cao thứ ba là ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Minh được 377 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao (chiếm 77,73%), 85 đại biểu đánh giá tín nhiệm (17,53%) và 10 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp (2,06%).

Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ được 137 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 194 đại biểu đánh giá tín nhiệm và 140 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.

Xếp áp chót là Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ông Thể được 107 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp, 221 đại biểu đánh giá tín nhiệm, 142 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao.

4/ Kinh tế năm 2018 tăng trưởng ấn tượng

Trong tuần đầu làm việc của kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018.

Theo đó, kinh tế năm 2018 có kết quả rất tích cực, như tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm nay cũng dưới 4%, đây là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới mức này.

Sự kiện ấn tượng của Quốc hội tuần qua ảnh 5Điều hành ổn định giá những tháng cuối năm, chuẩn bị kịch bản năm 2019

Tín dụng, xuất khẩu 9 tháng đầu năm cũng tăng trên dưới 11%.

Cùng với đó, hơn 60% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đơn giản hóa.

Tuy nhiên, theo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện của Ủy ban Kinh tế, vẫn còn một số hạn chế, như: giải ngân vốn đầu tư công chậm, công tác thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kế hoạch đề ra, lượng vốn nắm giữ lớn nhưng hiệu quả kinh doanh chưa cao trong lúc vẫn phải phát hành trái phiếu Chính phủ để phục vụ đầu tư.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận định khó đạt được chỉ tiêu Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP đến năm 2020 là 85%.

Các kế hoạch mới như trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy ký kết Hiệp định FTA Việt Nam - EU được coi là cơ sở giúp năm 2018 Chính phủ sẽ có 8 /12 chỉ tiêu vượt kế hoạch Quốc hội giao.

Quốc hội thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

5/  Hai phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được

Sáng 25/10, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Lựa chọn phương án nào để xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được là nội dung chính được các đại biểu Quốc hội thảo luận.

Dự thảo sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng lần này đưa ra hai phương án xử lý tài sản thu nhập bất hợp lý.

Sự kiện ấn tượng của Quốc hội tuần qua ảnh 7Muốn lò cháy rực thì phải có “gió tươi” thổi vào

Một là việc xử lý sẽ do tòa án phán quyết. Hai là cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập đó.

Với phương án đưa ra tòa, một số đại biểu cho rằng, việc sử dụng công cụ tố tụng dân sự phải có hành vi chiếm hữu tài sản của người khác. Việc xác định cơ sở cho hành vi này là không dễ dàng.

Đối với phương án thu thuế, một số đại biểu cho rằng tài sản tham nhũng lúc mua bán đã phải chịu thuế, nếu tiếp tục đánh thuế sẽ dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế.

Bên cạnh đó, cơ sở tính thuế cũng chưa vững chắc khi các giao dịch liên quan đến tài sản tăng thêm được thực hiện bằng tiền mặt.

Đỗ Thơm