“Sư phạm không phải là một lối ra quá chật chội”

18/05/2018 08:54
Tấn Tài
(GDVN) - Sinh viên các ngành sư phạm vẫn có nhiều cơ hội việc làm, được tuyển chọn vào các cơ sở giáo dục các cấp với số lượng đáng kể.

LTS: Đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay không chỉ là vấn đề đáng bận tâm của những người trong cuộc mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội.

Ngành sư phạm đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng ngẫm, đáng bàn về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm, đạo đức nghề nghiệp…

Vì vậy, xây dựng một môi trường đào tạo chuyên nghiệp để thu hút nhân tài chọn ngành sư phạm đang là định hướng, mục tiêu lớn của các trường Đại học sư phạm trọng điểm.

Dưới đây là những chia sẻ của Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Thu hút và “giữ chân” nhân tài

Phóng viên: Thực tế đào tạo ngành sư phạm thời gian qua của nhà trường như thế nào, thưa thầy? Tỷ lệ sinh viên (sư phạm) ra trường có việc làm?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Thực tế đào tạo ngành Sư phạm thời gian qua có thể hình dung là một bức tranh khả quan về chất lượng đào tạo.

Phó Giáo sư Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về "lối đi" cho ngành sư phạm. Ảnh: VS
Phó Giáo sư Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng chia sẻ về "lối đi" cho ngành sư phạm. Ảnh: VS

Trong giai đoạn tuyển sinh nhiều khó khăn như mùa tuyển sinh 2017 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng vẫn là cơ sở đào tạo giữ được ngưỡng đảm bảo chất lượng của nhà trường, từ điểm chuẩn tuyển sinh cao đến công tác giáo dục, đào tạo.

Theo đánh giá của hệ thống kiểm định chất lượng của nhà trường và giảng viên, chất lượng sinh viên của ngành Sư phạm những năm gần đây và gần nhất là năm học 2017 - 2018 vẫn giữ được mặt bằng trình độ tốt, có những sinh viên đạt kết quả học tập và rèn luyện cao.

Theo thống kê sơ bộ của phòng công tác sinh viên, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của Trường có việc làm sau 6 tháng ra trường là 78%. Riêng với các ngành đào tạo giáo viên thì đạt tỷ lệ 86% có việc làm. 

Chương trình đào tạo sư phạm đã thay đổi theo xu hướng tích hợp

Con số đó tuy chưa phải là mong muốn, tuy nhiên trong cảnh huống chung cân đối, điều tiết vị trí việc làm của ngành giáo dục như hiện nay.

Đây cũng là minh chứng cho việc sinh viên tốt nghiệp của nhà trường, nhất là sinh viên các ngành Sư phạm vẫn có nhiều cơ hội việc làm, được tuyển chọn vào các cơ sở giáo dục các cấp với số lượng đáng kể.

Trong đó, có cả những sinh viên đỗ thủ khoa vào kì thi tuyển giáo viên và được phân công đảm nhận công tác tại những trường trung học lớn, có bề dày uy tín.

Điều đó chứng minh ngành Sư phạm vẫn không phải là một lối ra quá chật chội, hay không còn có cơ hội việc làm như cách nhìn nhận có thể còn một chiều của dư luận xã hội trong thời gian qua.

Theo quan điểm của thầy thì các trường sư phạm phải làm gì để thu hút “nhân tài” chọn ngành sư phạm?

Phó giáo sư Lưu Trang: Để thu hút “nhân tài” chọn ngành sư phạm, có lẽ các trường sư phạm cần dành cho ngành này những quan tâm mang tính bền vững và xuyên suốt.

Sinh viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: VS
Sinh viên Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: VS

Đó chính là những giải pháp lâu dài, bắt đầu từ sự chuẩn bị cho một môi trường đào tạo đạt chuẩn.

Là một trong những cơ sở được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục và là trường Đại học Sư phạm trọng điểm, đó là một bảo đảm cho những điều kiện để trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng được các thí sinh lựa chọn một cách tin cậy.

"Chúng tôi tìm được cách để thầy cô có việc làm đúng chuyên ngành"

Khi cơ sở giáo dục được đánh giá, kiểm định thì mọi hoạt động đào tạo của nhà trường, trong đó có đào tạo sư phạm, sẽ không ngừng vận hành và phát triển để chứng minh được những giá trị đã được công nhận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đo lường, kiểm định.

Từ đó, một môi trường giáo dục Sư phạm chuyên nghiệp sẽ là nhân tố quan trọng để hiện thực hóa các thang giá trị của nhà trường.

Ngoài ra, để trở thành địa chỉ được lựa chọn, không chỉ đảm bảo số lượng tuyển sinh mà còn bảo đảm chất lượng, các trường Sư phạm cũng cần có những chiến lược, chủ trương “thu hút” thí sinh.

Cụ thể như: trao các học bổng, tiền thưởng một cách xứng đáng với kết quả đầu vào của thí sinh.

Đồng thời, có các hình thức tuyển thẳng đặc biệt dành cho đối tượng học sinh đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi và có các phương án tuyển sinh phong phú, tối ưu cho nhiều sự lựa chọn thi tuyển/xét tuyển của thí sinh.

Tuy nhiên, để thực sự thu hút “nhân tài”, đầu tư cho chất lượng đào tạo mới là giải pháp bền vững. Nếu không, sẽ khó giữ chân được “nhân tài”. Hiện nhiều trường vẫn có hiện tượng sinh viên ngừng học, chuyển trường.

Điều đó có nhiều nguyên nhân, song thiết nghĩ nếu một cơ sở giáo dục Đại học đủ sức giữ chân được người học, nhất là “người tài” thì hiện tượng đó chỉ là cá biệt.

Nếu không, chỉ quan tâm đến những giải pháp bề nổi mà hời hợt với yêu cầu của người học về chất lượng từ đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đến tầm nhìn quản lí và cả thái độ phục vụ thì tất yếu sẽ có sự giảm mạnh cả về chất lẫn về lượng đối với ngành này.

Đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ

Cụ thể, trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã thực hiện như thế nào?

Phó Giáo sư Lưu Trang: Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, sự quyết liệt, thậm chí phải “hy sinh” một số ngành không còn đủ sức hấp dẫn.

Trường sẽ làm thế nào để sinh viên sư phạm tốt nghiệp có việc làm?

Và thay bằng những ngành đáp ứng cung cầu mà xã hội đang thiếu sẽ là một trong những chiến lược thu hút “nhân tài”. Bởi không thể có một loại hình đào tạo nào thành công nếu không quan tâm đến tính thời đại.

Nhà trường đã đang nỗ lực xây dựng đội ngũ đạt trình độ, theo kế hoạch đến năm 2020, 40% giảng viên của Trường đạt trình độ Tiến sĩ trở lên. Bằng nhiều nguồn kinh phí, Trường đẩy mạnh đầu tư trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại vào giảng dạy và nghiên cứu.

Lãnh đạo quản lý và toàn thể cán bộ viên chức nhà trường đang chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, từ hành chính sang dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhất cho người học.

Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Tấn Tài