Sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk đang trái những quy định nào?

03/04/2019 15:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Quyết định của Thủ tướng Chính phủ còn bị ngang nhiên vi phạm với sự bắt tay của một số cá nhân có thẩm quyền với doanh nghiệp, Sữa học đường có bị biến tướng?

Ngày 25/8/2017 Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa ra Quyết định số 970/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả đấu thầu cung cấp sữa cho chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh;

Tên hàng hóa trúng thầu là "Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - nhãn ADM gold" - hộp 180 ml và hộp 110 ml, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Tại Đà Nẵng, ngày 2/8/2017 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký Quyết định số 4233/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sữa để thực hiện Đề án Sữa học đường năm 2017.

Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), giá trúng thầu là 9.815.097.600 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1 năm và tên hàng hóa trúng thầu là "sữa tiệt trùng có đường 180 ml" 1.324.134 hộp, "sữa tiệt trùng có đường 110 ml" 468.594 hộp. 

Sản phẩm sữa mà Khánh Hòa rót ngân sách mua cho học sinh thụ hưởng Sữa học đường không phải sữa tươi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mà là sữa bột pha lại của Vinamilk với tên gọi mới "sữa dinh dưỡng". Ảnh chụp màn hình.
Sản phẩm sữa mà Khánh Hòa rót ngân sách mua cho học sinh thụ hưởng Sữa học đường không phải sữa tươi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mà là sữa bột pha lại của Vinamilk với tên gọi mới "sữa dinh dưỡng". Ảnh chụp màn hình.

Những sản phẩm mang tên "sữa dinh dưỡng", "sữa tiệt trùng" nói trên của Vinamilk đưa vào Chương trình Sữa học đường tại một số tỉnh là trái với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định sử dụng sữa tươi cho chương trình.

Vấn đề này chúng tôi đã phản ánh trong các bài viết trước, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phân tích thêm về cơ sở pháp lý của tên hàng hóa "sữa dinh dưỡng" mà Vinamilk đang đưa vào Chương trình Sữa học đường cũng như bán rộng rãi trên thị trường.

Tên gọi "Sữa dinh dưỡng" dán nhãn "học đường" của Vinamilk đang trái những quy định nào?

Thứ nhất, với các sản phẩm "sữa dinh dưỡng" Vinamilk đưa vào chương trình Sữa học đường, chúng không nằm trong danh mục các loại sữa dạng lỏng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2010/BYT mà Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế đã quy định.

QCVN 5-1:2010/BYT quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, bao gồm sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc (sữa đặc), sữa cô đặc (sữa đặc) có bổ sung chất béo thực vật. [1]

Các sản phẩm "sữa dinh dưỡng" của Vinamilk nói chung, "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilkd ADM Gold - Học đường" và "Sữa dinh dưỡng không đường - Vinamilkd ADM Gold - Học đường" nói riêng, không có trong QCVN 5-1:2010/BYT mà chính Vinamilk viện dẫn khi ban hành bản tự công bố sản phẩm.

Sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk đang trái những quy định nào? ảnh 2

Để Vinamilk đưa sữa bột pha lại vào Sữa học đường là coi thường phép nước

Thứ hai, phải chăng Vinamilk đang vi phạm Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, khi đặt tên sản phẩm là "sữa dinh dưỡng"?

Cụ thể, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định:

Tên hàng hóa ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tự đặt. Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa. 

Bản chất sữa bột pha lại bị che lấp bởi mỹ từ "sữa dinh dưỡng" có phải cách đánh lừa người tiêu dùng?

Sản phẩm "sữa dinh dưỡng" mà Vinamilk dán mác "học đường" nói trên hay các sản phẩm "sữa dinh dưỡng" khác Vinamilk đang bán ra thị trường, có bản chất là sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột.

Thứ ba, cách ghi thành phần trên các nhãn sản phẩm thuộc nhóm "sữa dinh dưỡng" của Vinamilk liệu có đang lách quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP? Nghị định ghi rõ: 

Thành phần của hàng hóa là các nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.

Bản tự công bố sản phẩm số 39-C3/VNM/2018 với sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường" ghi thành phần như sau:

Sữa (95,7%) (nước, sữa bột, chất béo sữa), đường (4,0%), chất ổn định (471, 460 (i), 407, 466), vitamin (natri ascorbat, PP, E, B1, B6, B5, A, acid folic, B2, K1, D3), khoáng chất (tricalci phosphat, sắt pyrophosphat, kẽm sulfat, đồng sulfat, kali iodid, natri selenit, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, taurin.

Ai nhân danh Bộ trưởng tiếp tay cho Nestlé Milo "chui" vào Sữa học đường?

Có thể thấy "Sữa (95,7%)" không phải một thành phần nguyên liệu, mà là hỗn hợp được tạo nên từ các thành phần (nước, sữa bột, chất béo sữa).

Ghi hỗn hợp (nước, sữa bột, chất béo sữa) thành "thành phần sữa" liệu có nhằm che dấu thông tin thành phần, tỉ lệ để tạo nên sản phẩm (nước, sữa bột, chất béo sữa)?

Với sản phẩm "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold" theo bản tự công bố sản phẩm số 31-C3/VNM/2018, thành phần ghi:

Sữa (96%) (nước, bột sữa, chất béo sữa, sữa tươi), đường (3,8%), dầu thực vật, chất ổn định (471, 460 (i), 407, 466), hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm, vitamin (PP, B1, B5, B6, A, acid folic, K1, biotin, D3, B12), khoáng chất (kẽm sulfat, kali iodid, natri selenit).

Với cách ghi thành phần như thế này, không ai biết trong một hộp "Sữa dinh dưỡng có đường - Vinamilk ADM Gold" có bao nhiêu % nước, bao nhiêu % bột sữa, bao nhiêu % chất béo sữa, bao nhiêu % sữa tươi, là những thành phần chính tạo nên sản phẩm.

Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Khánh Hòa, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là "sữa dinh dưỡng" pha lại từ sữa bột, không phải sữa tươi. Ảnh chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa.
Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Khánh Hòa, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là "sữa dinh dưỡng" pha lại từ sữa bột, không phải sữa tươi. Ảnh chụp màn hình phóng sự của Đài truyền hình tỉnh Khánh Hòa.

Trong bài viết "Sữa tiệt trùng hết thời nhập nhèm" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 29/8/2017, cho biết:

Bộ Y tế vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5:1-2017/BYT), có hiệu lực từ tháng 3/2018 thay thế QCVN 5:1-2010/BYT, trong đó bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng. 

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng phải thể hiện đúng bản chất nguyên liệu, đúng theo tinh thần khoa học, thông lệ quốc tế. 

Trước kia chưa có biện pháp kỹ thuật kiểm tra phân biệt sữa tươi và sữa hoàn nguyên nên rất khó để giám sát. Tuy nhiên, hiện tại đã có lời giải cho bài toán khó này. Bộ Y tế sẽ dành thời gian phù hợp để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc chuyển đổi.

Quy chuẩn đã ban hành nhưng tới tháng 3/2018 mới có hiệu lực, hoàn toàn đủ thời gian cho các doanh nghiệp thay bao bì mới.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) đã chỉ đích danh việc đặt tên gọi sữa tiệt trùng không đúng bản chất nguyên liệu là sữa bột pha lại thì chính là “hành vi gian lận thương mại” và “lừa dối người tiêu dùng”. 

Sữa dinh dưỡng học đường Vinamilk đang trái những quy định nào? ảnh 4

Cần dẹp ngay sữa pha lại của Vinamilk, VPMilk, Milo, Fami Kid khỏi Sữa học đường

“Tôi thấy các doanh nghiệp sản xuất sữa tiệt trùng luôn nói vì người tiêu dùng, nhưng tôi phải nói thật là chỉ vì lợi nhuận. 

Tại sao sản phẩm sản xuất từ sữa bột lại không nói là sản xuất từ sữa bột? Tên gọi cần công khai, minh bạch. Nếu không công khai, đó là lừa người tiêu dùng”. [2]

Vậy ai đang tiếp tay cho doanh nghiệp lừa người tiêu dùng?

Bài viết "Không thể để người dân uống sữa bột tưởng sữa tươi", đăng trên Báo Đại biểu Nhân dân ngày 7/4/2016, cho hay:

Theo số liệu của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đến nay, lượng sữa tươi nguyên liệu trong nước sản xuất mới đạt 549,5 triệu lít, trong đó chỉ có 367,6 triệu lít sữa tươi nguyên liệu được đưa vào chế biến dạng lỏng. 

Còn lại hầu hết sữa dạng lỏng là được pha lại từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu về với tên gọi “sữa tiệt trùng” (theo QCVN 5-1:2010 do Bộ Y tế ban hành). 

Với tên gọi đó, người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sữa tươi sản xuất dạng lỏng và đâu là sữa bột nhập khẩu pha dạng lỏng; càng làm cho việc nhập khẩu sữa nguyên liệu về pha lại thành sữa “tiệt trùng” trở thành “thời thượng” vì đưa lại lợi nhuận lớn …

Báo cáo kết quả hội nghị chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và Sữa chế biến dạng lỏng” do ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban ký và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội  tháng 7.2015 cũng đã nhấn mạnh: 

“Việc nhập khẩu sữa bột nguyên liệu còn chiếm tỷ trọng lớn đang đi ngược lại quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam, là phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”. [3]

Tên gọi "sữa tiệt trùng" người tiêu dùng đã khó phân biệt, nay nó lại biến tướng thành "sữa dinh dưỡng" còn khó phân biệt hơn nhiều.

Cũng giống như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam không thiếu sữa tươi, nhưng lại bỏ ngân sách mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho Chương trình Sữa học đường. Ảnh minh họa: hanam.gov.vn.
Cũng giống như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam không thiếu sữa tươi, nhưng lại bỏ ngân sách mua sữa bột pha lại của Vinamilk cho Chương trình Sữa học đường. Ảnh minh họa: hanam.gov.vn.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5:1-2017/BYT được Bộ Y tế ban hành sau hơn 80 cuộc hội thảo suốt 5, 6 năm trời với rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia dinh dưỡng, y tế cũng như các nhà quản lý, doanh nghiệp.

Theo QCVN 5:1-2017/BYT, sữa dạng lỏng được phân làm 4 nhóm: nhóm sữa tươi; nhóm sữa hoàn nguyên; nhóm sữa hỗn hợp; nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường.

Trong đó sữa hoàn nguyên được chế biến từ sữa bột hoặc sữa cô đặc; sữa hỗn hợp chế biến từ hỗn hợp sữa tươi nguyên liệu với các sản phẩm sữa hoặc thành phần của sữa.

Suốt mấy chục năm qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về pha lại đã được hưởng lợi từ sự nhập nhèm tên gọi "sữa tiệt trùng", QCVN 5:1-2017/BYT đã loại bỏ "sữa tiệt trùng" và sử dụng tên gọi "sữa hoàn nguyên" hoặc "sữa hỗn hợp" để thay thế, tiệm cận gần hơn với bản chất sữa pha lại.

Nhưng tại sao đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5:1-2017/BYT cũng như Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa?

"Cáo gửi chân" vào Sữa học đường?

Ai đang cố tình trì hoãn việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5:1-2017/BYT vào thực tiễn?

Ngày 6/2/2017, Cục An toàn thực phẩm ra văn bản số 4034/2017/ATTP-XNCB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng có đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [4]

Ngày 3/8/2017, Cục An toàn thực phẩm có văn bản số 26399/2017/ATTP-XCNB xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm Sữa dinh dưỡng tiệt trùng không đường - Vinamilk ADM Gold - Học đường. [5]

Chúng tôi thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Y tế chỉ đạo thu hồi 2 quyết định nói trên và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.fsi.org.vn/pic/files/qcvn-5-1_2010-byt-sua-dang-long_ruot.pdf

[2]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/item/33930702-sua-tiet-trung-het-thoi-nhap-nhem.html

[3]http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=370155

[4]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ikwsM5VXExEJ:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D399280+&cd=10&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

[5]http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:l0h__8CQtA4J:congbosanpham.vfa.gov.vn/uploadiframe!openFileSignPublic.do%3FfileId%3D455091+&cd=4&hl=vi&ct=clnk&gl=vn

Hồng Thủy