Tại sao cần so sánh Chương trình tổng thể mới với Chương trình năm 1979?

30/08/2017 06:20
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
(GDVN) - Để xã hội Việt Nam tiến bộ và phát triển, việc nghiên cứu và xây dựng Chương trình cần phải được tiến hành nghiêm túc và cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ.

LTS: Bài viết “So sánh Chương trình giáo dục mới với Chương trình năm 1979” của Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, bình luận.

Để rộng đường dư luận, Tiến sĩ Vũ Thu Hương tiếp tục gửi đến bài viết, trong đó làm rõ hơn lý do và mục đích của việc đưa ra những so sánh này.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua đã thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và các chuyên gia giáo dục.

Tôi thật sự mừng vì bài phân tích chương trình năm 1979 của tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia trong ban dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Dưới đây là nguyên nhân về việc so sánh chương trình này với chương trình phổ thông tổng thể mới sắp ban hành.

Thứ nhất, chương trình phổ thông của Việt Nam được xây dựng bắt đầu từ sau năm 1945. Các chương trình từ trước năm 1975 đều chỉ dành cho giáo dục miền Bắc vì khi đó chúng ta chưa giải phóng.

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước về chung một nhà, giáo dục đã bắt đầu với chương trình chung cho cả dân tộc. Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu và đọc trước các chương trình từ năm 1979 đến nay.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được dư luận rất quan tâm.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được dư luận rất quan tâm.

Thứ hai, các "sản phẩm" của chương trình phổ thông 1979 đã trưởng thành và một tỉ lệ lớn đã thành đạt.

Chương trình có điểm đặc biệt mà hầu như ai cũng rất rõ là thời gian học của học sinh tiểu học không nhiều nhưng khá hiệu quả.

Nghiên cứu chương trình 1979 sẽ giúp chúng ta định hình được hướng đi trong việc thiết kế Chương trình phổ thông tổng thể mới hiệu quả và nhẹ nhàng hơn.

Thứ ba, trong lịch sử giáo dục Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, các chương trình ngày một nặng hơn với thời lượng các môn tăng cao.

Số lượng tiết học cũng tăng từ 17 tiết đến 22 tiết và hơn nữa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự quá tải trong giáo dục tiểu học đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Vì thế, nghiên cứu phương án xử lý tình trạng quá tải trong giáo dục đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nghiên cứu chương trình 1979 có thể sẽ cho ta một hướng giải quyết vấn đề này.

Đầu tiên, với các phương pháp giáo dục khác nhau thì hiệu quả giáo dục cũng khác nhau. Đây là một lý thuyết đơn giản mà bất kể nhà nghiên cứu giáo dục hay một giáo viên nào cũng hiểu được.

Với lượng kiến thức khá cố định của chương trình giáo dục tiểu học, điều quan trọng là tìm ra phương pháp học phù hợp để thời gian học ít nhưng hiệu quả.

Tại sao cần so sánh Chương trình tổng thể mới với Chương trình năm 1979? ảnh 2

Đôi điều trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương về chương trình giáo dục năm 1979

Điều đó sẽ đảm bảo được thời lượng học kĩ năng sống, trải nghiệm, giao lưu, tìm tòi khám phá của học sinh để giải quyết tình trạng thiếu kĩ năng sống và thiếu trải nghiệm của các cháu.

Do vậy, nghiên cứu những chương trình và các phương pháp dạy học đã từng áp dụng sẽ giúp chúng ta tìm ra phương hướng giải quyết các mâu thuẫn như: học nhiều biết ít, học đâu quên đó mà trẻ tiểu học đang phải đối mặt.

Thứ hai, nghiên cứu để so sánh với các mô hình giáo dục của các nước tiên tiến là việc nên làm.

Tuy nhiên, với đặc thù riêng của dân tộc Việt, với đặc trưng của môn Tiếng Việt, chúng ta rất cần tìm hiểu các chương trình đã áp dụng của Việt Nam để tìm ra các phương thức giải quyết phù hợp.

Thứ ba, về giáo dục kĩ năng sống và trải nghiệm, tuy chương trình 1979 không nói rõ những nhiệm vụ đó đã được các phụ huynh học sinh tiến hành rất hiệu quả trong buổi nghỉ học, học sinh sinh hoạt tại gia đình và cộng đồng.

Nghiên cứu phương thức hoạt động của các phụ huynh cũng sẽ giúp chúng ta tìm ra cách thức xây dựng chương trình đào tạo nội dung này.

Thứ tư, một điểm quan trọng nữa trong chương trình giáo dục tiểu học chính là chữ cái đầu tiên trẻ học khi vào lớp 1.

Bắt đầu là chữ i, t… sau đó là chữ o rồi bây giờ là chữ e. Liệu rằng việc lựa chọn chữ cái đầu tiên dạy trẻ có phải là nguyên nhân của việc học trước khi vào lớp 1?

Liệu rằng việc lựa chọn này có ảnh hưởng đến số tiết tiếng Việt mà trẻ sẽ phải học trong suốt năm tiểu học? Câu hỏi này cần được nghiên cứu và giải đáp sớm.

Là nhà giáo, hơn ai hết, tôi hiểu tầm quan trọng của Chương trình tổng thể trong sự hình thành và phát triển của những thế hệ người Việt.

Để xã hội Việt Nam tiến bộ và phát triển, việc nghiên cứu và xây dựng Chương trình cần phải được tiến hành nghiêm túc và cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ.

Chúng tôi rất mong có thể đóng góp ý kiến của mình để Ban soạn thảo chương trình hoàn tất công việc khó khăn này một cách thành công để công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đạt hiệu quả như mong muốn. 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương