Tại sao con không đi học mà đi bán vé số?

04/05/2017 09:00
Đỗ Quyên
(GDVN) - Tôi cũng chính là tác nhân góp phần đẩy em một học sinh đáng thương ra xã hội để kiếm sống thay vì em vẫn được đến trường như biết bao học trò khác.

LTS: Là nạn nhân của "bệnh thành tích" trong giáo dục, cô giáo Đỗ Quyên bày tỏ những day dứt vì đã thỏa hiệp cho học sinh chưa biết đọc biết viết phải lên lớp để đảm bảo chỉ tiêu.

Cô giáo bày tỏ những nỗi khó khăn, khổ tâm của giáo viên khi buộc phải làm trái lương tâm nhà giáo vì hư danh của nhà trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đang lui hui lấy tiền đổ xăng, tôi nghe tiếng mời của một người bán vé số “Cô ơi! Cô mua dùm con vài tờ vé số đi, từ sáng đến giờ con chưa bán được tờ nào cô ạ”. 

Nghe giọng nói quen quen, tôi vội ngẩng lên nhìn. Thật ngỡ ngàng, trước mắt tôi là Minh, cậu học sinh lớp 2 năm nào. Minh mới 11 tuổi lẽ ra giờ này đang ngồi ở lớp học sao lại ra đây đi bán vé số thế này? 

Tôi thắc mắc nên hỏi em: “Tại sao con không đi học mà đi bán vé số?

Em cúi gằm mặt nhỏ nhẹ đáp lời: “Con lên đến lớp 6 nhưng vẫn không thể đọc được. Hôm nào đi học cũng bị bạn cười, bị thầy cô la nên con nghỉ học luôn rồi cô ạ”. 

Em ngước cặp mắt u buồn nhìn lên, thoáng chốc tôi chẳng dám nhìn sâu vào đôi mắt ấy.

Bởi xét cho cùng, tôi cũng chính là tác nhân góp phần đẩy em một học sinh đáng thương ra xã hội để kiếm sống thay vì em vẫn được đến trường như biết bao học trò khác.

Kí ức chợt ùa về ba năm trước. Minh là cậu học trò cá biệt bởi đã học lớp 2 nhưng em vẫn không nhớ nổi bảng chữ cái, các âm vần, không thể viết được dù là họ tên của mình. 

Giọt nước mắt em V. học sinh bị buộc phải lên lớp 6 kể cả khi không biết đọc biết viết tại Sóc Trăng. Ảnh minh họa chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn.
Giọt nước mắt em V. học sinh bị buộc phải lên lớp 6 kể cả khi không biết đọc biết viết tại Sóc Trăng. Ảnh minh họa chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, vtv.vn.

Lẽ ra với sức học như thế, em phải được ở lại lớp 1. Biết không thể đưa em trở lại lớp 1 nên sau khi dạy cho học sinh cả lớp, tôi lại ngồi bên em dạy lại từng âm vần của học sinh lớp 1. 

Dù thế, em tiếp thu cũng chậm bởi tôi cũng chẳng có thời gian dành cho em nhiều. Các giờ ra chơi, các tiết học âm nhạc, mĩ thuật, kĩ thuật tôi đều xin giáo viên để có thời gian dạy riêng cho em. 

Thế mà, em học trước quên sau và tiến bộ rất chậm. Cuối năm, tôi quyết định cho em ở lại lớp 2 với hy vọng sang năm em sẽ học tốt hơn.

Ngày báo cáo chất lượng học sinh cũng là lúc tôi được Ban giám hiệu mời lên chất vấn: “Tại sao lớp cô lại có một học sinh lưu ban? Cô có biết nếu chỉ cần một em ở lại trường mình sẽ gặp rắc rối thế nào không?

Chưa nói tới bây giờ mà 5 năm sau vẫn còn bị khống chế chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo”. 

Tôi đã trình bày về khả năng tiếp thu bài, về lực học của Minh cả về sự nỗ lực, cố gắng của tôi trong suốt một năm học…

Tại sao con không đi học mà đi bán vé số? ảnh 2

Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!

(GDVN) - Vì thành tích những học sinh này buộc phải lên lớp; giáo viên mừng, học sinh cũng mừng nhưng chính giáo viên đã tước đi một cơ hội biết chữ của các em!

Nhưng cuối cùng Phó Hiệu trưởng vẫn cương quyết: “Tôi không quan tâm đến chuyện đó, chỉ biết rằng cô làm cách nào để em ấy không ở lại là được”. 

Tôi đã hỏi lại “Vậy cô chỉ đạo cho tôi cho học sinh lên lớp? Nếu thế tôi sẽ làm”.

Bất ngờ vị Hiệu phó nói lớn: “Tôi không chỉ đạo, tôi chỉ nói cô cố mà kèm mấy tháng hè cho em ấy biết đọc là được”. 

Nhưng bây giờ là nghỉ hè, tôi phải kèm làm sao?

Vị Hiệu phó trả lời dứt khoát: “Cái đó là việc của cô, cô có thể chở em ấy về nhà mà dạy”.

Đến nước này tôi thấy mình chẳng thể nói chuyện bình thường được. Thế rồi bao suy nghĩ ùa đến, tôi đã nỗ lực hết mình vì em, chí ít tôi cũng không có gì phải ân hận với lương tâm trách nhiệm của một nhà giáo. 

Giá em ở gần nhà tôi, tôi có thể kèm cho em học miễn phí 2 tháng hè nhưng từ nhà tôi đến nhà em gần 20 cây số sao tôi có thể hàng ngày chạy đến trường để chở em về nhà? 

Nếu tôi cứ cương quyết làm theo ý mình, chắc chắn tôi sẽ khó sống yên thân khi vì mình mà biết bao người bị ảnh hưởng. 

Nghĩ rồi, tôi cũng tặc lưỡi và tự an ủi mình: “Em sẽ được lên lớp, lỗi này là do quy định chứ không phải do cá nhân tôi”.

Buổi sáng trong ngày tổng kết, một phụ huynh ăn mặc vẻ lam lũ chạy theo tôi khẩn khoản: “Cô ơi! Cô cho cháu Minh ở lại đi, nó có biết đọc, biết viết gì đâu mà lại lên lớp 3?” 

Tại sao con không đi học mà đi bán vé số? ảnh 3

“Cô ơi! cho con tôi ở lại lớp vì nó học yếu quá”

(GDVN) - Phụ huynh nài nỉ cho con mình đúp, ở lại lớp như thế, mà giáo viên cũng có được quyền làm thế đâu, dù học trò thực sự không đáng được lên lớp...

Khi chị nghe tôi nói “Tôi không có quyền chị ạ, chị vào trình bày với Ban giám hiệu xem sao?”.

Lúc quay đi tôi vẫn nghe tiếng vị phụ huynh than vãn: “Thời buổi gì mà xin ở lại lớp cũng khó. Giá năm ngoái, nó được ở lại lớp 1 giờ đâu đến nỗi dốt như thế”.

Tôi cứ bị ám ảnh mãi đôi mắt khẩn khoản, giọng nói van lơn của người mẹ.

Giờ lại đến những lời mời chào năn nỉ cùng hình ảnh thất thểu bước đi của em trên khắp nẻo đường. 

Giá đừng sinh ra chỉ tiêu, đừng áp đặt thành tích, giá như tôi dũng cảm hơn để đấu tranh với những điều vô lý ấy thì em đã không phải thất học bước ra cuộc đời lam lũ như lúc này.

Câu chuyện của tôi không phải là cá biệt, có rất nhiều đồng nghiệp đã, đang và sẽ khó xử như tôi nếu ngành giáo dục vẫn cứ tiếp tục áp đặt chỉ tiêu như thế.

Đỗ Quyên