Tại sao tiến sĩ dỏm “hành nghề” gần 10 năm mới bị phát hiện?

28/11/2017 07:57
An Nguyên
(GDVN) - Xã hội trọng bằng cấp đã khiến nhiều người “chạy” đua để học bằng, mua bằng, thậm chí là xài bằng giả nhằm thăng quan, tiến chức.

Câu chuyện ông tiến sĩ dỏm ở Đà Nẵng xài bằng giả từ đại học cho đến tiến sĩ nhưng vẫn được nhận vào làm tại cơ quan nhà nước, trường đại học mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng chuộng bằng cấp hơn là khả năng thực tế.

Dùng mác tiến sĩ giả làm “giấy thông hành”

Không biết bằng cách nào mà chỉ với “tấm vé thông hành” là hàng loạt văn bằng, chứng chỉ giả mà vị tiến sĩ dỏm kia lại được nhận vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, trường đại học.

Những nơi đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ.

Xã hội trọng bằng cấp đã gây ra hàng loạt vấn đề nhức nhối như: mua bán bằng giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi. Ảnh minh họa trên giaoduc.net
Xã hội trọng bằng cấp đã gây ra hàng loạt vấn đề nhức nhối như: mua bán bằng giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi. Ảnh minh họa trên giaoduc.net

Có chăng, đơn vị tuyển dụng chỉ nhìn trên tấm bằng để đánh giá về khả năng của nhân sự?

Lần lại quá trình công tác của Nguyễn Hữu Tuấn Huy (sinh năm 1978, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Tại sao tiến sĩ dỏm “hành nghề” gần 10 năm mới bị phát hiện?  ảnh 2

Một Tiến sĩ dỏm suốt 10 năm dùng bằng giả đi làm ở trường đại học

Bởi từ đầu năm 2009, Huy đã sử dụng các văn bằng, chứng chỉ, tài liệu giả để nộp hồ sơ xin việc qua sở Nội vụ Đà Nẵng nhằm ứng cử vào một cơ quan nhà nước.

Dựa trên những hồ sơ này, bộ phận Nội vụ đã chuyển sang sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, bố trí công tác tại Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông từ ngày 2/3/2009 đến 1/9/2010.

Sau đó, cũng với bộ hồ sơ rất đẹp này, ông Huy đã lọt qua vòng tuyển dụng để vào công tác tại một trường đại học trên địa bàn.

Cho đến tháng 9/2017, mặc dù bị phát hiện nhưng Huy vẫn tiếp tục gửi bộ hồ sơ với các văn bằng, chứng chỉ giả đó ra dự tuyển vào trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội).

Cơ quan công an bước đầu xác nhận số văn bằng, chứng chỉ của Huy toàn là hàng giả và Huy cũng thừa nhận việc này.

Còn cái mác tiến sĩ mà Huy vẫn khoe khoang, giới thiệu trên mạng xã hội cũng là hàng dỏm.

Vậy tại sao với những bộ hồ sơ giả mạo đó, Huy lại ung dung làm việc tại một cơ quan nhà nước rồi chuyển sang trường đại học?

Bản thân Huy không đủ khả năng, trình độ và chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn làm việc với cái mác “tiến sĩ” gần 10 năm trời mà không ai phát hiện.

Phải chăng khi tuyển dụng Huy, người ta chỉ nhìn vào những tấm bằng mà anh ta cung cấp như:

Anh văn khung năng lực châu âu A1, A2 và B1, B2, “chứng nhận hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh cấp”.

Một chuyên gia về quản lý và cung ứng nhân lực cho rằng, quy trình tuyển dụng tại các cơ quan, trường học rất khắt khe.

Khi người lao động cung cấp các văn bằng, chứng chỉ thì bộ phận tuyển dụng phải tiến hành kiểm tra, xác minh tại các cơ sở đào tạo, cấp phát văn bằng.

Ngoài ra, phải trãi qua vòng phỏng vấn khả năng, chuyên môn để xem người lao động có đáp ứng được các yêu cầu của công việc.

Một hệ thống “hàng rào” kiểm tra chặt chẽ như vậy mà ông Huy vẫn vượt qua để chễm chệ làm việc trong một cơ quan nhà nước thì cũng là điều bất thường.

Lẽ nào một người chưa hề được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mà có năng lực tương đương như một ông tiến sĩ !?

Trong khi đó, để có học vị tiến sĩ thì phải kinh qua ít nhất mười năm đào tạo (4 năm đại học, 2 năm thạc sĩ và 3-4 năm tiến sĩ), tiêu tốn khá nhiều công sức, trí lực và tiền bạc.

Hệ lụy của việc sử dụng một ông tiến sĩ dỏm trong đào tạo thật khó mà nói hết!

Chọn bằng cấp hay năng lực?

Xoay quanh câu chuyện bằng cấp, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi ban hành quy định cán bộ sinh sau năm 1975 khi bổ nhiệm phải tốt nghiệp đại học chính quy.

Tại sao tiến sĩ dỏm “hành nghề” gần 10 năm mới bị phát hiện?  ảnh 3

Tiến sĩ dỏm và niềm tin bị nợ

Lý do là nhằm hạn chế tình trạng con ông cháu cha không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn lọt vào bộ máy quản lý nhà nước và cũng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong thời gian tới.

Và hệ quả của quy định mang tính “bằng cấp” ấy là hàng loạt cán bộ đã có bằng thạc sĩ phải khăn gói đi học lại bằng đại học hệ chính quy để được bổ nhiệm.

Có cán bộ có thâm niên công tác nhiều năm nhưng bằng tại chức nên phải lặn lội ra Đà Nẵng để học lại hệ đại học chính quy.

Trong khi năng lực của vị cán bộ này được đánh giá tốt, có kinh nghiệm xử lý công việc và người dân cũng tin tưởng.

Việc học lại bằng đại học chính quy không có nhiều ý nghĩa mà chỉ mang tính hình thức “hợp lý hóa” bởi một tuần chỉ học vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật.

Còn các ngày trong tuần, ông này vẫn phải đảm nhận công việc bình thường.

Như vậy, chúng ta đang cần bằng cấp cho đẹp đẽ hay cần một người có năng lực thực sự để giải quyết công việc của dân?

Câu chuyện “trọng” bằng cấp đã làm phát sinh ra hàng loạt vấn đề nhức nhối cho xã hội.

Đó là tình trạng mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, chạy chọt trong thi cử để có tấm bằng chính quy loại khá, giỏi…

Ngày 26/11, công an tỉnh Nam Định cũng đã bắt tạm giam ông Mai Xuân Minh - phó hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghiệp Hải Phòng về tội làm giả văn bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm [1].

Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ làm giả các loại văn bằng mà cơ quan công an khám phá, bắt giữ thời gian qua.

Vậy tại sao không phỏng vấn, thi tuyển công khai các chức danh để bằng cấp chỉ còn là một trong những điều kiện cần, còn khả năng thực tế, năng lực thực sự mới là điều kiện đủ?

Chỉ có như vậy thì những người học thật, năng lực thật mới phát huy được khả năng của mình và những tiến dỏm như ông Huy sẽ không còn đất sống.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nld.com.vn/phap-luat/bat-giam-hieu-pho-truong-cao-dang-lam-gia-van-bang-chung-chi-20171125202050566.htm

An Nguyên