Tâm sự của những người đi gieo chữ giữa đại ngàn Pù Mát

09/08/2011 08:16
(GDVN) - Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai... Cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, vẫn tồn tại những quan điểm lạc hậu.

(GDVN) - Nằm gần vành đai biên giới với nước bạn Lào và rừng Phù Mát, Lục Dạ là một trong những xã nghèo của huyện Con Cuông (Nghệ An). Đây là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai... Cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, vẫn tồn tại những quan điểm lạc hậu. Thế mà nơi đây vẫn có những thầy cô không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày ngày bám bản để gieo chữ cho trẻ.

{iarelatednews articleid='10610'}

Những học trò tại trường Tiểu học II Lục Dạ
 Những học trò tại trường Tiểu học II Lục Dạ

Trong một lần giao lưu gặp gỡ với các thầy cô giáo trên địa bàn huyện, cô giáo Lê Thị Thoa - phó hiệu trưởng Trường Tiểu học II Lục Dạ đã bày tỏ nỗi niềm chuyện vui buồn dạy học của các thầy cô ở điểm trường lẻ. Không ít câu chuyện về sự nhọc nhằn gieo chữ của thầy cô giáo cắm bản nơi vùng sâu, vùng xa.

Theo lời giới thiệu của cô Thoa thì để vào các trường điểm lẻ chỉ có con đường duy nhất là men theo đường rừng và các khe suối. Ngoài điểm trường chính, trường còn có 4 điểm trường lẻ đóng trên các bản Xằng, bản Mọi, bản Thỉn, bản Yên Hòa thuộc xã Lục Dạ.

Tại mỗi điểm trường có 5 - 6 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, tất cả là học sinh dân tộc thiểu số và mỗi điểm đó có 6 đến 8 giáo viên giảng dạy.

Sau lần gặp lại cô Thoa, chúng tôi được cô Thoa dẫn đường vào tận nơi tìm hiểu cuộc sống của thầy và trò tại các điểm trường lẻ.

Con đường chưa đầy 8 km, thế nhưng để đến được các điểm trường học phải hơn một tiếng đồng hồ vật lộn đường toàn đất đá sỏi lổm chổm, nơi thì bùn lầy, rồi vượt qua những cây cầu ghép ván đã mục ải.

Tại bản Xằng, bản Mọi, bản Thỉn..., trong gian phòng rộng chưa đầy 12 m2, các thầy cô tâm sự: “Với mong muốn vào đây cũng bởi mục đích giúp các em được học hỏi những kiến thức về xã hội, đời sống, góp phần xóa nạn mù chữ cho thôn bản. Nhiều cô không biết tiếng Thái có cảm giác như lạc vào một thế giới thứ 2, có những lúc muốn bỏ giữa chừng. Thế nhưng khi nhìn thấy các em nơi thôn bản đang rất khát con chữ, chúng em đã vượt qua tất cả”.

Qua tìm hiểu được biết ngoài việc giảng dạy con chữ, các thầy cô cắm bản nhiều hôm phải đến tận nhà để động viên từng em đi học nhằm đảm bảo sĩ số. Vào mùa mưa, nước suối dâng cao, các thầy cô còn tới nhà để đưa đón các em đến lớp. Khó khăn chồng chất, vậy mà trong những ngôi trường chật hẹp, ngày ngày tiếng kẻng vẫn leng keng gọi học sinh đến lớp.

Để đem được những con chữ vào với trẻ em vùng, cao các cô giáo nơi đây phải lặn lội qua nhiều còn khe, con suối
  Để đem được những con chữ vào với trẻ em vùng, cao các
cô giáo nơi đây phải lặn lội qua nhiều còn khe, con suối
Ngoài các giờ học chính khóa, các thầy cô cắm bản còn thường xuyên kể chuyện, tổ chức những trò chơi cho các em học sinh. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Lương Thị Ba giảng dạy tại điểm trường lẻ ở bản Mọi, người gắn bó nhiều năm với mảnh đất này kể: “Những ngày nắng đường đi đến trường còn đỡ hơn một chút, còn mưa thì vô cùng vất vả. Lúc thì vật lộn đường đi với chiếc xe máy cà tàng, lúc thì phải đi bè nứa qua suối. Tuy nhiên, vấn đề lo nhất khi đến đây giảng dạy là duy trì các em đến lớp đầy đủ, đó là một hành trình gian khó. Vậy là, các thầy cô giáo ở đây lại gánh thêm một trọng trách cao cả, phải vận động, giúp đỡ các em từ vật chất đến tinh thần như thế dân mới tin, mới cho con đến lớp”.
Bởi đời sống bà con nơi đây dường như biệt lập cuộc sống bên ngoài cộng thêm cái nghèo đói và ý thức của một số cha mẹ học sinh ở đây vẫn còn hạn chế vì họ cho rằng, đi học đâu làm ra cơm, ra gạo. Vì thế công tác vận động học sinh ra lớp ở đây có phần khó khăn. Đó là chưa nói đến chuyện các em thích thì học, không thích thì bỏ đi chơi, đi nương, đi rẫy. Và những lúc như thế các thầy cô giáo lại khăn gói đi tìm để các em trở lại trường, trở lại lớp. Cũng nhờ sự tích cực vận động của các thầy cô giáo mà trong những năm trở lại đây nhà trường không có em nào bỏ học giữa chừng.
Những bữa cơm thiếu thốn của những học trò vùng cao Pù Mát
 Những bữa cơm thiếu thốn của những học trò vùng cao Pù Mát
Dù khó khăn vất vả và còn nhiều thiệt thòi, nhưng hầu hết các thầy cô đang ngày ngày thầm lặng làm người đưa đò chở chữ ở xã vung sâu Lục Dạ bằng tình thương yêu, trách nhiệm nghề nghiệp và vì tương lai của các em. Chia tay các thầy cô giáo cắm bản nơi Lục Dạ khi bóng tối bao trùm các khe núi, đỉnh đèo, trong suy nghĩ của chúng tôi, ai cũng có niềm tin, con chữ đang lan tỏa khắp các bản làng đến với các em nơi vùng núi xa xôi, nhờ công sức và nhiệt huyết của bao thầy cô giáo.
Hoàng Sơn