Tập đoàn Mường Thanh có đến 15 công trình sai phạm là "không thể chấp nhận được"

03/08/2016 14:56
Mai Anh
(GDVN) - Chủ tịch TP.Hà Nội đánh giá: “... như Tập đoàn Mường Thanh, 15/38 công trình sai phạm phòng cháy chữa cháy, như thế chúng tôi không thể chấp nhận được...".

"Không thể chấp nhận được"

Hàng loạt chung cư cao tầng tại Hà Nội đi vào sử dụng từ lâu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy đang trở thành vấn đề nóng được dư luận hết sức quan tâm. 

Ngay tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội mới đây, các đại biểu đã tập trung chất vấn người đứng đầu Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội trong vấn đề phê duyệt, quản lý, giám sát chung cư không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.

Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu làm rõ phản ánh: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội có "sân sau" không? Ảnh: Nguyễn Dũng.
Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu làm rõ phản ánh: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội có "sân sau" không? Ảnh: Nguyễn Dũng.

Thẳng thắn nhìn vào những vấn đề tồn tại yếu kém trong công tác phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá: “Để xảy ra cháy nổ, trước tiên, trách nhiệm đó thuộc về UBND Thành phố. Tôi đồng ý quan điểm nói là trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư nhưng trách nhiệm ở đây là thuộc về quản lý, giám sát”.

Chỉ ra đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề giám sát, quản lý phòng cháy chữa cháy là Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, ông Chung cho biết: “Hôm nay, tôi xin mạn phép nói ra tại diễn đàn này là dư âm đâu đó, người ta đang nói lên câu chuyện: Liệu cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có sân sau với các chủ đầu tư không?". 

Tập đoàn Mường Thanh có đến 15 công trình sai phạm là "không thể chấp nhận được" ảnh 2

Không đảm bảo an toàn, vì sao hàng loạt chung cư của ông Thản vẫn hoạt động?

Lấy dẫn chứng về nhà đầu tư có nhiều chung cư thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy, người đứng đầu Hà Nội cho hay: “Ví dụ như Tập đoàn Mường Thanh, 15/38 công trình sai phạm phòng cháy chữa cháy. Như thế chúng tôi không thể chấp nhận được.

Một doanh nghiệp mà có tới 15 công trình sai phạm thì thời gian tới sẽ khắc phục như thế nào, cho nên phòng cháy chữa cháy phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra”.

Trước quyết liệt của người đứng đầu TP.Hà Nội, trả lời chất vất các đại biểu về trách nhiệm của cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong việc quản lý, giám sát chung cư thiếu an toàn cháy nổ, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: "Trách nhiệm của chủ quản lý, chủ đầu tư, người được giao nhiệm vụ quản lý, còn chúng tôi là kiểm tra hướng dẫn". 

Tuy nhiên, Tướng Định cũng thừa nhận, lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa hết trách nhiệm. Có phạt nhưng tác động để thúc đẩy việc chấp hành chưa đi đến được kết quả cuối cùng. Kể cả việc tổ chức cưỡng chế cũng chưa thực hiện.

Ai cho phép chung cư thiếu an toàn đi vào hoạt động?

Trước đó, Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố danh sách các chung cư trên địa bàn Hà Nội thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, có đến 15 chung cư do Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên (do ông Lê Thanh Thảm làm giám đốc) làm chủ đầu tư.

Được biết, hầu hết dự án của ông Thản đều là chung cư giá rẻ, gây sốt trên thị trường bất động sản với giá chỉ hơn 10 triệu/m2. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn hầu hết căn hộ tại các chung cư đều có chủ.

Tuy nhiên, nhắc đến các dự án chung cư của doanh nghiệp này, người dân lại ấn tượng về những sự cố hỏa hoạn cũng như thiết kế thiếu an toàn.

Điển hình chỉ trong vòng 2 năm 2014 – 2015 đã liên tiếp xảy ra tới 4 vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà khác nhau do công ty của ông Thản làm chủ đầu tư. 

Cụ thể, tối ngày 11/8/2014, trạm biến áp của chung cư CT6 Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) phát nổ khiến người dân hoảng loạn sơ tán. Đặc biệt người dân đang đi thang máy lên xuống tòa nhà hốt hoảng phải đứng trong thang máy gọi điện cầu cứu.

Đến ngày 16/9/2015, xảy ra vụ cháy hộp kỹ thuật tầng 17 chung cư HH4A Linh Đàm khiến nhiều người dân bị mắc kẹt.

Dãy 6 tòa chung cư san sát nhau tại Khu đô thị Đại Thanh.
Dãy 6 tòa chung cư san sát nhau tại Khu đô thị Đại Thanh.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã điều 5 xe cứu hỏa cùng 1 xe thang và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn đến hiện trường. Vụ hỏa hoạn khiến 1 người dân phải nhập viện.

4 ngày sau khi xảy ra sự cố trên, tối ngày 20/9/2015 tòa B CT5 khu đô thị Xa La bỗng dưng mất điện. Khói đen kèm mùi khét lẹt bốc ra từ khu kỹ thuật điện tại tầng 9 và lan ra các tầng khác, người dân mới biết và hô hoán nhau tháo chạy. Hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động.

Chưa đầy 3 tuần sau lại xảy ra hỏa hoạn tại hầm nhà CT4B khu đô thị Xa La. Tuy nhiên, do hầm của các đơn nguyên thông nhau nên khói đã lan sang cả khu CT4A, CT4C.

Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng làm cháy khoảng 200 xe máy, 45 xe đạp và một ô tô bị ảnh hưởng nhiệt bong tróc sơn, bên cạnh đó nhiều gia đình bị thiệt hại vật chất do ảnh hưởng đám cháy.

Trước đó năm 2012, xảy ra cháy khu kỹ thuật điện chung cư CT5B khiến người dân CT5A và CT5B bỏ chạy xuống sảnh.

Có mặt tại nhiều chung cư của Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên, phóng viên nhận thấy hầu hết tòa nhà đều có mật độ người ở rất đông, các tòa nhà 30 tầng san sát nhau.

Như phản ánh của người dân tại tòa nhà CT8B khu đô thị Đại Thanh (cầu Tó, huyện Thanh Trì – Hà Nội) thì: “Cả ba tòa CT8A, CT8B, CT8C (3 toàn nhà này thuộc khu phức hợp nhà nhà CT8 – PV) đều chung 1 hầm gửi xe. Buổi tối hầm để xe chật ních. Các tòa nhà không chỉ chung hầm mà hệ thống sảnh tầng 1 san sát nhau. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ đám cháy lan từ tòa nhà này, sang tòa nhà khác dễ dàng”.

Được biết 3 tòa nhà CT8A, CT8B và CT8C mỗi tòa có 32 tầng, mỗi tầng có 20 căn hộ, tính chung hệ thống tòa nhà CT8 có khoảng hơn 1.800 căn hộ.

Tòa nhà chung cư VP5.
Tòa nhà chung cư VP5.

Ngay gần hệ thống tòa nhà CT8 là tòa nhà CT10 cũng được thiết kế tương tự với 3 tòa sát nhau CT10A, CT10B, CT10C. Mỗi tầng trong hệ thống tòa nhà CT10 có 24 căn hộ tính chung tòa nhà có khoảng 2.300 căn hộ.

Tòa nhà CT8 và CT10 nằm trong Khu đô thị Đại Thanh có diện tích 17 ha, tuy nhiên trong Khu đô thị, diện tích đất xây dựng tòa nhà CT8 và CT10 chỉ chiếm 1 phần còn lại diện tích lùi về sau xây dựng trường học, nhà ở thấp tầng, hệ thống đường, vườn hoa…

Dưới tòa nhà CT8 các ki ốt hàng hóa quán ăn được mở ra, bên cạnh tiện dụng mua sắm nhưng các hàng ăn cũng gây nguy cơ cháy nổ

Theo thiết kế của chủ đầu tư các căn hộ tại tòa nhà CT8 và CT10 sẽ có diện tích căn hộ từ 36m2 – 76m2.

Tập đoàn Mường Thanh có đến 15 công trình sai phạm là "không thể chấp nhận được" ảnh 5

Chung cư của ông Thản dẫn đầu danh sách "đen" mất an toàn cháy, nổ

(GDVN) - Có đến 15 trong tổng số 38 chung cư trên địa bàn Hà Nội không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy là của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản.

Đặt giả thiết với 1 tầng tại tòa CT8A có 20 căn hộ, diện tích trung bình mỗi căn hộ 50m2, cộng với diện tích hành lang, thang máy sẽ vào khoảng hơn 1.000m2.

Cả 3 tòa CT8A, CT8B và CT8C đều có diện tích mặt bằng xây dựng tòa CT8 vào khoảng 5.000 m2 và được xây cao lên 32 tầng với hơn 1.800 hộ dân, mỗi hộ dân 4 người sẽ có khoảng hơn 7.200 người ở trong tòa nhà này. 

Tương tự tòa nhà VP5 Linh Đàm được đưa vào sử dụng mới đây cũng trong cảnh mật độ dân cư quá đông.

Dự án có tổng diện tích 4.563,2 m2, chung cư VP5 Linh Đàm thiết kế 33 tầng, từ tầng 3 trở lên mỗi tầng có 26 căn hộ. Như vậy tòa nhà có gần 800 căn hộ với khoảng hơn 3.000 người.

Mật độ dân cư quá đông đúc trong khi hệ thống thang bộ nhỏ, khi xảy ra cháy hệ thống thang máy không thể hoạt động được khi đó thang bộ sẽ quá tải, cảnh chen lấn xô đẩy xảy ra.

Được biết, sau khi xảy ra vụ cháy tại tòa nhà CT4A, CT4B và CT4C Khu đô thị Xa La, ngày 15/10/2015, UBND TP Hà Nội đã có công văn hỏa tốc về việc thanh tra toàn diện các dự án có sử dụng đất do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên đầu tư, hợp tác đầu tư, kinh doanh.  

Bên cạnh những số liệu của Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố về những chung cư trên địa bàn Hà Nội thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, trong đó có đến 15 chung cư do Doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư, những số liệu do phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam thu thập, so sánh với quy hoạch các khu mà ông Thản xây nhà cho thấy, nhiều hạng mục quy hoạch đã bị thay đổi.

Điển hình nhất là việc tăng mật độ xây dựng, từ chỗ là một khu dự định rộng rãi, dân cư thưa đã thành một khu đô thị ken đặc nhà cao tầng, dân cư đông đúc. 

Với mật độ dân cư lớn, chung cư lại thực hiện không đầy đủ quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy dẫn đến lo ngại nếu xảy ra cháy lớn, thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ thiếu hoặc không hoạt động sẽ gây thiệt hại cực kỳ lớn đến tính mạng tài sản người dân.

Ai nghiệm thu và cho phép các dự án chung cư của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đi vào hoạt động trong khi không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy?  

Ai đã thay đổi quy hoạch tại các dự án chung cư, từ chỗ là khu dự định rộng rãi, dân cư thưa đã thành một khu đô thị ken đặc nhà cao tầng, dân cư đông đúc góp phần gây mất an toàn, an ninh đô thị? Doanh nghiệp có thể tự mình làm được không, hay họ cố tình vi phạm?

Các câu hỏi này, sẽ được chúng tôi tiếp tục giải đáp...

Việc cấp phép thẩm định hồ sơ PCCC thuộc về ai?

Trong phần tái chất vấn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại Kỳ họp HĐND TP. Hà Nội khóa 15, báo Thanh tra dẫn lời đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) chất vấn: Phó Chủ tịch UBND TP đã trực tiếp đi kiểm tra các khu tái định cư chưa? Khi nào sẽ có chỉ đạo và khắc phục vấn đề này?

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bích Thủy hỏi: “Trách nhiệm xử lý các vi phạm sau kiểm tra của lực lượng PCCC thực hiện như thế nào?”.

Còn theo đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, tình trạng khắc phục PCCC ở các khu chung cư rất chậm, nếu để xảy ra cháy nổ thì thiệt hại rất lớn.

“Trách nhiệm cơ quan PCCC đến đâu, của Sở Xây dựng đến đâu và các cơ quan liên quan đến đâu? Có hay không việc các chủ đầu tư không khắc phục việc PCCC?”.

Trước những câu trả lời chưa đi thẳng vào vấn đề của Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc truy: "Việc cấp phép thẩm định hồ sơ PCCC thuộc về ai?".

Ông Định thừa nhận, "để trả lời phần xử phạt và xử lý các đơn vị tái phạm đã làm cương quyết chưa, hết trách nhiệm chưa thì tôi phải nói là chưa hết. Có phạt nhưng tác động để thúc đẩy việc chấp hành chưa đi đến kết quả cuối cùng".

Liên quan đến trách nhiệm để tồn tại, đi vào hoạt động những toà nhà mà không có giấy chứng nhận nghiệm thu về PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, trước hết bản thân người dân, chủ doanh nghiệp thiếu ý thức trách nhiệm và liên quan đến kinh phí đầu tư.

Ngoài ra, trong cơ chế quy định hiện nay còn kẽ hở khiến các cơ quan, ngành quản lý cho người dân vào ở các tòa nhà đã được nghiệm thu mà chưa có giấy nghiệm thu về PCCC. Chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm quản lý.

Mai Anh