Tập đoàn Than - Khoáng sản nợ ngập đầu, ai chịu trách nhiệm?

05/04/2017 07:43
Mai Anh
(GDVN) - Theo Giáo sư Nguyễn Quang Thái cần làm rõ trách nhiệm cá nhân lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam trong việc để doanh nghiệp này nợ đầm đìa.

Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính về tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015 khá bết bát.

Cụ thể theo báo cáo tình hình đầu tư tài chính của nhiều đơn vị thuộc tập đoàn đang rơi vào thua lỗ: Có đến 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn chưa hiệu quả.

2/6 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải trả ngắn hạn với các chủ nợ trong thời điểm 31/12/2015.

Năm 2015 tổng nợ phải trả của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lên tới 100.343 tỷ đồng trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng. 

Trong khi đó, sau gần 10 năm đầu tư vào 2 dự án bauxite và alumin tại Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng thì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015  đã lỗ gần 3.700 tỷ.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn chỉ ra một loạt vấn đề về công tác đầu tư, dự án chậm tiến độ, quyết toán, thuế...

Tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015 khá bết bát - ảnh nguồn Thông tấn xã Việt Nam.
Tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015 khá bết bát - ảnh nguồn Thông tấn xã Việt Nam.

Quy trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hay bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào khi làm ăn thua lỗ thì trách nhiệm phải quy cho lãnh đạo đơn vị, trước hết là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Ban điều hành.

“Trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện trong các quyết định điều hành sản xuất - kinh doanh, ký kết hợp đồng và quản lý sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, cũng từ đó, cần xem lại các vấn đề quản lý ở cấp cao hơn để chỉnh sửa một cách căn cơ”, Giáo sư Thái cho biết.

Giáo sư Nguyễn Quang Thái khẳng định, tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn là hệ quả của tư duy bao cấp, chậm đổi mới thể chế, cả ở tầm quản trị quốc gia và tầm quản lý công ty.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, ảnh: H.Lực.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, ảnh: H.Lực.

Từng công tác tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Giáo sư Thái cho biết ông nắn được nhiều bất cập ngành than.

Ông cho biết, trước đây ngành than dù có nhiều nỗ lực nhưng trong cơ chế kinh tế bao cấp thì sản lượng khai thác không vượt được mốc 5 triệu tấn/năm, càng khó đạt 10 triệu tấn/năm. Nhưng sau nhiều nỗ lực đến nay đã đạt con số 40-50 triệu tấn/năm.

“Năng suất sản lượng tăng đến từ việc thay đổi cơ chế quản lý, năng động của cán bộ và việc ứng dụng các công nghệ hiện đại.

Tiếc rằng, cơ chế kinh tế không theo kịp nên sản lượng cao mà hiệu quả thấp”, Giáo sư Thái đánh giá.

Theo Giáo sư Thái những năm gần đây, trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, cơ chế chính sách cũng chưa có nhiều thay đổi thích hợp, nhất là cơ chế giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn, như than bán cho phát điện.

“Trong điều kiện quản lý ngành tài nguyên còn nhiều sơ hở thì với giá bán thấp và tình trạng than "thổ phỉ" đã làm hiệu quả kinh doanh giảm thấp.

Thêm vào đó, xuất khẩu của than nước ta cũng đang gặp cạnh tranh gay gắt khi giá thành cao hơn mặt bằng giá quốc tế vài chục phần trăm.

Trong điều kiện tác động đa chiều như vậy, ngành than gặp khó khăn là đương nhiên”, Giáo sư Thái cho biết.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Thái dù khách quan có những tác động nhưng không thể lấy lý do đó để biện minh cho yếu kém của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

“Chiến lược phát triển ngành than có vấn đề khi để bù lỗ, ngành than phải xuất khẩu giá rẻ để có nguồn tài chính. Nhưng như vậy đã góp phần làm cạn kiệt tài nguyên, cuối cùng lại phải nhập than giá cao. 

Tập đoàn Than - Khoáng sản nợ ngập đầu, ai chịu trách nhiệm? ảnh 3

Tăng cường giám sát hoạt động của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam

Theo tôi có vấn đề ở nội bộ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam vì thế cần phải tăng cường trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, phát hiện và xử lý thích đáng các sai phạm và quy trách nhiệm.

Đồng thời phải thay đổi tư duy quản trị quốc gia, quản trị ngành, nhất là ngành khai thác tài nguyên một cách cơ bản hơn thì mới xử lý được căn cơ vấn đề kém hiệu quả”, Giáo sư Thái nêu quan điểm.

Không thể chỉ “rút kinh nghiệm”

Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện rà soát lại toàn bộ các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tái cơ cấu các khoản đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả.

Từ đó với mỗi tồn tại được Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra Tập đoàn Than - Khoáng sản đều khẳng định “sẽ rút kinh nghiệm”.

Trước phản hồi với “điệp khúc: Rút kinh nghiệm” của Tập đoàn Than - Khoáng sản, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt nam, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đề xuất hướng xử lý thay vì chỉ đưa ra điệp khúc: rút kinh nghiệm”.

Trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh - ảnh nguồn: Báo Xây dựng.
Trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh - ảnh nguồn: Báo Xây dựng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ rõ, Tập đoàn Than - Khoáng sản có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp nhà nước khác khi ngay từ đầu được nhà nước quan tâm đầu tư.

Mặt khác, với lĩnh vực đặc thù được giao quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản có sẵn thuận lợi.

Tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn làm ăn vẫn thua lỗ, vậy vai trò điều hành quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp, của bộ, ngành phụ trách ở đâu?

Trong các văn bản của Đảng, Chính phủ cũng như của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, lâu nay, cụm từ “người đứng đầu” được đề cập ngày càng nhiều, nhất là trong yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm để khắc phục những yếu kém, tồn tại. 

Tuy nhiên Trên thực tế, không ít người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, làm thất thoát vốn của Nhà nước, tiền thuế của dân, song trách nhiệm chưa được làm rõ, thậm chí thăng tiến nhanh hơn.

Theo ông Thuận, trong câu chuyện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phải làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp. 

“Anh được nhà nước giao trách nhiệm quản lý doanh nghiệp, được hưởng lương cao vậy phải làm việc xứng đáng.

Mặt khác dù lãnh đạo doanh nghiệp nhưng vẫn chịu sự điều hành của bộ, ngành vì thế cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thuận cho biết.

Trước đó tháng 6/2016 Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam công bố mức tiền lương viên chức quản lý năm 2015.

Theo đó, mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Minh Chuẩn là 626 triệu đồng, bình quân đạt 52,2 triệu đồng một tháng.

Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải có lương bình quân 50,7 triệu đồng một tháng, (609 triệu đồng cả năm).

Bốn thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Mật, Vũ Thanh Lâm, Nguyễn Chiến Thắng đều có lương 556 triệu đồng, bình quân 46,4 triệu đồng một tháng.

Các vị trí Phó tổng giám đốc và các kiểm soát viên có lương bình quân 41-48 triệu đồng một tháng.

Tổng quỹ lương chi trả cho 22 lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn khoảng 14,4 tỷ đồng mỗi năm.

Mai Anh