Tết đến xuân về, thầy giáo nói chuyện chữ “nhàn” của nghề dạy chữ!

03/02/2016 06:07
Nguyễn Cao
(GDVN) - Áp lực đối với người thầy thời nay rất nhiều, vì thế sống thật hay sống phù hợp với xu thế là điều trăn trở của người thầy.

LTS: Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý trong xã hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có quan điểm giống nhau về nghề dạy học.

Hiểu về nghề giáo để có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn là một yêu cầu không chỉ với những người trong ngành mà còn với toàn xã hội. 

Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Cao mạnh dạn chỉ ra cái nhìn đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
 

Phải nói rằng người thầy thời nay có có nhiều áp lực, áp lực với Ban giám hiệu, với thanh tra, với hồ sơ sổ sách, bồi dưỡng chuyên môn và rất nhiều các cuộc thi của các cấp trong một năm học. 

Nhiều người cho rằng giáo viên mỗi tuần có mười mấy tiết dạy thì quá nhàn hạ, giáo án thì cũng có chừng ấy nói đi nói lại…Nếu nói như vậy chỉ mới đúng nhưng chưa đủ, chưa hiểu về những đặc trưng cơ bản của ngành giáo dục.

Theo số tiết quy định hiện hành: Tiểu học 23 tiết/ tuần, THCS 19 tiết/ tuần, THPT 17 tiết / tuần. Nếu nhân số tiết với số phút quy định thì thấy nó sẽ ít hơn so với các ngành nghề khác. 

Tết đến xuân về, thầy giáo nói chuyện chữ “nhàn” của nghề dạy chữ! ảnh 1
Làm giáo viên không “nhàn” như nhiều người nghĩ! (Ảnh: thanhnien.vn)

Nhưng, giáo viên thời nay chuyện lên lớp chỉ là chuyện nhỏ, mà những chuyện khác mới khiến thầy cô sợ. 

Giáo án thì phải thay đổi và soạn lại hàng năm bởi năm nào cũng tập huấn và bổ sung thêm nhiều phương pháp, kiến thức, rồi tích hợp khác nhau. Đang dạy theo bài rồi lại quay sang dạy theo chủ đề, dạy tích hợp đơn môn, đa môn… 

Cho nên giáo án không năm nào giống năm nào, khi những người làm ngành nghề khác tối về có thời gian chăm sóc gia đình, nghỉ ngơi thì người thầy phải lo giáo án, chấm bài làm kế hoạch. Chỉ việc chấm bài cũng chiếm một lượng cực lớn thời gian của giáo viên khi ở nhà. 

Tết đến xuân về, thầy giáo nói chuyện chữ “nhàn” của nghề dạy chữ! ảnh 2

Giáo viên muốn được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm"

(GDVN) - Đừng trách những người thầy cô đang chạy theo thành tích, bởi họ cũng rất muốn được dạy thật, được đánh giá đúng năng lực học sinh nhưng “lực bất tòng tâm”.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn 9, mỗi kì có 11 bài kiểm tra cả thường xuyên, định kì và kiểm tra học kì.

Ta thử tính mỗi học sinh trong mỗi học kì có 11 bài kiểm tra nhân với mỗi bài viết trung bình 3 trang giấy và nhân với tổng số học sinh của mỗi lớp dao động từ 40-45 học sinh. Mỗi giáo viên bình quân dạy từ 4 lớp thì sẽ ra bao nhiêu nghìn trang?

Đó là chưa nói phải sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, lỗi diễn đạt và  bắt buộc phải phê và nhận xét vào từng bài viết của học trò.

Ngoài chuyện chuyên môn giảng dạy thì giáo viên phải thực hiện với rất nhiều công việc ngoài chuyên môn nữa. Riêng khoản hồ sơ sổ sách cũng đã chiếm hết rất nhiều thời gian của giáo viên. 

Bộ quy định chỉ 4-5 loại sổ sách nhưng đơn vị cơ sở lại phát sinh thêm hàng loạt loại nữa, đó là: Sổ kế hoạch năm, tháng, tuần; Kế hoạch học tập theo Bác; Lịch báo giảng; Sổ tích hợp;  Sổ chủ nhiệm; Sổ bồi dưỡng thường xuyên; Sổ hội họp…

Tổ trưởng chuyên môn có thêm Sổ sử dụng đồ dùng dạy học;  Sổ theo dõi dạy thay; Sổ chuyên đề; Lịch công tác; Kế hoạch kiểm tra nội bộ … 

Hội họp thì cũng liên miên trong tháng. Mỗi tháng họp tổ chuyên môn 2 lần, họp Hội đồng sư phạm 1 lần, họp chi bộ 1 lần, họp chủ nhiệm và xử lí kỉ luật học sinh thì cũng vài lần, họp Hội đồng bộ môn mỗi kì hai lần. 

Ngoài ra giáo viên tham gia tập huấn chuyên môn, học chính trị, tham gia các hội thi, tham gia dạy tốt chào mừng các ngày lễ lớn, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi suốt từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, tham gia vận động học sinh bỏ học... 

Tết đến xuân về, thầy giáo nói chuyện chữ “nhàn” của nghề dạy chữ! ảnh 3

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia

(GDVN) - Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường thật, dạy học trò là thật…mà đánh giá lại ảo.

Ngoài những việc trong trường thì còn lo thanh tra các cấp về, kiểm tra nội bộ trong trường. Mỗi đợt thanh tra về lại dự giờ, lại kiểm tra hồ sơ sổ sách, lại góp ý dài lê thê…rồi khi đơn vị được Hội đồng bộ môn phân công thao giảng phải chuẩn bị cả tuần trời…

Với chừng ấy công việc chuyên môn và ngoài chuyên môn thì thử hỏi vì sao giáo viên không phải lo… đối phó. 

Những công việc và áp lực vô hình ấy luôn đè nặng lên vai người thầy. Mỗi công việc đều hướng tới hiệu quả thực hiện. 

Thao giảng không tốt bị góp ý, học sinh ít xây dựng bài thì bị chê lớp học thụ động, các phong trào tham gia thi không đạt giải thì bị góp ý và chê kém, tỉ lệ giảng dạy học sinh thấp thì dọa tinh giản và cắt thi đua, xếp loại tay nghề, đánh giá xếp loại thấp lưu trong hồ sơ…

Đối với phụ huynh học sinh ngày nay thì cưng chiều con cái, nhiều em học kém, vào lớp quậy phá bạn bè, thầy cô trong giờ học. Nói đụng đến thì phụ huynh làm đơn thưa cấp trên đổ lỗi cho thầy cô và nhà trường. 

Dư luận xã hội thì cứ thấy học sinh đánh nhau cho dù là ở một nơi nào đó vẫn bảo là thầy cô dạy dỗ chưa đến nơi đến chốn. 

Đâu biết rằng mỗi ngày học sinh chỉ có khoảng 4 tiếng ở trường còn lại là gia đình quản lí, mỗi thầy cô mỗi buổi dạy hàng trăm học sinh đâu phải lúc nào cũng có thể dạy đạo đức cho các em được  bởi  còn phải lo truyền tải hết nội dung bài học.  

Hơn nữa ngày nay giáo viên đánh hay chửi học sinh thời nay là… vi phạm đạo đức nhà giáo, là bị kỉ luật là bị dư luận lên tiếng!

Áp lực đối với người thầy thời nay rất nhiều, vì thế sống thật hay sống phù hợp với xu thế là điều trăn trở của người thầy. 

Chỉ khi nào ngành giáo dục bỏ bớt những điều không phù hợp, cho giáo viên một cái quyền nhất định trong đứng lớp và có sự cảm thông, chia sẻ, sự phối hợp có trách nhiệm của gia đình học sinh thì người thầy mới có thể toàn tâm giảng dạy.

Nguyễn Cao