Thầy Bùi Nam cho rằng giáo viên chủ nhiệm đang phải chịu thiệt thòi

17/10/2017 06:11
Bùi Nam
(GDVN) - Vì có quá nhiều công việc, áp lực cũng như luôn chịu thiệt thòi, thua thiệt nên đa số giáo viên chủ nhiệm lo lắng và “sợ” công tác chủ nhiệm.

LTS: Phản ánh tình trạng nhiều giáo viên hiện nay thường "né" hoặc không muốn làm công tác chủ nhiệm, tác giả Bùi Nam đã chỉ ra nguyên nhân và thực tế của vấn đề này.

Tác giả đã cho rằng, ngành giáo dục cần giảm bớt áp lực công việc, cũng như có cách đánh giá công tâm hơn để tạo điều kiện cho giáo viên chủ nhiệm được an tâm công tác và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong trường học, mỗi cán bộ giáo viên đều thực hiện nhiệm vụ chung là giáo dục và giảng dạy cho học sinh.

Bên cạnh đó, họ cũng có những nhiệm vụ riêng như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm công tác lãnh đạo, quản lý; tổng phụ trách đội quản lý, chỉ đạo hoạt động đội; công đoàn thì lo hoạt động, phong trào giáo viên, giáo viên đứng lớp lo giảng dạy chuyên môn,…nhưng ai cũng biết người cực khổ, chịu nhiều áp lực và thiệt thòi nhất chính là giáo viên chủ nhiệm lớp.

Vì sao giáo viên chủ nhiệm theo quy định của ngành được tính 4 tiết/tuần (Theo thông tư 15/2017/BGDĐT thay thế thông tư 28/2009/BGDĐT) lại là đối tượng cực nhất trong trường học và rất ít giáo viên muốn nhận làm công tác chủ nhiệm?

Hiện nay, có nhiều giáo viên không muốn làm công tác chủ nhiệm (Ảnh minh họa: nhandan.com.vn).
Hiện nay, có nhiều giáo viên không muốn làm công tác chủ nhiệm (Ảnh minh họa: nhandan.com.vn).

Công việc nhiều như… núi

Đầu năm học, trong tuần đầu tiên khi các giáo viên khác chỉ phải lo tập trung soạn, chuẩn bị bài để dạy thì giáo viên chủ nhiệm tất bật với công việc như tập trung học sinh, ổn định, dặn dò, phân công ban cán bộ lớp, sinh hoạt tuần lễ công dân, lao động…

Nhưng, công việc nặng nề, cực khổ nhất mà giáo viên chủ nhiệm phải chấp hành là phải làm công tác thu tiền học sinh, rất nhiều khoản tiền mà giáo viên phải thu như: học phí, quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền đồng phục chính khóa, đồng phục thể dục, tiền phụ đạo, tiền phù hiệu, giấy kiểm tra, tiền heo đất…

Giáo viên còn phải làm công tác “tư vấn bán bảo hiểm” bất đắc dĩ khi phải thu thêm 2 khoản tiền là bảo hiểm y tế (bắt buộc 100% học sinh tham gia), bảo hiểm tai nạn…

Thầy Bùi Nam cho rằng giáo viên chủ nhiệm đang phải chịu thiệt thòi ảnh 2

Hiệu trưởng, Hiệu phó lên lớp và dạy học như thế nào?

Việc thu tiền tốn rất nhiều thời gian, giáo viên chủ nhiệm phải vừa động viên, nhắc nhở, thậm chí “hù dọa”, để thu các khoản tiền trên.

Bên cạnh đó giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên phải tiếp phụ huynh, nghe học yêu cầu giải thích tại sao phải ép học sinh đóng bảo hiểm y tế, tai nạn…

Phụ huynh nào hiểu và đóng thì giáo viên mừng, phụ huynh không hiểu thì lớn tiếng quát nạt, đe dọa, thậm chí có trường hợp phụ huynh còn đòi cho con nghỉ học nếu nhà trường còn ép học sinh đóng bảo hiểm. Gặp trường hợp như thế thì giáo viên chủ nhiệm đổ mồ hôi hột.

Họp phụ huynh giáo viên chủ nhiệm dù rất ngại nhưng phải liên tục nhắc nhở việc đóng tiền của các học sinh, kể cả trong giờ sinh hoạt lớp cũng phải thường xuyên nhắc về tiền trước mặt học sinh.

Tiếp theo trong quá trình giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm không chỉ giảng dạy trên lớp như những giáo viên khác mà còn phải sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, còn phải tham gia hàng loạt hoạt động khác như phải đến lớp cùng học sinh 15 phút truy bài đầu giờ; phải cùng học sinh đi lao động theo lịch; hướng dẫn, làm “đạo diễn” cho học sinh trong các hội thi văn nghệ, vẽ tranh,…tập cho học sinh tham gia các môn thể thao bóng đá, cầu lông, kéo co,… nếu học sinh đạt giải cấp huyện, tỉnh thì giáo viên chủ nhiệm phải “tháp tùng” cùng các em suốt kỳ thi.

Thầy Bùi Nam cho rằng giáo viên chủ nhiệm đang phải chịu thiệt thòi ảnh 3

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò gì trong đổi mới giáo dục phổ thông?

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm còn phải duyệt học sinh viết thư quốc tế UPU, ngoài sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm còn phải dự sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp,… giáo viên nhiều khi cũng phải đi cùng học sinh “diệt lăng quăng”, “vớt lục bình”, “tuyên truyền an toàn giao thông”, “sốt xuất huyết”... ở địa phương.

Giáo viên chủ nhiệm còn phải tham gia các kì thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thực hiện giáo án chủ nhiệm, kế hoạch chủ nhiệm…

Giáo viên chủ nhiệm phải xử lý học sinh vi phạm không thuộc bài, nói chuyện, vi phạm nội quy, có khi phải giải quyết việc yêu đương, ghen tuông của lứa tuổi học sinh…

Nói chung công việc của giáo viên chủ nhiệm diễn ra quần quật suốt năm nhiều khi đang dạy nhưng học sinh bị đau bụng, nhức đầu giáo viên chủ nhiệm cũng phải xuống lớp, rồi phải đưa học sinh về nhà, học sinh bị bệnh lại chở vào bệnh viện…

Khi có phong trào cắm trại, hay diễn văn nghệ “Mừng Đảng – Mừng Xuân”, hay các phong trào chào mừng ngày 20/11, 8/3,…thì giáo viên chủ nhiệm lại phải “mất ăn, mất ngủ”.

Cuối năm giáo viên chủ nhiệm phải xếp loại 2 mặt giáo dục (học lực và hạnh kiểm), báo cáo kết quả lớp, lập danh sách khen thưởng, thi lại, ôn tập học sinh thi lại, vào học bạ nhận xét, đánh giá từng học sinh, tổng kết,…nếu có học sinh vi phạm kỷ luật xếp hạnh kiểm loại yếu thì giáo viên chủ nhiệm hè cũng phải vào trường để rèn luyện trong hè cho học sinh, để học sinh đươc lên lớp…

Giáo viên chủ nhiệm là người chịu nhiều thiệt thòi, thua thiệt trong xét thi đua

Việc xét thi đua cuối năm là vấn đề rất quan trọng, nó đánh giá công sức, sự cố gắng, phấn đấu, dựa vào những thành tích, kết quả của giáo viên trong năm học.

Kết quả xếp thi đua cuối năm giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở là tiền đề để đánh giá xếp loại giáo viên cũng như khen thưởng của Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh, Thủ tướng Chính Phủ…Giáo viên nào bị “cắt” thi đua thì xem như không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tối đa chỉ là hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng tiếc thay, khi xếp thi đua giáo viên cuối năm thì giáo viên chủ nhiệm luôn là người thiệt thòi, thua thiệt nhất trong trường học.

Trong khi đó nhiều giáo viên bộ môn khác không làm công tác chủ nhiệm, khi xếp thi đua chỉ dựa vào chất lượng bộ môn (Tỉ lệ phần trăm học sinh đạt trên trung bình từ 5,0 trở lên của môn học đang giảng dạy) và tỉ lệ học sinh đạt học sinh giỏi bộ môn  trung bình môn 8,0 trở lên) mà hai chỉ tiêu trên thì “nằm trong tầm tay giáo viên bộ môn” nên một số giáo viên trên chỉ dạy “tàn tàn” cuối năm vẫn đạt các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến.

Trong khi đó, có nhiều giáo viên chủ nhiệm rất tốt, thương yêu học sinh, có rất nhiều thành tích như đạt giáo viên giỏi, có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh,.. nhưng khi xét thì đa số giáo viên chủ nhiệm thường bị “cắt” thi đua vì ngoài các chỉ tiêu như một giáo viên bộ môn thì giáo viên chủ nhiệm còn có các chỉ tiêu “trên trời” như:

Thầy Bùi Nam cho rằng giáo viên chủ nhiệm đang phải chịu thiệt thòi ảnh 4

Xét thi đua cuối năm, giáo viên đứng lớp luôn là người thiệt thòi nhất

- Chỉ tiêu duy trì sĩ số (học sinh bỏ học) nếu giáo viên chủ nhiệm không cần biết lý do gì, cuối năm chỉ cần 1 hoặc tối đa là 2 học sinh bỏ học sẽ bị cắt thi đua.

Có những trường hợp khi học sinh giáo viên chủ nhiệm không thể nào vận động trở lại trường như: vừa nghỉ học đã đi làm xa, học sinh bị bệnh đột xuất không thể đến trường, học sinh học tập quá kém không thể tiếp tục học,…nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn bị cắt thi đua, đúng là đau.

- Chỉ tiêu học sinh lớp chủ nhiệm lên lớp thẳng rất cao cũng làm khó cho giáo viên chủ nhiệm, khi lớp có một vài em ở lại lớp do các môn khác không liên quan gì giáo viên chủ nhiệm nhưng họ vẫn bị cắt thi đua.

- Chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế 100%, bảo hiểm tai nạn,…giáo viên chủ nhiệm là người dạy, giáo dục học sinh nhưng cấp trên, ban giám hiệu lại giao chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế, tai nạn… là điều cực kỳ khó khăn, gian khó đối với giáo viên chủ nhiệm.

- Một số chỉ tiêu khác như học sinh bị kỷ luật, thi đua lớp hạng thấp, hay giáo viên không tham gia thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, không tham gia các phong trào của học sinh,…giáo viên chủ nhiệm đều bị cắt thi đua.

Vì có quá nhiều công việc, áp lực cũng như luôn chịu thiệt thòi, thua thiệt nên đa số giáo viên chủ nhiệm lo lắng và “sợ” công tác chủ nhiệm.

Có tình trạng giáo viên phải “chạy” để ban giám hiệu không phân công làm công tác chủ nhiệm hoặc được chủ nhiệm lớp chọn, lớp giỏi… Có giáo viên thoát chủ nhiệm còn mua “lợn” để ăn mừng.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng trong nhà trường, họ là người gần gũi, tiếp xúc hàng ngày nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm luôn luôn mong ước học sinh lớp mình chăm ngoan, học hành tốt để trở thành người có ích cho xã hội.

Đã đến lúc phải hạn chế các phong trào vô nghĩa trong học đường, tăng cường các phong trào có tính chất hướng đến giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm. Tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên chủ nhiệm thực hiên chức trách nhiệm vụ của mình.

Bỏ hoặc hạn chế bớt các chỉ tiêu như thu học phí, bảo hiểm y tế, học sinh bỏ học (duy trì sĩ số), lên lớp thẳng... mà phải nhìn vào kết quả đạt được về học tập, đạo đức của học sinh để đánh giá giáo viên chủ nhiệm cũng là cách để cởi trói áp lực tạo điều kiện cho giáo viên chủ nhiệm an tâm công tác và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Bùi Nam