Thầy cô xây “kho lương” dự trữ cho học trò vùng cao mùa mưa lũ

31/10/2018 07:08
An Nguyên
(GDVN) - Khi những cơn lũ tràn về, mọi con đường về xuôi bị nước chia cắt thì những “kho lương” dự trữ sẽ cứu đói cho học trò và thầy cô vùng cao Quảng Nam.

Những ngày này, khi mùa mưa bão đã cận kề, thầy trò các trường vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) lại tất bật chuẩn bị dự trữ lương thực, thuốc men... để tránh bị đói trong những ngày mưa lũ cô lập.

Để hình thành nên những “kho lương” dự trữ như thời chiến giữa đại ngàn Trường Sơn là bao tâm huyết, mồ hôi của những người thầy, người cô vất vả gồng gánh con chữ từ dưới xuôi lên.

Những “kho lương” dự trữ chiến lược

Từ giữa tháng 10, thầy Nguyễn Thanh Triều – Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Tây Giang (đóng tại xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) đã cùng các thầy cô trong trường bổ sung đầy đủ nhu yếu phẩm cho các kho lương dự trữ.

Thầy Nguyễn Thanh Triều – Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Tây Giang sắp xếp lại "kho lương", dự trữ cho mùa mưa bão cận kề. Ảnh: AP
Thầy Nguyễn Thanh Triều – Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Tây Giang sắp xếp lại "kho lương", dự trữ cho mùa mưa bão cận kề. Ảnh: AP

“Cứ vào mùa mưa bão, những ngôi trường ở Tây Giang lại bị nước lũ bao vây, chia cắt. Các tuyến đường giao thông về đồng bằng gần như bị hư hỏng, ách tắc nhiều ngày liền.

Việc vận chuyển lương thực giữa các bản làng cũng rất khó khăn nên cái ăn cho học sinh và thầy cô trong ngày mưa lũ cũng rất gian nan”.

Chỉ cách đây vài năm, khi con đường về xuôi còn gập ghềnh sỏi đá, cứ đến mùa mưa lũ thì các thầy cô giáo cắm bản lại phập phòng, lo lắng.

Cô giáo Sơn La băng rừng vượt suối đến trường giữa cao nguyên mây trắng

Lương thực từ dưới xuôi lên tiếp tế không được nên những bữa cơm cho học trò, thầy cô phải độn thêm sắn, khoai của bà con đồng bào.

Để học trò không “đứt bữa”, thầy cô không phải vào các bản làng xin gạo bà con, thầy Triều cùng nhiều Hiệu trưởng khác trên địa bàn huyện Tây Giang đã có sáng kiến thành lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm.

Hàng năm, cứ trước mùa mưa bão, nhà trường chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, mắm muối, đồ khô các loại… đề phòng mưa lũ gây tắc đường dài ngày.

Những bao gạo, mắm muối, thực phẩm khô, mỳ tôm, gas... được kiểm kê và cất vào nơi khô ráo, tránh bị ẩm mốc.

Thầy Triều nói vui, với số lương thực này sẽ đủ dùng cho một tiểu đoàn (gần 350 học sinh, thầy cô) hơn nửa tháng cho đến khi nước rút, đường về xuôi được thông tuyến.

Cứu đói trong những ngày mưa lũ

Tại kho dự trữ lương thực của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở  Nguyễn Văn Trỗi (Tây Giang) cũng đã hoàn tất xong khâu chuẩn bị. Những bao gạo loại 30-50 kg được chất lên thành từng đóng.

Học sinh vùng cao thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trong mùa mưa bão. Ảnh: AP
Học sinh vùng cao thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực trong mùa mưa bão. Ảnh: AP

Thầy Hồ Minh Quốc - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi cho biết, hầu hết học sinh là con em đồng bào vùng cao, cuộc sống gia đình khó khăn nên việc chăm lo cho các em còn nhiều vất vả. Phần lớn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Để xây dựng được kho lương dự trữ cho mùa mưa, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, nhà trường phải kêu gọi, tìm nguồn hỗ trợ thêm từ các mạnh thường quân, chính quyền xã, huyện…

Mỗi lần có chuyến xe mang theo thùng mỳ tôm, bao gạo hay vài cân cá khô từ dưới xuôi lên ủng hộ trường thì thầy Quốc và các thầy cô khác lại bớt đi một nỗi lo cho các em trong mùa mưa bão cận kề.

Tết về chỉ mong các con không đứt bữa

“Mong muốn của các thầy cô là dự trữ đủ lương thực, thực phẩm cho các em bán trú trong những ngày mưa bão, để các em không bị đói”, thầy Quốc chia sẻ.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 2.300 học sinh, trong đó gần như 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc.

“Con đường đến trường của các em vốn rất gian truân. Nhiều em phải lên rẫy theo cha mẹ kiếm miếng ăn nên dở dang việc học hành.

Thầy, cô phải vào đến tận bản, về đến tận từng nhà để khuyên nhủ, đưa các em trở lại lớp. Nhưng khi đưa các em trở lại trường được rồi thì cũng phải bảo đảm cuộc sống cho các em.

Ngay cả trong những ngày mưa bão, nhờ những kho dự trữ lương thực ở các trường nên việc dạy và học của thầy trò trên địa bàn vẫn đảm bảo”.

An Nguyên