Thí sinh sai phạm thì đương nhiên phải công khai danh tính

16/04/2019 06:19
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Theo quy chế thi để xử lý. Đừng ngụy trang bằng các từ hoa mĩ như nhân văn. Nếu không có bằng cớ thì không công bố danh tính".

Đến nay danh tính của thí sinh và phụ huynh trong vụ gian lận điểm thi chưa được cơ quan chức năng công bố.

Tuy nhiên, thông tin liên quan đến các thí sinh và phụ huynh dần dần càng lộ rõ.

Nghi vấn việc gian lận điểm thi có dính líu đến con ông cháu cha, đại gia, quan chức đã được báo chí, công luận bóc tách, điểm mặt chỉ tên.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết nên công khai để nhân dân giám sát, tránh tình trạng thông tin tiết lộ nhỏ giọt khiến dư luận càng tò mò, hoài nghi, tạo nên dư âm xấu kéo dài.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh Thùy Linh).
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) (ảnh Thùy Linh).

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến: “Luật pháp và quy chế thi đã bao quát hết và chỉ rõ phương thức xử lý đối với người vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật.

Do đó, nếu thí sinh chấm phúc khảo mà điểm không đạt yêu cầu thì dứt khoát phải đưa ra khỏi trường đại học. Đây là lẽ đương nhiên theo quy chế chấm phúc tra.

Còn nếu có bằng chứng thí sinh có tham gia vào cuộc chạy điểm thì phải xử lý theo quy chế của các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Vì đây là hình thức gian lận thi cử nên xử lý theo quy chế. Hình thức xử lý rất nặng, cao nhất là cấm thi trong nhiều năm”.

Thí sinh sai phạm thì đương nhiên phải công khai danh tính ảnh 2Ai có thể biến 0,45 điểm thành 27 điểm?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Cứ theo quy chế thi để xử lý. Đừng ngụy trang bằng các từ hoa mĩ như nhân văn.

Còn nếu không có bằng cớ thí sinh sai phạm thì không công bố danh tính”.

Cũng liên quan đến việc có nên công khai danh tính phụ huynh hay không, vị này cho rằng, đối với phụ huynh, nếu có bằng cớ tiếp cận với người sửa điểm, dùng tiền để chạy thì việc đưa tiền gọi là đưa hối lộ.

Luật pháp đã quy đinh đây là một tội nên không hà cớ gì phụ huynh đưa tiền mà không bị xử lý hình sự”.

Cũng theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ngay cả đối với phụ huynh có con được sửa điểm hiện đang công tác trong ngành giáo dục thì việc xử lý cũng bình đẳng như nhân sự bên ngoài ngành.

Nếu chứng minh được sai phạm thì dứt khoát phải xử lý kỷ luật. Còn không chứng minh được thì công luận phải chịu thua.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội của đoàn Đồng Nai,  Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc Hội.

Theo ông Dương Trung Quốc thì nên công khai danh sách thí sinh và ông cũng cho rằng, phải xem nguyên nhân, động cơ của người sửa điểm do đâu, để thấy trách nhiệm của từng thí sinh liên quan.

Theo phân tích của ông Dương Trung Quốc: “Đứng về lý thuyết mà nói, có thể người ta tự ý sửa điểm của thí sinh chứ không phải được nhờ, hay thuê.

Do đó, cần làm rõ trách nhiệm, động cơ của người sửa điểm, trách nhiệm của gia đình và thí sinh liên quan”.

Thí sinh sai phạm thì đương nhiên phải công khai danh tính ảnh 3Ông Dương Trung Quốc: Phải làm rõ động cơ, rồi công khai thí sinh được sửa điểm

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong trường hợp động cơ sửa điểm có nguyên nhân do gia đình và bản thân thí sinh thì như vậy là trái pháp luật.

Trường hợp này phải công khai, minh bạch”.

Một lần nữa vị này cho rằng: “Trước khi công khai thì phải làm rõ động cơ của người sửa điểm. Mặc dù, về mặt lô - gích ai cũng biết không có nhờ vả thì không làm.

Phải làm rõ vấn đề này để rõ trách nhiệm của mỗi người liên quan. Tránh trường hợp cho rằng, không nhờ, không thuê mà người ta vẫn làm. Người ta làm mà tôi lại mang tiếng.

Mặc dù, về lô - gích đời thường không nhờ thì không ai làm nhưng không làm rõ thì họ có quyền nói để bảo vệ lợi ích, danh dự của họ”.

Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Cần phải làm rõ động cơ người sửa điểm của từng đối tượng cụ thể. Có vấn đề thuê tiền bạc không hay có vấn đề quan hệ không?

Phải làm cho rõ việc thì công bố kia mới có cơ sở xác đáng”.

Trinh Phúc