Thi tuyển để lựa chọn người tài vào chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó

29/09/2016 08:30
Thạc sĩ Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Nếu thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch; việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó chắc chắn sẽ giúp loại bỏ nhiều tiêu cực trong ngành.

LTS: Bàn về công tác tổ chức thi tuyển các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó vừa được triển khai trên một số địa bàn cả nước thời gian qua, Thạc sĩ Bùi Minh Tuấn (hiện là giáo viên trường Trung học Phổ thông Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) cho rằng đây là một bước đi mang tính đột phá trong công tác cán bộ toàn ngành.

Đồng thời, tác giả cũng đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ở các đơn vị trường học. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Tổ chức thi chức danh lãnh đạo: một bước đi đột phá

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh, thành trên cả nước như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… đã tổ chức thi tuyển các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó ở một số đơn vị trường học trên địa bàn.

Đây được xem là bước đi mang tính đột phá trong công tác cán bộ nhằm tìm người có tâm, có tầm, đặt vào đúng vị trí để họ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở các cơ sở.

Bên cạnh đó, việc thi tuyển được tiến hành công khai, minh bạch sẽ góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực phát sinh trong công tác cán bộ ngành giáo dục.

Trong mỗi đơn vị trường học, đội ngũ cán bộ quản lý mà đứng đầu là Hiệu trưởng, Hiệu phó giữ vai trò hết sức quan trọng.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Núi Thành (Hải Châu, Đà Nẵng) vào tháng 2/2015 sau kỳ thi tuyển chức danh (Ảnh: tuoitre.vn).
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Núi Thành (Hải Châu, Đà Nẵng) vào tháng 2/2015 sau kỳ thi tuyển chức danh (Ảnh: tuoitre.vn).

Họ gánh trên vai trọng trách là “đầu tàu” tổ chức mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, trọng tâm là hoạt động dạy và học.

Thi tuyển để lựa chọn người tài vào chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó     ảnh 2

Sao giáo viên nhìn Ban giám hiệu toàn sai phạm, tiêu cực như vậy?

Tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt trong mỗi đơn vị trường học không chỉ đòi hỏi ở họ những quyết định đúng đắn trong quản lý, am hiểu chuyên môn, có tầm nhìn xa, trông rộng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của đơn vị mà còn phải tạo dựng được môi trường giáo dục đầy tính nhân văn, dân chủ.

Trên thực tế, ở những đơn vị trường học xuất hiện những cán bộ quản lý có năng lực, tâm huyết sẽ tác động không nhỏ tới công tác thi đua, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Do đó, việc “chọn mặt gửi vàng” đúng người, đúng vị trí các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó ở các đơn vị trường học là hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn ngành giáo dục đang có những bước đi đột phá nhằm mang lại cho mình một diện mạo mới.

So với cách thức bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các đơn vị trường học chủ yếu dựa vào việc bỏ phiếu kín những người nằm trong diện quy hoạch như cách làm truyền thống bấy lâu nay, việc tổ chức thi tuyển các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó đã bộc lộ nhiều ưu điểm.

Vị trí thi tuyển, các điều kiện, tiêu chuẩn dự thi được thông báo công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những người tham gia thi tuyển không nhất thiết nằm trong diện quy hoạch, trong đó ưu tiên những người trẻ tuổi có cách nghĩ, cách làm mới mẻ, hiệu quả.

Khi số lượng các ứng viên đảm bảo tính cạnh tranh, kỳ thi mới được tổ chức.

Điều đáng nói là, giám sát kỳ thi không chỉ có các thành viên trong Hội đồng thi tuyển mà còn có sự theo dõi của đông đảo cán bộ, giáo viên trong và ngoài nhà trường nên sẽ góp phần hạn chế những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.

Bên cạnh phần thi viết với những câu hỏi “mở” nhằm “sát hạch” khả năng chuyên môn và năng lực quản lý của các ứng viên, cuộc thi còn có thêm phần bảo vệ đề án xây dựng, phát triển nhà trường và trả lời các câu hỏi phản biện.

Ở đây, không chỉ Hội đồng thi tuyển mà mỗi cán bộ, giáo viên đều có thể tự mình đánh giá được năng lực của các ứng viên thông qua việc đối thoại, chất vấn.

Thi tuyển để lựa chọn người tài vào chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó     ảnh 3

Thế nào là một Hiệu trưởng tốt?

Câu hỏi chất vấn thường tập trung vào các vấn đề: giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên…

Đây là cơ hội để các ứng viên thể hiện bản lĩnh của người quản lý trong tương lai khi phải giải đáp những vấn đề “nhạy cảm”, bức xúc của ngành và của đơn vị trường học mà bản thân đang tham gia thi tuyển.

Mô hình này nên được học hỏi, nhân rộng

Từ thực tế tổ chức các kỳ thi tuyển chọn chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó ở một số địa phương thời gian qua cho thấy, hầu hết các ứng viên dự thi đã có dịp bộc lộ những thế mạnh của bản thân như: khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế nội dung thuyết trình; có kiến thức sâu rộng và tư duy quản lý khoa học; đề ra nhiều giải pháp mới có tính khả thi cao góp phần đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Có thể nhận thấy trong những năm qua, dù đã được chú trọng nhưng chất lượng đội ngũ Hiệu trưởng ở các trường phổ thông còn bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế.

Bên cạnh những Hiệu trưởng có năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức, tư cách tốt còn tồn tại không ít những Hiệu trưởng có cung cách quản lý theo kiểu gia trưởng, độc đoán, ít quan tâm đến quyền lợi chính đáng của giáo viên và học sinh trong khi lại vun vén lợi ích cá nhân.

Thậm chí, có không ít những vị lợi dụng chức vụ để tham nhũng, trục lợi với những chiêu bài “quen thuộc” như: “bắt tay” với kế toán, thủ quỹ bớt xén tiền mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học; “vòi” tiền “hoa hồng” từ việc xây dựng cơ sở vật chất; nhận tiền “cảm ơn” trong tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên; thiếu minh bạch công khai trong quản lý thu - chi tài chính nhằm lập lờ, bòn rút công quỹ…

Thi tuyển để lựa chọn người tài vào chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó     ảnh 4

"Thi tuyển công khai, ngăn chặn mua quan bán chức"

Đáng buồn hơn, đã xuất hiện những vị Hiệu trưởng tha hoá biến chất nghiêm trọng về đạo đức, tư cách.

Những hành vi tiêu cực của một số Hiệu trưởng bị phát giác gây khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ làm giảm sút niềm tin đối với phụ huynh, học sinh.

Từ đó, ảnh hưởng lớn đến nề nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường, thiệt thòi nhất vẫn là các thế hệ học sinh.

Trước thực trạng đó, việc tổ chức thi tuyển các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó ở các đơn vị trường học là mô hình có thể học hỏi, nhân rộng!

Nếu được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đây còn là giải pháp nhằm phát hiện, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đảm nhận trọng trách lãnh đạo quản lý mọi hoạt động giáo dục của nhà trường, đồng thời góp phần triệt tiêu những biểu hiện tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.

Thạc sĩ Bùi Minh Tuấn