Thời đại 4.0, Thư gửi Việt Nam và ngẫm về sự học của người Việt

05/02/2017 07:25
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Câu hỏi của OECD về việc làm sao để giáo dục Việt Nam khích lệ được nhiều học sinh ham học khoa học kỹ thuật cần có lời giải sớm.

 LTS: "Tại sao kết quả học tập các môn Toán – Khoa học của học sinh Việt Nam rất tốt, Việt Nam lại có ít người theo đuổi việc học và nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật?" - Đây là một câu hỏi của OECD (Tổ chức hợp tác Kinh tế và Phát triển) đặt ra cho Việt Nam.

Nghiên cứu sinh giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đưa ra những phân tích vấn đề thực tế cụ thể của giáo dục Việt Nam mà câu hỏi này đặt ra.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đầu năm 2017, trong “Thư gửi Việt Nam” trên blog cá nhân của mình, GS. Jonathan London có chia sẻ một nhận xét đáng để suy nghĩ về giáo dục Việt Nam như sau:

Hãy đừng lấy PISA hoặc đào tạo ra vài nhà toán học thực giỏi làm thước đo. 

Tinh thần sẵn sàng đầu tư cho giáo dục của con cái sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta (tức là cộng đồng nhà giáo và người dân) không đòi hỏi và xây dựng được một hệ thống giáo dục thực sự phản ánh tinh thần cởi mở, phản biện khoa học. 

Nếu không thế, chúng ta không có cơ sở gì để kỳ vọng đất nước Việt Nam cất cánh” .

Không chỉ mình GS. London đề cập đến vấn đề này, OECD (Tổ Chức Hợp tác Kinh tế và Phát Triển), trong hội thảo quốc tế về “Chuẩn bị cho Học sinh trong thời đại Cách Mạng Công nghệ 4.0 với ứng dụng trong Giáo dục Khoa học” gần đây, tên của Việt Nam và thành tích đạt được trong kỳ thi PISA 2015 được nhắc đến nhiều lần như một ví dụ cần nghiên cứu [2]. 

Với thế giới và với các nhà giáo dục, họ khâm phục những thành tích đạt được của Việt Nam theo kết quả kiểm tra PISA 2012 và 2015.

Bởi chúng ta đã có kết quả cao hơn nhiều so với những nước đã phát triển, ví dụ như Mỹ, trong khi GDP trên đầu người ở Việt Nam thấp hơn nhiều chục lần so với các nước đã phát triển.  

Việc học sinh Việt Nam có kết quả học vượt trội hơn gần 3 năm so với các bạn đồng lớp ở các nước đã phát triển trong 3 môn: Toán – Đọc hiểu – Khoa học là một “bí ẩn” (xin xem bảng dưới đây) [3] mà hiện đang có hẳn một dự án RISE với số tiền 4,2 triệu Euro để thực hiện nghiên cứu [4].

Bảng so sánh kết quả kiểm tra bài thi PISA giữa các nước và mức GDP bình quân đầu người - Ảnh chụp màn hình Business Insider.
Bảng so sánh kết quả kiểm tra bài thi PISA giữa các nước và mức GDP bình quân đầu người -  Ảnh chụp màn hình Business Insider.

Giống như GS. London, trong hội thảo của OECD, đã có câu hỏi được đặt ra cho Việt Nam, là “Tại sao kết quả học tập các môn Toán – Khoa học” của học sinh Việt Nam rất tốt, Việt Nam lại có ít người theo đuổi việc học và nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật? 

Giáo dục Việt Nam đã bỏ quên (missing) điều gì trong hệ thống giáo dục của mình, để không thể tạo ra động lực cho học sinh ham học các môn kỹ thuật?” [2].  

Câu hỏi này khá hợp lý, do bởi chúng ta có thể điểm ngay được số lượng ngành học “hot” mở ra ở các đại học Việt Nam trong 10 năm qua không phải là những ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật.

Và sinh viên Việt Nam cũng không mặn mà gì đi theo học các chuyên ngành này, dù ở trong nước cũng như ở nước ngoài.  

Lấy ví dụ ở Mỹ, theo báo cáo của Open Door 2016, học sinh Việt Nam ở Mỹ khoảng 21.400 [5] hoặc có thể cao hơn, lên tới 28.883 [6] cho tất cả các ngành và các cấp học.  

Trong số đó, trên 32.6% theo học ngành quản trị và kinh doanh, chưa kể đến tỷ lệ học các ngành kinh tế hoặc kế toán, và chỉ có 28. 4% học sinh theo đuổi các ngành khoa học kỹ thuật [7] (gọi tắt là STEM: Science -Technology-Engineering-Math, dịch là Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán).  

Ở trong nước, nếu nhìn các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài năm 2014, theo tổng kết của nhà nghiên cứu Phạm Hạnh Minh, chúng ta có được dữ liệu sau:

Bảng 3: Cơ cấu ngành nghề đào tạo liên kết

 Chính sách công/Quản lý nhà nước Quản trị kinh doanh  Tài chính   Luật Công nghệ thông tin   Khoa học công nghệ Khoa học xã hội  Ngoại ngữ 
 3.1% 47.8%   17.6% 2.7%   10.8% 11.2%   1.7% 5.1% 

Nguồn: Tác giả thống kê từ danh sách công bố của Cục đào tạo với nước ngoài (4/2014).

Bảng trên cho thấy quản trị kinh doanh chiếm tới 47,8% số chương trình liên kết, tài chính/ngân hàng đứng thứ hai với 17,6%. 

Tổng cộng hai ngành này chiếm tới 65% tổng số các chương trình liên kết. 

Trong khi đó các ngành quan trọng như chính sách công/quản lý nhà nước chỉ có 3,1%, đặc biệt là khoa học xã hội chỉ có tổng cộng 5 chương trình liên kết với tỷ lệ 1,7%. 

Khoa học công nghệ (trừ công nghệ thông tin) chỉ chiếm hơn 11%. Đây là một cơ cấu méo mó bất hợp lý, thể hiện sự phân bổ nguồn lực không tương ứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. 

Tỷ lệ “méo” này cũng giống như tỷ lệ đào tạo các ngành không hợp lý trong giáo dục đại học ở Việt Nam trong 5-10 năm qua, với các ngành kinh doanh/tài chính/kinh tế chiếm tỷ trọng lớn sinh viên, khối kỹ thuật/công nghệ trở nên teo tóp vì ít người muốn theo nghề này. 

Từ góc độ các trường đại học, điều này có thể lý giải là đào tạo ngành kỹ thuật/công nghệ sẽ đòi hỏi chi phí cao hơn nhiều (chi phí đầu tư cơ sở vật chất/thiết bị và chi phí vận hành), các trường tham gia không muốn chịu rủi ro tài chính nên chỉ tổ chức đào tạo các ngành chi phí thấp để có khả năng thu hồi tài chính cao hơn.[8].

Vậy, liệu có phải do chúng ta đã “không đầu tư” vào đào tạo các ngành nghề khoa học kỹ thuật do phải trả chi phí cao hơn nhiều như nhà nghiên cứu Phạm Minh Hạnh nêu ra trên đây hay không? 

Mặc dù kết quả học tập các môn Toán - Khoa học rất tốt nhưng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn không thiết tha gì với khối ngành khoa học kỹ thuật. (Ảnh minh họa: ced.org)
Mặc dù kết quả học tập các môn Toán - Khoa học rất tốt nhưng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn không thiết tha gì với khối ngành khoa học kỹ thuật. (Ảnh minh họa: ced.org)

Quan điểm cá nhân tôi là không. Chúng ta đã đầu tư khá nhiều tiền cho những trường đại học quốc gia đa ngành, đại học “world-class” như đại học Việt-Đức, đại học Việt – Pháp từ những năm 2008, những chương trình học tiên tiến trong các trường khối kỹ thuật.

Chưa kể đến rất rất nhiều tiền đã đầu tư vào quỹ học bổng đào tạo học sinh từ cấp đại học đến tiến sỹ đi học nước ngoài mà các ngành khoa học kỹ thuật luôn được ưu tiên [9]. 

Với giáo dục Việt Nam, nếu nhìn đến lịch sử hơn 20 năm đổi mới, giáo dục các cấp của chúng ta đã thiếu vắng năng lực xây dựng chiến lược tổng thể cho cải cách giáo dục hội nhập quốc tế, như tôi có phân tích trong bài "Vay 77 triệu đô la Mỹ cho cải cách giáo dục phổ thông" [9]. 

Sự đứt quãng giữa các cấp học, chương trình học phổ thông hay đại học nặng về “học để thi”, sự yếu kém về chất lượng học sinh sư phạm (đi học làm thầy) và chất lượng dạy và học trong trường, những vấn nạn trong ngành giáo dục như ép học sinh học thêm, chạy tiền để vào trường làm nghề “thầy”, mua giáo án, thi “hình thức” các chương trình giáo viên giỏi, sáng kiến dạy và học, vân vân.  

Tất cả đều như một “lẩu thập cẩm”, dưới sự yếu kém về năng lực lãnh đạo, cả về tầm nhìn cũng như khả năng nghiên cứu, học hỏi nước ngoài, của các lãnh đạo trong ngành giáo dục, trong hơn 20 năm qua, đã dẫn dắt học sinh chúng ta đến một thực trạng “thi tốt”, nhưng không nhiều người “hành giỏi”.  

Đây, theo tôi, có lẽ là “một điều bị bỏ quên”, “điều bí ẩn” của Việt Nam mà OECD và các chuyên gia giáo dục không thể hiểu được.  

Thời đại 4.0, Thư gửi Việt Nam và ngẫm về sự học của người Việt ảnh 3

Vay 77 triệu đô la Mỹ cho đổi mới giáo dục Phổ thông và Quyền được thông tin

Cá nhân tôi, trong nhiều năm suy nghĩ rằng có phải chúng ta không biết những vấn đề “bị bỏ quên” nhưng lại là sống còn trong môi trường giáo dục? 

Một cách đơn giản, là làm sao trả lời được những câu hỏi như tại sao các chương trình liên kết với nước ngoài, kém chất lượng, chỉ tập trung vào các ngành kinh doanh lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nhiều đến vậy [8], trong khi định hướng phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa từ bao năm nay? 

Và tại sao chương trình tiên tiến, nhập khẩu từ nước ngoài về, sau khi triển khai và hết tiền thực hiện dự án, lại như “ngôi sao cô đơn” [10], là bước đệm cho sinh viên Việt Nam đi ra nước ngoài và “chính các đối tác cũng chưa công nhận tín chỉ như chương trình của họ” [10]? 

Ở cấp độ giáo dục phổ thông, nhân danh cải cách và hiện đại hóa chương trình sách giáo khoa, những vấn nạn như buộc phụ huynh mua các thiết bị điện tử [11], mua sách giáo khoa cải cách hàng năm, biến trường thành “chợ” [12] đã len lỏi vào học đường.

Trong khi đó, trang thiết bị giáo dục hỗ trợ cho đề án dạy học ngoại ngữ 2020 đã không được sử dụng hợp lý và rất lãng phí [13].

Với thực tế trên thì hỏi sao học sinh chúng ta sẽ tha thiết với học thật, dù là khoa học kỹ thuật hay khoa học xã hội?

Câu hỏi của OECD về việc làm sao để giáo dục Việt Nam khích lệ được nhiều học sinh ham học khoa học kỹ thuật, theo tôi, có lẽ sẽ cần nhiều người như GS. Hoàng Tụy, để “kêu lên” những vấn nạn trong giáo dục Việt Nam.

Trong đó, có ý kiến đặt câu hỏi rằng có hay không những lợi ích nhóm trong giáo dục, đến tham nhũng “chính sách” mà các tổ chức giáo dục, tập đoàn công nghệ, những cá nhân có lợi ích, đang trực tiếp tác động vào các lãnh đạo cấp cao ngành giáo dục, nhằm điều chỉnh và đưa ra các quy chế giáo dục có lợi cho số ít, nhân danh ‘xã hội hóa” để tư nhân hóa những tài sản và giá trị tốt nhất trong hệ thống giáo dục của chúng ta đồng thời ủng hộ những “chiếm đoạt” hợp pháp công sức gây dựng trường lớp, thị trường, thị phần của những thiểu số nhà giáo ra lập trường tư.  

Chúng ta đã được bạn bè quốc tế hỏi, vậy ai có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi này?

Có lẽ GS. London đã đưa ra một gợi ý cho chúng ta tìm hiểu: hãy xây dựng một hệ thống giáo dục thật cởi mở và có tính phản biện khoa học của cả xã hội!

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://xinloiong.jonathanlondon.net/2017/01/20/thu-gui-viet-nam/

[2] http://www.slideshare.net/OECDEDU/preparing-students-for-the-4th-industrial-revolution-implications-for-science-education

[3] http://thanhnien.vn/giao-duc/bao-my-ly-giai-bi-an-hoc-sinh-vn-dat-diem-cao-trong-cac-cuoc-thi-724367.html

[4] http://mdri.org.vn/vi/tin-tuc/mdri-tham-gia-rise-du-an-nghien-cuu-moi-nham-nang-cao-chat-luong-day-hoc-tren-quy-mo-lon-tai-viet-nam/

[5] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/du-hoc/viet-nam-xep-thu-6-ve-du-hoc-sinh-tai-my-3499494.html

[6] https://capstonevietnam.com/vi/news/1201-luong-du-hoc-sinh-viet-nam-tai-my-tang-cao

[7] http://trade.gov/topmarkets/pdf/Education_Vietnam.pdf

[8] https://hocthenao.vn/2014/09/10/giao-duc-dai-hoc-co-yeu-to-nuoc-ngoai-o-viet-nam-pham-hanh-minh/

[9] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vay-77-trieu-do-la-My-cho-doi-moi-giao-duc-Pho-thong-va-Quyen-duoc-thong-tin-post173983.gd

[10] http://www.baomoi.com/chuong-trinh-tien-tien-nhu-ngoi-sao-co-don/c/21227264.epi

[11] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/phu-huynh-phan-ung-ve-de-an-mua-may-tinh-bang-cho-hoc-sinh-3034513.html

[12] http://thanhnien.vn/giao-duc/bien-truong-hoc-thanh-cho-754419.html

[13] http://www.baomoi.com/bo-giao-duc-thua-nhan-co-lang-phi-mua-sam-trang-thiet-bi-o-de-an-ngoai-ngu-2020/c/20709065.epi

Nguyễn Thị Lan Hương