Thư gửi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

02/11/2017 07:07
Bùi Nam
(GDVN) - Cháu viết tâm thư gửi Bác để mong bày tỏ những lo lắng, băn khoăn về quan điểm tích hợp hy vọng Bác dành chút thời gian để xem qua và cho cháu một sự hồi đáp.

LTS: Mới đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bức thư của thầy giáo Bùi Nam gửi đến Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết để bày tỏ sự ngưỡng mộ và tình cảm yêu mến với Giáo sư.

Nhờ báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chuyển giúp bức thư, thầy Bùi Nam cũng mong muốn Giáo sư Thuyết có thể giải đáp cho thầy và các giáo viên khác một số điều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kính thưa: Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Xin cho phép gọi Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết là bác xưng cháu.

Hôm nay cháu viết tâm thư gửi bác để mong bày tỏ những lo lắng, băn khoăn về quan điểm tích hợp hy vọng bácdành chút thời gian để xem qua và cho cháu một sự hồi đáp.

Một số ý của tác giả Nhật Duy đã bàn về tích hợp với bác cũng trùng với ý kiến của cháu nên cháu xin không hỏi lại, cũng mong bác cho ý kiến.

Cháu chỉ xin nêu thêm những ý ngoài các ý kiến trên.

Thư gửi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết ảnh 1

Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới

Trước hết rất thật từ đáy lòng từ xưa cháu rất ngưỡng mộ và yêu quý bác.

Cháu chỉ thật sự biết bác từ khi bác làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Bác nói và đi đôi với làm có những phát biểu đóng góp xây dựng rất hay trước Quốc hội, đồng bào, nhân dân cả nước không chỉ về văn hóa, giáo dục mà cả những vấn đề khác như kinh tế, chính trị, xã hội được nhân dân và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ.

Cháu biết bác sinh năm 1948 đến nay đã là 70 tuổi thuộc lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bác còn rất minh mẫn, khỏe mạnh.

Bác lại đang đảm nhận công việc rất khó khăn và áp lực “kinh khủng” là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hàng chục triệu con người mà còn là vận mệnh của đất nước, sự thành bại của giáo dục ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ là tương lai đất nước.

Một lần nữa xin cúi đầu dành sự cám ơn, kính trọng và ngưỡng mộ bác.

Nhưng từ khi bác nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên chương trình mới, cháu đọc hầu như các phát biểu của bác về, đường lối, chủ trương và cả chương trình giáo dục phổ thông mới – nhất là bác nêu quan điểm về các môn “tích hợp”, cháu cũng thấy bác có rất nhiều cố gắng.

Gần đây bác cũng đã nêu lại quan điểm về dạy học tích hợp, bác có nêu tích hợp là xu thế của thế giới.

Cháu hoàn toàn đồng ý với bác nhưng không phải cứ là tiên tiến, ưu việt hay xu thế trên thế giới thì có thể áp dụng tại Việt Nam, thưa bác.

Và cháu cũng không biết nước nào dạy “tích hợp” như cách bác giải thích là một sách 2 hay 3 thầy.

Dạy học tích hợp với hình thức "một sách hai hay ba thầy" liệu có phù hợp? (Ảnh minh họa: VTV.vn)
Dạy học tích hợp với hình thức "một sách hai hay ba thầy" liệu có phù hợp? (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Giáo dục là không chỉ là quốc sách mà còn là sinh mệnh chính trị của dân tộc.

Thay đổi là đúng nhưng cẩn trọng, phù hợp và không thể để thất bại.

Cháu thấy hình như bác ít về các trường phổ thông, khi xây dựng chương trình bác cũng không tham khảo nhiều ý kiến giáo viên tại các trường phổ thông.

Thế nên cháu thấy nội dung chương trình có nhiều điểm mới hay nhưng còn xa rời thực tế, và rối rắm khi thực hiện tại trường phổ thông nhất là quan điểm tích hợp.

Bác biết không khi đem chương trình phổ thông và các môn tích hợp tham khảo giáo viên khác thì đa số giáo viên lắc đầu ngao ngán và nói chắc chắn sẽ thất bại!?

Tại sao giáo viên lại không hào hứng thậm chí chán nản, thờ ơ với chương trình phổ thông mới?

Vì giáo viên là người trực tiếp giảng dạy trên lớp, hằng ngày tiếp xúc giáo viên khác, hàng trăm học sinh, phụ huynh tại lớp nên biết nếu bây giờ, giai đoạn này mà thay chương trình, thay sách giáo khoa,… thì chỉ có thất bại?

Thư gửi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết ảnh 3

Tổng Chủ biên nói về quan điểm dạy tích hợp

Bác hãy dành nhiều thời gian hơn đi “vi hành” thị sát thực tế tình hình tại các trường phổ thông tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, hải đảo,… để biết rằng điều kiện như thế này có đảm bảo thay chương tình có thành công hay không?

Cơ sở vật chất thiếu thốn, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm dạy thêm tràn lan, học sinh ngồi nhầm lớp thì đầy rẫy;

Bệnh thành tích “năm sau cao hơn năm trước” thì thành căn bệnh “thâm căn cố đế”, giáo viên thờ ơ, vô cảm, phụ huynh thì bỏ mặc học sinh, học sinh không có thức học tập,…

Nếu hiện tại thay đổi chương trình có làm thay đổi được điều mà cháu vừa nêu không.

Cháu và những giáo viên khác đều cho là không?

Theo cháu nghĩ phải thay đổi tư duy và động lực dạy và học cho cả thầy và trò (xin phép cho cháu bàn ở nhũng bài viết sau).

Vậy điều mong muốn của giáo viên, học sinh và phụ huynh lúc này là gì?

Nếu thay đổi chúng cháu chỉ mong bác làm cẩn trọng, chắc chắn và phải bỏ được bệnh thành tích trong giáo dục thì mới có thể thành công.

Với sự hiểu biết của cháu cho cháu xin nêu các câu hỏi của cháu và một số giáo viên khác tới bác về dạy học tích hợp của môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở với lòng chân thành và mong sự hồi đáp của bác cho cháu và các giáo viên yên tâm.

Thứ nhất, học sinh học được gì từ tích hợp?

Bác có tổng kết các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa tại trường Trung học cơ sở của chương trình đang thực hiện chưa. Nó có ưu điểm, khuyết điểm là gì?

Do đâu bắt buộc phải tích hợp ba đơn môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên và môn Sử, địa thành môn Sử và Địa.

Thư gửi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết ảnh 4

Tích hợp 1 sách 3 thầy là một bước thụt lùi của chương trình mới

Nếu lắp ghép cơ học như trên, sau khi dạy học sinh có giỏi hơn không?

Học sinh học được gì khi ba môn hay hai môn ghép lại với nhau trong khi vẫn do hai, ba thầy dạy.  

Hiện tại chương trình chúng ta vẫn đang dạy tích hợp như biển đảo, bảo vệ môi trường, kỹ năng sống, đạo đức liên môn,… sao lại phải đổi tên chi cho “rối rắm”.

Bác cứ chỉ đạo tích hợp nhưng vẫn giữ đơn môn rồi tích hợp một cách khoa học vào từng bài học cụ thể.

Đâu phải cứ nhất thiết cứ thay đổi tên môn là thay đổi.

Vấn đề quan trọng không kém nữa là đào tạo học sinh giỏi – lực lượng nòng cốt để bồi dưỡng nhân tài khi đó là môn Khoa học tự nhiên, hay môn Lịch sử và Địa lý do giáo viên nào dạy.

Và giáo viên nào đủ trình độ để bồi dưỡng 2 môn “tích hợp” trên?

Thứ hai, về chính sách đào tạo giáo viên

Theo cháu biết trên các phương tiện thông tin đại chúng thì các trường sư phạm đang rục rịch đào tạo giáo viên theo chương trình mới nhưng cháu chưa biết là đã có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên “tích hợp” chưa?

Nếu có thông tin thì mong bác cho cháu biết năm học 2017 – 2018 có bao nhiêu trường đã đào tạo môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý cho bậc Trung học cơ sở?

Số giáo viên “tích hợp” sẽ ra đời sau 5 năm nữa trên cả nước là bao nhiêu (vì hình như trình độ cao đẳng sư phạm không còn đào tạo)?

Chính sách đào tạo giáo viên tích hợp và các môn mới khác như thế nào?

Bác cho cháu biết theo tính toán của bác nếu một giáo viên dạy Sinh 20 năm (hiện tại khoảng 42 tuổi) suốt 23 – 25 năm (học cao đẳng hay đại học và đi dạy) chỉ học và dạy chuyên ngành Sinh học thì cần thời gian bao lâu nữa để có thể dạy được môn Lý, Hóa và ngược lại.

Thứ ba, về sách giáo khoa

Theo cháu biết vì muốn dạy tích hợp nên Bộ cho một quyển sách Khoa học tự nhiên gồm 3 phần Lý, Hóa, Sinh; môn Lịch sử và Địa lý gồm 2 phần Sử và Địa.

Thư gửi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết ảnh 5

Xin hỏi tiếp Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về “tích hợp” 1 sách 3 thầy

Phần của giáo viên nào giáo viên đó dạy, rồi như trả lời của bác là cuối học kỳ hoặc cuối năm cộng điểm các môn đó lại rồi chia theo tỷ trọng?

Cháu không thấy gì gọi là “tích hợp” cả.

Rồi năm năm sau giáo viên “tích hợp” ra đời, thì những giáo viên trên cũng dạy như trên.

Ví dụ như giáo viên đó tiết 1 dạy phần môn Sinh, quay ra tiết 2 dạy phần môn Lý, tiết 4 dạy phần môn Hóa sẽ như thế nào?

Bác cũng từng ngồi trên ghế nhà trường bác nghĩ sao khi vận dụng sách giáo khoa dạy tích hợp như trên tại trường phổ thông?

Bác có cho cháu và giáo viên cả nước xem cả 4 quyển Khoa học tự nhiên, và 4 quyển Lịch sử và Địa lý (của cả 4 lớp 6,7,8,9) với kế hoạch dạy học, phân công chuyên môn, phân công chấm trả bài, vào điểm,… cho cháu và đồng nghiệp các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa trong cả nước xem và đóng góp ý kiến trước khi áp dụng chương trình mới được không bác?

Cháu thấy không thể dạy theo hình thức cuốn chiếu, ví dụ hết năm lớp 6 rồi lo dạy, soạn bài, tập huấn,… rồi tiếp tục tập huấn cho lớp 7,… bởi sẽ không có thời gian đóng góp.

Cháu mong có đầy đủ bộ sách giáo khoa “tích hợp” cho chúng cháu đóng góp, nếu có không phù hợp thì chỉnh sửa, sau đó mới thực hiện dạy đại trà.

Thứ tư, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thất bại

Dù đây là điều không mong muốn bởi vì không chỉ có hàng trăm tỉ đồng đổ sông đổ biển mà còn cả thế hệ học sinh – tương lai đất nước thất bại. Cả chục năm sau cũng không sửa đổi kịp.

Cháu thật lòng chưa thấy an tâm hay nói đúng hơn là lo lắng, bất an cho các em, các cháu học sinh khi áp dụng chương trình mới khi điều kiện của chúng ta chưa cho phép.

Xin bác cho cháu biết, bác đã tiên liệu vấn đề này chưa, nếu thất bại bác sẽ làm gì? Hay lúc đó bác đã “nghỉ hưu”, hậu quả này ai gánh chịu?

Lúc này, nếu môn “tích hợp” không còn phù hợp chuyển về đơn môn các giáo viên “tích hợp” được đào tạo tại các trường sư phạm sẽ dạy môn gì hay cho tinh giản biên chế vì không còn phù hợp?

Cuối cùng xin kính chúc bác và ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa luôn dồi dào sức khỏe, luôn cống hiến hết sức lực, trí lực của mình cho sự phát triển của đất nước, sự phát triển của giáo dục.

Cho cháu thêm một ý kiến nhỏ nữa là về năng lực và phẩm chất.

Cháu đã đọc đi đọc lại bảng năng lực và phẩm chất cần đạt của chương trình và của các bộ môn nhưng cháu vẫn chưa thể “thẩm thấu”.

Theo cháu nghĩ tư tưởng xuyên suốt chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 là dạy học sinh học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy nhưng chỉ khác nhau về cấp độ:

Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt.

Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Trích "Năm điều Bác Hồ dạy Thiếu niên, Nhi đồng"

Một lần nữa trân trọng kính chào bác!

Bùi Nam