Thủ khoa kép chỉ là khởi đầu cho hành trình đam mê nghiệp vẽ

27/10/2018 08:16
Thùy Linh
(GDVN) - Duy luôn đặt bản thân mình vào chính những con người sẽ sinh hoạt trong không gian mà mình thiết kế ra, để cảm nhận được họ muốn gì, cần gì.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, với điểm số 41/50 ( Ngữ Văn 8, Hình họa 16, và Bố cục màu 17), Đặng Thành Duy (sinh năm 1995) đã xuất sắc trở thành tân thủ khoa của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (khoa Trang trí Nội ngoại thất, ngành Thiết kế nội thất).

Điều đáng nói là 5 năm sau, trong kỳ thi tốt nghiệp đại học vừa qua, với số điểm trung bình 8.35/10 Thành Duy tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra của trường.

Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ đều là họa sĩ, có thể nói Duy là con nhà nòi nên em được tiếp xúc với môn nghệ thuật từ khá sớm và ngay từ khi còn nhỏ em đã rất thích vẽ rồi dần có khả năng và cơ hội cảm thụ sâu sắc về nghệ thuật.

Tuy trở thành thủ khoa “kép” của một trường đại học là điều hết sức vui mừng nhưng Duy luôn tự nhủ rằng không được ngủ quên trên chiến thắng mà cần nỗ lực, cố gắng phấn đấu để chạm được đến những ước mơ của bản thân.

Trở thành thủ khoa “kép” của một trường đại học là điều hết sức vui mừng nhưng Đặng Thành Duy luôn tự nhủ rằng không được ngủ quên trên chiến thắng mà cần nỗ lực, cố gắng phấn đấu để chạm được đến những ước mơ của bản thân. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trở thành thủ khoa “kép” của một trường đại học là điều hết sức vui mừng nhưng Đặng Thành Duy luôn tự nhủ rằng không được ngủ quên trên chiến thắng mà cần nỗ lực, cố gắng phấn đấu để chạm được đến những ước mơ của bản thân. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhớ lại thời phổ thông, Thành Duy kể, bên cạnh nghệ thuật thì em còn một niềm ham mê với môn Vật lý.

Chính vì thế, bố mẹ em đã có những lúc cảm thấy vô cùng phân vân, không biết nên chọn con đường nào là tốt nhất cho con trai mình.

Nhưng chính trong những lúc khó khăn ấy, bố mẹ đã luôn ở bên giúp đỡ, phân tích những mặt lợi thế khi đi theo ngành mỹ thuật, giúp em định hướng được mục tiêu phấn đấu cho bản thân.

“Thật may mắn khi định hướng của bố mẹ và những nỗ lực cố gắng của bản thân được đền đáp xứng đáng”, Thành Duy tâm sự.

Nhiều người cho rằng thủ khoa là “mọt sách” nhưng theo Thành Duy để học tốt thì việc quan trọng vẫn là thời gian học trên lớp để nắm bắt những kiến thức căn bản một cách hệ thống, từ đó sẽ có được nền tảng quan trọng. Đồng thời em chú trọng các bài học thực hành thực tế để tìm kiếm những ý tưởng mới, độc đáo.

Là thí sinh đam mê nghệ thuật nên khi ôn luyện em nắm bắt từng bước, dựng hình chắc chắn rồi lên sáng tối không gian.

Còn đối với môn Ngữ văn thì Thành Duy ôn luyện theo cách học “xương cá”, nắm bắt các ý chính, triển khai thành các ý nhỏ.

Thậm chí cách học của Thành Duy còn có thể là ra ngoài phố, nhâm nhi một cốc cà phê để lấy lại tinh thần rồi tiếp tục làm việc, học tập. Vì thực ra những ý tưởng hay không phải lúc nào cũng xuất hiện bên bàn học.

Đặng Thành Duy nhận chứng nhận giải Vàng cuộc thi Nhà thiết kế trẻ châu Á (AYDA) – khu vực Việt Nam – mảng thiết kế nội thất năm 2016.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Đặng Thành Duy nhận chứng nhận giải Vàng cuộc thi Nhà thiết kế trẻ châu Á (AYDA) – khu vực Việt Nam – mảng thiết kế nội thất năm 2016.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Hơn nữa, mỹ thuật công nghiệp là một trong 7 bộ môn nghệ thuật, mà nghệ thuật là tạo ra những cái hay cái đẹp cho cuộc đời. 

Tuy nhiên, trong thiết kế nội thất, một không gian đáng sống thì đòi hỏi không chỉ đẹp, mà còn phải tiện nghi, thoải mái, hay thích hợp với nhu cầu sử dụng.

Nhận thấy rõ điều này nên ngay từ khi còn là sinh viên Duy cố gắng để thường xuyên tiếp xúc với những đồ án rất đa dạng như thiết kế nội thất nhà hàng, cafe, chung cư, cửa hàng, showroom, bảo tàng, trường học... 

Duy nhận xét, mỗi đồ án có những yêu cầu đặc trưng riêng nhưng tất cả đều hướng tới con người là chủ thể, nên em tìm những luôn tìm tòi những ý tưởng vừa độc đáo mới lạ, nhưng vẫn đặt con người làm trọng tâm sáng tạo. 

Và em luôn đặt bản thân mình vào chính những con người sẽ sinh hoạt trong không gian mà mình thiết kế ra, để cảm nhận được họ muốn gì, cần gì, từ đó sẽ tìm ra được những phương án giải quyết vừa đầy đủ công năng sử dụng, vừa có yếu tố thẩm mỹ cao. 

"Luôn đặt con người làm trọng tâm thiết kế" là phương châm sáng tạo của chàng trai này. 

Bên cạnh đó, Duy vẫn đang cố gắng trau dồi thêm kiến thức với mong muốn tìm ra một nét riêng trong những công trình của mình để tạo được dấu ấn trong lòng mọi người. 

Chia sẻ về công việc hiện tại của mình, Duy nói, em đang học lên thạc sĩ song song với đó là làm việc tự do về ngành thiết kế nội thất (gặp, trao đổi với khách hàng; đưa ra những phương án thiết kế và thi công nội thất, giám sát thi công).

Duy dự định sẽ cùng với những người bạn thân thành lập một công ty trang trí thiết kế nội thất trong tương lai. 

Các thành tích Đặng Thành Duy đã đạt được:

- Thủ khoa đầu vào và thủ khoa đầu ra trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

- Học bổng Inax dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc năm 2015.

- Học bổng Nitori Quốc tế cho sinh viên có thành tích xuất sắc 2016.

- Chứng nhận giải Vàng cuộc thi “Nhà thiết kế trẻ châu Á (AYDA) – khu vực Việt Nam – mảng thiết kế nội thất năm 2016.

- Giấy khen của Hiệu trưởng “Tốt nghiệp thủ khoa – hệ đào tạo chính quy.

- Giấy khen của Hiệu trưởng “Sinh viên Giỏi” năm học 2014 – 2015, 2016 - 2017.

- Giấy khen của Hiệu trưởng “Sinh viên Xuất sắc” năm học 2017 – 2018.

- Học bổng định kỳ dành cho sinh viên có thành tích tốt của trường trong suốt 4 năm 2014 – 2018.

- Giải nhì trong Triển lãm thực tập cuối kỳ của Khoa Trang trí Nội ngoại thất, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

- Chứng nhận hoàn thành chương trình học tập ngắn hạn dành cho giải Vàng AYDA các khu vực năm 2016 tại Indonesia.

Thùy Linh