Thủ trưởng cơ quan phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ phải thay

02/07/2016 08:16
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng: "Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả hoạt động của đơn vị, phải hoàn thành nhiệm vụ. Ai không hoàn thành sẽ phải thay".

Trong 2 ngày từ 30/6-1/7/2016, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, pháp luật, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Đặc biệt, phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân có thể làm những gì mà pháp luật không cấm. Tập trung hơn nữa cho công tác cải cách thể chế, xây dựng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm, cái này phải được thể hiện rõ hơn trong chỉ đạo, điều hành. Nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là tạo tiền đề để người dân và doanh nghiệp tạo ra sự tăng trưởng.

Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo, phải tạo ra mọi giải pháp thực hiện, tạo điều kiện cho môi trường đầu tư kinh doanh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dẹp ngay tình trạng "cha chung không ai khóc, cá mè một lứa". ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dẹp ngay tình trạng "cha chung không ai khóc, cá mè một lứa". ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải cắt giảm triệt để giấy phép con theo đúng tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; khẳng định, sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ vốn đang kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trước tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm trước… Thủ tướng yêu cầu bám sát quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ trưởng cơ quan phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không sẽ phải thay ảnh 2

Cán bộ tùy tiện, vô nguyên tắc phải xử lý thật nghiêm khắc

Chỉ rõ tình trạng nợ xấu, nợ công, tiêu cực... luôn đe dọa sự phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Kiên quyết phát huy tinh thần dân chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới, xây dựng và tăng cường kỷ luật kỷ cương để đạt được kết quả cao nhất mà Chính phủ đã đề ra.

Phải minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tối đa cơ chế xin – cho, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên".

Muốn đạt được mục tiêu ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải lập lại kỷ luật, kỷ cương hành chính và coi đó là một nhiệm vụ cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại là phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả hoạt động của đơn vị, phải hoàn thành nhiệm vụ. Ai không hoàn thành sẽ phải thay.

Chúng ta thấy tình trạng rất phổ biến là cha chung không ai khóc, cá mè một lứa. Như vậy thì làm sao giữ yên cho được”.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thượng tôn pháp luật gắn với phát huy dân chủ sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát, thống kê, báo cáo. Có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai, thực hiện.

Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa, tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán cả doanh nghiệp lãi cao, bán hết phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Ngọc Quang