Thủ tướng Chính phủ: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

29/04/2016 11:48
Phương Linh
(GDVN) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng, và tinh thần lớn nhất vẫn là “không hình sự hóa quan hệ kinh tế".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị đối thoại giữa cộng đồng gần 600 doanh nghiệp tại Việt Nam với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành ở trung ương và địa phương vào sáng ngày 29/4.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại này.

Cùng tham dự còn có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Trương Hòa Bình và Vũ Đức Đam cùng với Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh - ông Đinh La Thăng.

Với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực để phát triển kinh tế đất nước”, hội nghị này sẽ là nơi để Chính phủ nghe các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, cũng như nêu những hiến kế để Chính phủ cùng lãnh đạo các cấp cùng nhau tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại (ảnh: chinhphu.vn)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại (ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng luôn thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo, luôn bảo vệ quyền tài sản và quyền kinh doanh của các doanh nghiệp, của công dân, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển.

Chính vì thế, ông Nguyễn Xuân Phúc mong muốn phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước, và tinh thần lớn nhất vẫn là “Không hình sự hòa các quan hệ kinh tế”.

Được mời nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại này, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nếu muốn nền kinh tế đất nước như là một bản giao hưởng, thì Thủ tướng phải là nhạc trưởng, các bộ ngành là nhạc công, còn ca sĩ là các doanh nghiệp.

Ông Trần Bắc Hà đề xuất, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật đầu tư, dưới luật chỉ nên có một nghị định, không ban hành thông tư, cần có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi, nhất là đối với các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Chủ tịch Ngân hàng BIDV ông Trần Bắc Hà nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại (ảnh: P.L)
Chủ tịch Ngân hàng BIDV ông Trần Bắc Hà nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại (ảnh: P.L)

Công ty cổ phần ô tô Trường Hải thì đề xuất địa phương cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, để cùng nhau chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc, tạo môi trường làm ăn lành mạnh, phát triển bình đẳng cho các doanh nghiệp trên cùng địa bàn.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk thì góp ý, Chính phủ cần rà soát lại, giảm thiểu tối đa các giấy phép con, nâng cao tính liên thông giữa các bộ ngành trong việc cấp giấy phép đầu tư, rà soát lại các thủ tục trong lĩnh vực hải quan, để các cơ quan, Bộ ngành có thể liên kế với nhau trong việc xét hồ sơ của doanh nghiệp.

Cuối cùng, bà Mai Kiều Liên mong muốn Chính phủ coi các doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không phải là đối tượng bị quản lý.

Sau khi nghe một số các doanh nghiệp, Hiệp hội lớn khác tại Việt Nam như: Công viên phần mềm Quang Trung, Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu…Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu bế mac hội nghị đối thoại vào đầu giờ chiều 29/4.

Vào chiều cùng ngày, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ có buổi họp với lãnh đạo các Bộ ngành ở trung ương để cùng nhau bàn bạc, nêu ý kiến cách thức để tháo gỡ mọi khó khăn mà các doanh nghiệp đã nêu trong buổi sáng.

Phương Linh