Tích hợp thì tích hợp

19/08/2017 07:00
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Có thể vì hiểu chưa đầy đủ về dạy học tích hợp nên một số thầy cô còn hoài nghi “muốn tích hợp thì tích hợp”.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lự, một nhà giáo dạy trung học phổ thông ở Vĩnh Phúc.

Trên quan điểm của người đứng lớp, thầy Lự đặt vấn đề về dạy tích hợp và các vấn đề cần lưu ý.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu ý kiến này.

Dạy học theo phương pháp tích hợp liên môn đã và đang được các giáo viên thực hiện rộng rãi.

Mục đích và tác dụng của cách dạy và học này không là điều mới mẻ đối với Việt Nam.

Có thể vì hiểu chưa đầy đủ về dạy học tích hợp nên một số thầy cô giáo còn hoài nghi “muốn tích hợp thì tích hợp”.

Vấn đề dạy tích hợp đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cần được giải đáp (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Vấn đề dạy tích hợp đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi cần được giải đáp (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Kiến thức liên môn 

Mọi thứ vật chất và tinh thần liên quan mật thiết, hữu cơ với nhau nhưng không dễ dàng hiểu được.

Mấy chục khóa học sinh chúng ta rơi vào vòng xoáy của trường chuyên lớp chọn, vòng xoáy của học lệch và cơn bão thành tích ảo cuốn họ đi. 

Thành thử, không ít người chỉ giỏi và sâu về một hoặc vài lĩnh vực mà không hề hoặc không cần, thậm chí không thèm tìm hiểu và nhìn nhận về những lĩnh vực liên quan. Sự lệch đó ngấm dần vào suy nghĩ và tâm hồn người Việt, hình thành kiểu người chuyên môn hóa. 

Nhận thức và hành động của kiểu người giỏi, thành thạo một ngành nghề nhưng lại không biết gì về những thứ khác đã và đang rung lên cảnh báo về tương lai người Việt.

Hiện tượng cử nhân không viết đúng câu và chính tả, không biết tính nhẩm hay không biết tại sao lũ lụt khủng khiếp vừa qua ở Tây Bắc là do đâu…

Thầy cô môn tự nhiên làm đề thi sai về diễn đạt, dùng từ…; thầy cô môn xã hội không giải được bài toán cho con bậc tiểu học…

Và không phải thầy cô nào cũng giải thích cho con mình hay trò mình hàng trăm câu hỏi rất đời thường: “sao con lại giống bố hoặc mẹ nhiều hơn?”, “vì sao em không muốn học văn, học toán”, “vì sao nghề sư phạm lại bị tuyển sinh thấp điểm thế?”…

Những tri thức tổng hợp, gọi cách khác là tích hợp liên môn, được học ở trường phổ thông có thể giúp mỗi người hiểu được nhiều vấn đề cơ bản của cuộc sống và khoa học trong những mức độ khác nhau.

Liên quan mật thiết và tác động tương hỗ của vạn vật tồn tại khách quan tất yếu. 

Không chỉ thầy cô, học trò mà mỗi người cần nhận thức và hiểu vấn đề theo cách liên hệ đa chiều, đa lĩnh vực và dùng nó để suy đoán, giải thích, phân tích, đánh giá theo hướng tích hợp nhiều lĩnh vực tri thức.

Nếu bạn không để tâm đến tư duy hình học, hình học không gian thì rất khó để bạn hiểu cấu trúc của gen, cấu trúc xương động vật hay kiến trúc xây dựng; bạn sẽ khó tưởng tượng ra một hình ảnh về sự vật, hoặc một hình tượng thơ được gợi ra nhờ câu chữ; bạn sẽ không thể hiểu phát triển kinh tế bền vững vì sao lại liên quan đến số phận con người; bạn uống ly nước trên đỉnh Phanxipăng mà chưa hiểu sao nó lại khác nhiều so với ở Hà Nội mà không phải vì giá cả; bạn không thể giúp con với câu hỏi trẻ thơ ba tuổi; bạn chưa hiểu rõ vì sao cả thế giới mấy ngày qua lại hướng về tên lửa Triều Tiên…

Chỉ khi tích lũy được kiến thức liên môn tích hợp, bạn mới hiểu nhiều vấn đề và dần mở rộng khám phá thế giới tâm hồn và vũ trụ.

Khi chưa đến tuổi “tri thiên mệnh - biết được nhiều thứ”, chắc chắn con người cần học hỏi, tìm hiểu càng nhiều thứ càng tốt. 

Đã đến lúc giáo dục Việt Nam cần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tích hợp nhằm tạo ra sản phẩm con người có thể hiểu được việc làm, suy nghĩ của mình đều ít nhiều ảnh hưởng đến người khác, việc khác; có thể lý giải được nhiều nhất về con người và vũ trụ; có thể sống thuận lẽ tự nhiên và hạnh phúc hơn.

Dạy học tích hợp 

Quan điểm dạy tích hợp của Chương trình mới là “Tích hợp cao ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên” là quan điểm đúng, phù hợp xu thế dạy học phát huy năng lực sáng tạo của người học.

Định hướng mới của dạy học tích hợp cũng được nêu rõ là “tích hợp trong các môn, từng môn và hoạt động giáo dục”.

Tích hợp thì tích hợp ảnh 2

Đôi điều trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về chuyện 3 giáo viên dạy 1 môn

Từ những năm thay sách (năm 2006), phương pháp dạy học tích hợp đã được triển khai và tiếp tục với những chu kỳ học hè “vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn”. 

Như vậy, khái niệm tích hợp không còn xa lạ với thầy cô giáo. Chương trình mới đã tiếp tục và nêu rõ hơn phương pháp dạy học tích hợp ở từng cấp học và môn học, nhóm môn học và hoạt động giáo dục. 

Không ít thầy cô đã học sư phạm hai môn kết hợp (Toán - Lý, Hóa - Sinh, Văn - Sử, Địa - Thể dục…), không ít thầy cô buộc phải dạy trái môn, dạy môn không được học ở trường sư phạm. Sự bát nháo của nhiều nơi, nhiều trường thiếu giáo viên như thế chính là nguy cơ của chất lượng ảo hàng chục năm qua. 

Dạy tích hợp trong từng môn (nội môn học), trong nhóm môn (đa môn), liên môn và xuyên môn chính là 4 khái niệm được nêu cụ thể trong Chương trình mới.

Các thầy cô ở cấp trung học cơ sở chủ yếu dạy những kiến thức cơ bản, nền tảng nên mức độ cũng không nhiều khó khăn như mọi người nghĩ.

Có môn đến lớp 8 mới được học nên tích hợp môn Tự nhiên, môn Địa lý - Lịch sử hay Khoa học có thể chỉ là những tri thức sơ lược, quan trọng ban đầu.

Lên cấp trung học phổ thông, dạy tích hợp nội môn, liên môn, xuyên môn, dạy học phân hóa sẽ phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi và sự phân hóa đó giúp các trò củng cố và phát triển nhận thức tổng quát về các lĩnh vực khoa học được giới thiệu ở cấp trung học cơ sở.

Không nên suy luận dạy tích hợp là sự gộp lại, cộng lại các môn - lĩnh vực thành môn chung theo kiểu ăn thắng cố của người Tây Bắc.

Dạy tích hợp phải chăng là cách giúp người học tìm ra sự liên quan, liên kết, sự tác động tương hỗ của sự vật, sự việc trong một chỉnh thể? 

Không phải thầy cô không hiểu, không biết, không thấy sự liên kết của vạn vật mà đôi khi người thầy chưa thể tìm ra sợi dây gắn các ảnh hưởng, tác động đó lại thành một suy đoán giải thích hợp lý và thuyết phục về sự vật, sự việc.

Sự áp đặt, gượng gạo theo sách hướng dẫn hoặc chỉ đạo, sự lo sợ cùng với tư tưởng đám đông nói theo, làm theo người đi trước đã không thể gợi ra những ý tưởng dạy học thoát ly cái đã có. 

Dạy tích hợp - nghĩa là mở rộng, giảng sâu hơn, nghĩa lý hơn nội dung bài học thành ra không có cơ hội để người thầy thực hành, vì thế cứ theo sách, và chỉ nói những gì có trong sách.

Tâm lý sợ nhỡ ra… vô tình đã bóp chết ý tưởng dạy tích hợp trong suy nghĩ của thầy cô tự bao giờ rồi! 

Điều tuyệt nhất là các cuộc thi của học sinh và giáo viên từ cấp trường đến toàn quốc liên tục được tổ chức mấy năm qua về tích hợp và đều tìm được những sản phẩm tốt, những gương mặt điển hình.

Nhưng, trong số đạt giải chắc chỉ chủ nhân mới biết được sự thật họ tự làm đến đâu, còn đâu là vay mượn!

Hình ảnh Tiết mục múa Khúc nhạc đồng quê. (Ảnh Văn Lự)
Hình ảnh Tiết mục múa Khúc nhạc đồng quê. (Ảnh Văn Lự)

Nỗi lòng người trong cuộc

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố “một sách 3 thầy”, dạy tích hợp, học tích hợp; khi ông Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Điều phối viên chương trình giáo dục Trung học cơ sở, Trưởng nhóm chương trình Khoa học Tự nhiên, trình bày giải thích thêm về khái niệm dạy tích hợp thì nhiều thầy cô lo lắng và băn khoăn thật sự.

Người trực tiếp dạy học phản biện dạy học tích hợp trong Chương trình mới xuất phát từ nguyên do:

1. Sự chỉ đạo và hướng dẫn của người quản lý và phụ trách chuyên môn cứng nhắc và máy móc áp dụng tài liệu, đưa ra những yêu cầu và tiêu chí không rõ ràng, khó thực hiện. 

Phần lớn các buổi tập huấn dạy học tích hợp, người quan trọng lại không tham dự nên bản thân họ chưa hiểu khái niệm và mức độ tích hợp liên môn trong từng bài học nhưng lại đề nghị, yêu cầu giáo viên dạy thế này thế kia cho tích hợp… Giáo viên đang rối lại gặp cán bộ nhiễu rối nên họ dạy theo cách đối phó tích hợp thì tích hợp, lo gì!

2. Giáo viên phần lớn còn trẻ, nên khi tham gia tập huấn họ trò chuyện là chính, tài liệu là gốc rễ, vừa làm vừa học.

Do chưa hiểu kỹ hoặc không hiểu về dạy học tích hợp nên cùng với sự thiếu hụt về tri thức, sự vô lý của cấp trên, sự lơ mơ của đồng nghiệp nên nhiều người chán nản và bi quan, tiêu cực.

Mấy năm qua, họ làm và tiếp tục sẽ làm với tinh thần trên bảo dạy tích hợp thì tích hợp!

Tích hợp thì tích hợp ảnh 4

GS.Đào Trọng Thi: "Dạy tích hợp, nhưng không thể mù quáng"

Thực tế dự giờ, người viết ngạc nhiên thấy đồng nghiệp tích hợp đến cháy giáo án, đến quên hẳn trọng tâm bài học, đến chồng chéo kiến thức.

Hỏi thêm để biết “rằng thì là” đã tham khảo người này người kia, sợ thế này thế khác nên cứ đưa vào cho… chắc ăn!?

3. Lệ thuộc tài liệu và bài giảng mẫu, giáo án mẫu tích hợp. Những hiểu biết liên môn của thầy cô này không thể giúp được người khác. Tri thức liên môn phải là của mình, tự mình hiểu, tự mình lý giải.

Thầy giáo sẽ giải thích đúng hơn cảm giác say và nghiện (dưới góc nhìn của môn hóa học, vật lý, tâm lý, sinh học và tâm thần học của nhân vật nổi tiếng Chí Phèo). 

Cô giáo sẽ phân tích sâu hơn khát vọng tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ trong bài thơ Tự tình (Hồ Xuân Hương) hay bài Sóng (Xuân Quỳnh)…

Chưa có đủ kiến thức liên môn nền tảng chắc chắn thầy cô sẽ gặp khó khăn và hoảng khi thực hiện chương trình dạy tích hợp là điều dễ cảm thông.

4. Sự thiếu hụt thầy cô có kiến thức tốt ở các lĩnh vực đảm nhận công tác điều hành và thanh kiểm tra. Thế hệ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”, “như con dao pha”, thầy toán làm thơ, viết văn, chơi nhạc; thầy văn giỏi toán, lý, hóa…chẳng có mấy!

Mò mẫm và dựa vào nhau để gò ép và miễn cưỡng soạn bài, giảng bài, viết bài thi giáo án tích hợp. Họ sẽ chờ được đào tạo lại hoặc chí ít chờ lớp cử nhân sư phạm được học tích hợp từ năm nay để học hỏi kinh nghiệm!

5. Sự trì trệ về chất lượng, ý thức động cơ học tập, môi trường xã hội, nhà trường và gia đình, điều kiện học tập của học sinh còn nhiều vấn đề tạo nên những mảng tối của giáo dục hiện nay.

Học lệch và quan điểm coi thành tích là chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng sẽ còn tác động tiêu cực đến dạy học tích hợp. 

6. Quan điểm chỉ đạo học sinh chỉ tập trung cho môn chính, theo khối và được xem xét bỏ qua môn khác của một số đơn vị nhà trường có thể sẽ làm phá sản dạy học tích hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm quyết liệt nhằm giảm dần quy mô và ý nghĩa của những kỳ thi giỏi các cấp.

Học sinh - chiến binh - chỉ vùi mình luyện tập trong một lĩnh vực sẽ rất thiệt thòi khi không biết thêm gì về lĩnh vực khác. 

Bốn mức độ tích hợp

Đọc bài viết của Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn [1], chúng tôi nhận ra dạy học tích hợp lâu nay đã và đang được thực hiện trong nhà trường Việt Nam.

Không ít thầy cô, trong đó có tôi, đã liên hệ và giảng giải vấn đề trong mối tương quan từ nhiều lĩnh vực. 

Tích hợp thì tích hợp ảnh 5

Tích hợp và liên môn – Giáo viên đừng dạy như cỗ máy

Ví như, giờ học Ngữ văn không chỉ làm rõ sự nghĩa lý của nghệ thuật ngôn từ và tư tưởng của người viết về một vấn đề cuộc sống mà người thầy còn lồng ghép bài học ý thức và nhân phẩm, cách nhìn và cách sống của nhân vật văn học, để hướng học trò lý giải và hiểu đúng về cuộc sống trong tác phẩm gắn với cuộc sống hiện tại của thầy trò.

Hình thức tích hợp nội môn nhiều thầy cô vẫn làm lâu nay mà không biết mình đang dạy tích hợp. Môn Ngữ văn, môn Lịch sử, Địa lý vốn liên quan đến nhau khá nhiều. Các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cũng sử dụng công thức, thuật toán hay giải thích hiện tượng cũng là tích hợp nội môn. 

Nhiều câu chuyện về khoa học hay về danh nhân, bác học đều được viết tích hợp kiến thức đa lĩnh vực…

Mở rộng giải thích quy tắc bàn tay trái, quy tắc vặn nút chai (Vật lý) hay chất tẩy màu (Hóa học) làm trắng sản phẩm, làm sạch nước ăn đều liên quan đến con người (Sinh học)…

Mức độ tích hợp liên môn được chỉ đạo và thực hiện nhiều nên đồng nghiệp dễ nhận ra.

Sự kết nối phối hợp các thông tin đã được thầy cô tìm hiểu, lý giải, vận dụng soạn bài, giảng bài và trò chuyện với học trò trong suốt mấy năm qua. 

Dạy tích hợp đa môn và xuyên môn theo Chương trình mới đòi hỏi những tri thức tổng hợp và chuyên sâu hơn.

Chủ đề của vấn đề cuộc sống đặt ra cho từng lứa tuổi giải quyết cần phân biệt đúng mức trong từng cấp học. 

Chúng ta thừa nhận mọi thứ đều không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi.

Chúng ta đã cố gắng gắn kết và tìm ra mối liên quan giữa các biểu hiện nguyên nhân, kết quả để hiểu thấu suốt, chuẩn xác vấn đề; đã bằng nhiều cách để suy luận và đưa ra phán đoán về nó, cuối cùng để hiểu nó đầy đủ và chính xác hơn.

Dạy học tích hợp phải chăng chính là con đường nhận thức thế giới và con người theo cách vẫn làm như vậy?

Người viết tin và hi vọng những người làm Chương trình mới, người có trách nhiệm sẽ chọn được những bộ sách tích hợp tốt nhất, cách làm phù hợp và dễ hiểu nhất cho thầy trò thực hiện, và các thầy cô sẽ vận dụng hiệu quả dạy học tích hợp, góp phần vào sự nghiệp phát triển con người Việt Nam.

Tài liệu tham khảo: 

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-Giao-su-Mai-Sy-Tuan-giai-thich-4-khai-niem-tich-hop-trong-chuong-trinh-moi-post178918.gd

Nguyễn Văn Lự