Tiền ảo tiềm ẩn những cái chết bất ngờ, dễ bị tội phạm lợi dụng

02/02/2018 06:09
Lại Cường
(GDVN) - Trong khi khung pháp lý chưa rõ ràng, việc lướt sóng tiền ảo ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn và những “cái chết” bất ngờ.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Ủy ban Chứng khoán, hiện nay một số công ty trên thị trường có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác như quỹ cộng đồng (crowdfunding), nền tảng cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), công nghệ chuỗi khối (blockchain)... Đây là sản phẩm mới chưa được pháp luật điều chỉnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ủy ban Chứng khoán cũng đã khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sản phẩm mới trên để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Cảnh báo của Ủy ban chứng khoán nhà nước được đưa ra trong bối cảnh tiền ảo ( gọi đúng là tiền kỹ thuật số) đang trải qua những chuỗi ngày đen tối trên thế giới vẫn chưa chấm dứt.

Tại Việt Nam, khi sàn bicoinnect sụp đổ sau cảnh báo của chính quyền 2 bang Texas và North Carolina (Mỹ), trang hoạt động của dân chơi tiền ảo Bitconnect tại Việt Nam với hơn 50 ngàn thành viên trên Facebook, đã nhốn nháo vì có rất nhiều dân chơi đã trắng tay.

Thực tế, thị trường đầu tư tiền ảo là bao nhiêu, và dân chơi tiền ảo ở Việt Nam thực sự sở hữu được bao nhiều đơn vị tiền ảo rất khó thống kê được.

Hầu hết các dịch vụ, giao dịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều được thực hiện qua qua các dịch vụ online, các hoạt động này đang tạo thanh một một thế giới “tiền tệ ngầm” vì không được chính thức công nhận.

Chính việc đầu tư trong giới “tiền tệ ngầm” như vậy nên tiền ảo đã và đang gặp rất nhiều rủi ro và là mảnh đất màu mỡ của giới tội phạm lợi dụng.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 23/1, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4, Bộ Tư pháp đã thông tin về tiền điện tử - tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ bị tội phạm lợi dụng.

Nhiều dân chơi bicoinect ngậm đắng khi vay nợ để đầu tư BCC (Ảnh: chụp màn hình)
Nhiều dân chơi bicoinect ngậm đắng khi vay nợ để đầu tư BCC (Ảnh: chụp màn hình)

Thực tế, bitcoin chỉ là một trong rất nhiều loại hình tiền ảo đang được giao dịch tại Việt Nam. Thực tế, trên website coinmarketcap.com, thống kê có đến gần 1.500 mã tiền ảo.

Rất nhiều loại tiền ảo đó đang lần theo thị trường ngầm và tâm lý bầy đàn, thiếu hiểu biết của một số nhà đầu tư để thổi giá và hoạt động phạm pháp.

Sự bùng phát giá trị một cách “điên rồ” của bitcoin một thời đã làm không ít người lóa mắt.

Trước đó, “cơn sốt” của đồng Bitcoin đang làm bùng nổ kênh đầu tư bitconnect. Các đối tượng đầu tư vào Bitcoin đang huy động vốn để tham gia  bitconnect nhằm kiếm lời một cách nhanh chóng.

Tiền ảo tiềm ẩn những cái chết bất ngờ, dễ bị tội phạm lợi dụng ảnh 2Tiền ảo dễ bị tội phạm lợi dụng

Đi theo đằng sau bicoinnect, những mã tiền khác như Onecoin, Gemcoin… cũng tạo ra những vị thế cho riêng mình.

Tuy nhiên, sự phát triển của tiền ảo không theo những quy luật chung của thị trường mà các loại giao dịch này cực kỳ mong manh như “bong bóng xà phòng”. Chỉ cần một biến động nhỏ, thị trường sẽ bị rung lắc với biên độ cực lớn.

Mới đây, giá các đồng tiền kỹ thuật số ngày 26/1 giảmmạnh sau khi một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất ở Nhật Bản ngừng cho khách hàng rút tiền. Sự việc này khiến giới đầu tư tiền ảo Nhật hoảng loạn, viễn cảnh sập sàn tiền ảo Mt. Gox ở nước này hiển hiện trở lại sau 4 năm.

Dữ liệu trên trang Coinmarketcap.com cho thấy NEM, đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ 10 thế giới về giá trị vốn hóa, sụt giá 19% trong vòng 24 tiếng vào lúc gần 8h tối ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam. Giá Bitcoin giảm 6,4%, tuột mốc 11.000 USD, trong khi giá Ripple giảm 11%.

Trong năm ngoái, khi giá Bitcoin và các đồng tiền ảo khác tăng giá mạnh, các sàn giao dịch tiền ảo đã gặp phải một loạt sự cố trục trặc kỹ thuật và các vụ tấn công mạng (hack).

Dùng tiền ảo thanh toán có vi phạm pháp luật?

Như đã đưa, 23/1, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 4, Bộ Tư pháp đã thông tin về tiền điện tử - tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ bị tội phạm lợi dụng.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: “Dư luận quan tâm đến Bitcoin và các giao dịch liên quan như tác động của tiền ảo đến tội phạm rửa tiền, buôn lậu ma túy, an ninh tiền tệ".

Theo ông Hải, Bitcoin chưa được coi là một dạng tiền tệ, phương tiện thanh toán mà pháp luật Việt Nam chưa công nhận.

Tuy nhiên, xét về sở hữu giao dịch, đồng Bitcoin là một dạng tài sản, hiện pháp luật đang để mở.

Trước những tranh cãi về mặt pháp lý của tiền ảo (tiền kỹ thuật số), trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng:

Cần phải khẳng định lại tiền ảo không phải là tiền tệ. Nó chỉ là một đơn vị mang tính mã hóa.

Tuy nhiên, theo luật hiện hành, tiền ảo không bị cấm giao dịch mua bán, trao đổi, cho tặng… mà chỉ bị cấm thanh toán, tức là cấm coi nó như tiền.

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (ảnh: NVCC)
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (ảnh: NVCC)

Cũng không có chuyện thắt chặt pháp lý với tiền ảo từ ngày 1/1/2018, bởi tội phạm hình sự chỉ đặt ra đối với việc "phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp" trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định.

Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này chưa có nhiều để học hỏi vì tiền ảo là một sản phẩm rất mới, chỉ một số nước có sàn giao dịch thừa nhận chính thức.

Tiền ảo tiềm ẩn những cái chết bất ngờ, dễ bị tội phạm lợi dụng ảnh 4Cạm bẫy phía sau những đồng tiền ảo

Còn chủ yếu tiền ảo vẫn đang trôi nổi, không quản lý được vì không có cơ quan phát hành, không có kho tàng lưu trữ.

Kinh doanh tiền ảo không có đầu có chủ, ai nhanh tay thì được, nếu xuống giá thì mất hết giá trị, chỉ lưu dữ liệu không ai công nhận giá trị của bitcoin. 

Vì đây là một thứ hàng hóa đặc biệt nên trách nhiệm quản lý phải có sự tham gia của Bộ Công Thương.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, tiền ảo là tài sản thì được trao đổi, nhưng không thanh toán được. Ranh giới giữa trao đổi và mua bán thì rất mong manh. Ví dụ tôi dùng 1 Bitcoin để mua 1 chiếc ô tô thì không được, nhưng nếu dùng 1 Bitcoin để đổi 1 chiếc ô tô thì lại được.

Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức cần sớm có hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề tiền ảo.

Lại Cường