Tiến sĩ Lê Viết Khuyến hoàn toàn ủng hộ lắp camera khi thi quốc gia

14/02/2019 06:38
Thùy Linh
(GDVN) - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoàn toàn ủng hộ việc đặt camera ở các nơi chứa bài thi, phòng chấm thi.

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố trong đó, đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong chấm thi. 

Cụ thể, đối với chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.

Đặc biệt, phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày…

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức (bao gồm cả khâu coi thi) nhằm giảm tốn kém cho xã hội. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức (bao gồm cả khâu coi thi) nhằm giảm tốn kém cho xã hội. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trước thông tin này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoàn toàn ủng hộ việc đặt camera ở các nơi chứa bài thi, phòng chấm thi. 

Còn việc chấm thi thì ông Khuyến cho rằng, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với mục đích tiên phong là xét tốt nghiệp trung học phổ thông do đó xét về năng lực thì giáo viên phổ thông hoàn toàn có đủ năng lực để chấm.

Hơn nữa, chúng ta chấm bài thi trắc nghiệm bằng máy quét do đó nếu lý giải vì kỳ thi quốc gia năm 2018 có những tiêu cực trong quá trình chấm thi mà năm 2019 giao về cho các trường đại học thì đó không phải phương án tối ưu và ai dám chắc sẽ không xảy ra tiêu cực.

Chính vì vậy, nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học khẳng định: “Chủ trương, định hướng về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là hoàn toàn đúng đắn tuy nhiên trong quá trình triển khai còn một số bất cập do đó để hoàn thiện kỳ thi này thì cần tập trung thực hiện 2 giải pháp lớn ngay trong thời gian tới”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến hoàn toàn ủng hộ lắp camera khi thi quốc gia ảnh 2Chi tiết những thay đổi mới nhất trong kỳ thi quốc gia 2019 sắp tới

Cụ thể, ông Khuyến nêu, thứ nhất, cần phải tiếp tục hoàn thiện quy trình làm đề thi, kiện toàn ngân hàng câu hỏi.

Thứ hai, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cần tiếp tục phân cấp về cho địa phương tổ chức (bao gồm cả khâu coi thi), giảm tốn kém cho xã hội.

Việc tổ chức thi và chấm thi phải được công khai, minh bạch, kèm theo giám sát xã hội, chứ không chỉ là giám sát nội bộ như lâu nay.

Nhiều người băn khoăn khi giao kỳ thi về cho địa phương thì dễ nảy sinh tiêu cực như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 vừa qua, ông Khuyến cho rằng, khi đã phân cấp cho địa phương thì phải giao quyền và gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Do đó, trong trường hợp địa phương nào để xảy ra sai sót, tiêu cực người đứng đầu (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng.

“Tôi tin với việc gắn trách nhiệm như vậy, các địa phương sẽ huy động tất cả nguồn lực của mình để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tốt, hiệu quả” - ông Khuyến bày tỏ.

Thùy Linh