Tìm thấy thêm tác nhân gây bệnh thành tích trong giáo dục

03/05/2016 07:20
Hoa Hạ
(GDVN) - Đó chính là việc khống chế chỉ tiêu về hạnh kiểm, chỉ tiêu về chất lượng giáo dục...

LTS: Đọc bài viết “Cuối năm học, lại nói chuyện bệnh thành tích” của tác giả Nguyễn Cao đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/5, cô giáo Hoa Hạ muốn bổ sung thêm nguyên nhân khiến bệnh thành tích trong giáo dục vẫn cứ tồn tại dù đã được lên tiếng, cảnh báo, xử phạt.  

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đọc bài viết “Cuối năm học, lại nói chuyện bệnh thành tích” của tác giả Nguyễn Cao đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/5, tôi hoàn toàn đồng tình với những ý kiến của thầy Cao. 

Những chuyện này không chỉ xảy ra ở một trường, một địa phương nào đó mà đó là hiện tượng chung, phổ biến ở nhiều trường trên cả nước. 

Tuy nhiên, khi đọc bài báo không ít người đọc câu hỏi: “Vì sao thầy cô phải làm thế?” nhưng thực tế đây là hiện trạng chung ở nhiều cơ sở giáo dục hiện nay. Vì họ không hiểu được giáo viên đã bức xúc như thế nào nhưng cuối cùng vẫn phải tặc lưỡi cho qua để bản thân được yên ổn. 

Khống chế chỉ tiêu đang tiếp tay cho bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh: laodong.com.vn)
Khống chế chỉ tiêu đang tiếp tay cho bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh: laodong.com.vn)

Có thể nói, mọi căn nguyên của vấn đề đều xuất phát từ hai tiếng “chỉ tiêu”. Có giáo viên từng thẳng thắn cho rằng: “Còn chỉ tiêu thì còn bệnh thành tích”, điều này hoàn toàn không sai chút nào. 

Đầu năm, một loạt chỉ tiêu được đưa ra nào là hạnh kiểm học sinh xếp từ Trung bình trở xuống không quá 1%/lớp, điểm trung bình các môn Toán, Văn, tiếng Anh hơn 80%, những môn học như Sử, Địa, Giáo dục công dân…chỉ tiêu phải đạt trên 90%. 

Nhiều thầy cô chia sẻ: Với việc giao chỉ tiêu ngất ngưởng như thế, nếu giáo viên thẳng tay với học sinh thì giáo viên khổ, còn du di với chúng thì cắn rứt lương tâm.

Gặp lại cô bạn là giáo viên một trường trung học cơ sở, bạn tôi kể, nhà trường đưa ra chỉ tiêu hạnh kiểm học sinh trung bình trở xuống không quá 1% trên lớp mà 1 học sinh của lớp đã chiếm gần 3%.

Tìm thấy thêm tác nhân gây bệnh thành tích trong giáo dục ảnh 2

Quy luật phủ định và sự đảo chiều cần thiết

(GDVN) - Vấn đề hôm nay chúng ta cần làm là hãy trả lời câu hỏi “vấn nạn tham nhũng trong giáo dục” đang ở đâu trong “biểu đồ tham nhũng quốc gia”?

Vậy có nghĩa là trong lớp không được có học sinh nào xếp hạnh kiểm trung bình hay yếu. Trong khi, học sinh hiện nay nhiều em nghịch ngợm, đánh bạn, vô lễ với thầy cô, thường xuyên trốn tiết….

Cô bạn kể: Năm ngoái một giáo viên cùng trường xếp hạnh kiểm một học sinh trong lớp loại Trung bình, cô giáo này đã bị gọi lên giải trình nhiều lần và cũng bị khống chế vào chỉ tiêu thi đua của chính cô. Nhìn thấy gương đó nên các thầy cô còn lại không dám “thẳng tay”. 

Đó là chỉ tiêu hạnh kiểm còn chuyện điểm số, xếp loại cũng khiến thầy cô đau đầu. Môn học nào cũng đưa ra chỉ tiêu khống chế mà chỉ tiêu môn học phải đạt điểm Trung bình trở lên cao ngất ngưởng. 

Thậm chí, có môn chỉ tiêu đặt ra hơn 90% nên dù học sinh không làm được bài, không học bài thì thầy cô cũng không dám thẳng tay ghi điểm thấp vào sổ.

Nếu có ghi cũng chỉ là dọa cho các em thấy sợ mà học bài. Với những học sinh không thích học thì thầy cô phải nhún nhường tìm mọi cách để cho các em gỡ điểm lại.

Vì thế nên giáo viên bày ra nhiều cách để học sinh đạt điểm cao như xây dựng đề cương ôn tập đến gần ngày thi thì bỏ bớt một số câu không có trong đề thi, thông báo trước cho các em đề bài sẽ kiểm tra 15 phút, 1 tiết….Và cũng có giáo viên sử dụng chiêu thức “cấy” điểm cho học sinh. 

Ấy thế nên mới có chuyện, cuối năm xem sổ liên lạc có học sinh ngỡ ngàng thắc mắc rằng: “Sao mình lại có điểm này…?”. 

Rút cuộc, vì sao thầy cô lại phải làm thế? Nếu không làm thế thì sẽ bao thứ đổ lên đầu nào là chưa hoàn thành chất lượng giảng dạy môn học, chưa thực sự quan tâm đến học sinh, chưa đổi mới phương pháp dạy học…Và chắc chắn với những quy kết này, việc xếp loại thi đua của giáo viên cuối năm sẽ bị ảnh hưởng theo. 

Giáo dục cứ luôn hô hào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng với việc khống chế chỉ tiêu về hạnh kiểm, chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đang tiếp tay cho bệnh thành tích tồn tại. 

Giáo viên dù bất bình cũng không ai dám phản ứng và câu nói bao đời nay của cha ông ta: “Đấu tranh thì tránh đâu” vẫn còn nguyên giá trị.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Hoa Hạ