Trăm nghề, nghĩ kỹ chọn lấy một

02/08/2016 06:09
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Dũng cảm chọn lấy một nghề để theo đuổi, sống chết với nó là quyết định rất khó khăn với nhiều bạn trẻ nhưng có khi đó lại là quyết định đúng đắn nhất!

LTS: Chọn rẽ hướng học nghề đôi khi lại là quyết định sáng suốt trong xu hướng nguồn nhân lực đang “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

Tòa soạn đã nhận được bài viết của thầy Nguyễn Văn Lự - một thầy giáo dạy học ở Vĩnh Phúc chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Với 32% thí sinh chỉ đăng kí xét tốt nghiệp trong kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2016 vừa qua đã cho thấy đã có một phần không nhỏ phụ huynh, học sinh xóa bỏ được tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”.

Dũng cảm tách mình khỏi dòng chảy ồ ạt về các trường Đại học để chọn lấy một nghề kiếm sống có thể là quyết định đúng đắn khi cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vẫn không dừng ở con số 225.000 người

Học nghề không lúc nào thừa?

Cha ông từng khẳng định: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” (Giỏi một nghề thì tấm thân được sung sướng) hay “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, khi đồng lương biên chế Nhà nước không đủ sống, làm thêm nghề khác là điều không tránh khỏi, thậm chí, “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Nhiều sinh viên Đại học bỏ dở chương trình quay sang học nghề; nhiều cử nhân, thạc sĩ cất bằng xịn chính quy để học nghề và đi làm, nhiều người đã gặt hái thành công, có việc và thu nhập tốt song sự tỉnh ngộ muộn màng này cũng đã làm lãng phí biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc của chính các em.

Chọn đúng nghề ngay từ đầu để tránh lãng phí lớn (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).
Chọn đúng nghề ngay từ đầu để tránh lãng phí lớn (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).

Trong khi các nhà tuyển dụng giăng đầy rẫy những tấm biển “cần tuyển thợ” thì hàng năm lại chỉ thấy các cử nhân, thạc sĩ ra trường; nhìn rộng ra đất nước mấy năm luôn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trầm trọng.

Chuyện tư duy học hành trong Nam, ngoài Bắc có lẽ cũng bộc lộ nét khác biệt ngay trong câu thăm hỏi.

Ở Bắc, mỗi khi có khách thường có câu thăm hỏi “nhà bác có mấy cháu học Đại học?” trong khi với lối sống đô thị ở miền Nam, câu hỏi này có lẽ thường là: “các con làm ăn thế nào?”.

Chuyện chạy trường, chạy lớp ngoài Bắc có khi vì thế cũng “rầm rộ” hơn trong khi ở miền Nam người ta dám bỏ biên chế Nhà nước với nếp nghĩ dựa vào thực lực để hưởng thành quả!

Trăm nghề, nghĩ kỹ chọn lấy một  ảnh 2

Chọn ngành học dựa trên đam mê hay tiền bạc?

(GDVN) - Việc chọn trường và ngành học với nhiều thí sinh vẫn là một lựa chọn khó, vậy, các em nên căn cứ vào điều gì để có cho mình một lựa chọn phù hợp?

Học nghề hệ ở Đại học hay Cao đẳng, hệ trung - sơ cấp thì đích cuối cùng cũng vẫn là kiếm sống.

Khi bằng cử nhân, thạc sĩ xếp xó, nhiều thanh niên vẫn e ngại, thấy xấu hổ khi theo học nghề. 

Mặt khác, nhiều em vì trật Đại học đã có hướng rẽ mới. “Trong cái họa có cái phúc”, kết quả các em chọn học những nghề rất bình dị như: làm hoa, trang điểm, làm tóc, làm ảnh, làm sự kiện; thợ cơ khí, thợ xây, thợ mộc, thợ điện, nước, kỹ thuật trong công ty, thợ may… nhưng lại gặt hái được những thành công vượt trội.

Học nghề và cơ hội kiếm sống

Với điểm sàn 15 cho 420.354 chỉ tiêu năm 2016, sẽ còn 467.042 thí sinh không có cơ hội Đại học (trong đó có 286.129 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, gần 200.000 thí sinh thi Đại học dưới 15 điểm), các học sinh sẽ đi đâu về đâu nếu không chọn học nghề? [1]

Nhà nước và địa phương với nhiều chính sách ưu tiên và đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, chế độ miễn giảm và hỗ trợ học phí, khuyến khích đi làm ở nước ngoài, chế độ học liên thông… đã mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên học nghề.

Thị trường lao động tự do đang cần rất nhiều thợ, nhất là thợ vững tay nghề, cơ hội có việc làm trong nước với thu nhập vài triệu/tháng sẽ giúp nhiều thanh niên sống tốt. 

Hợp tác quốc tế, thị trường việc làm tiềm năng càng mở rộng, giúp bạn đổi đời sau vài năm, dường như chỉ còn chờ quyết định cuối cùng của các bạn trẻ.

Có hai hình thức học nghề:

Thứ nhất, học nghề trong trường Trung cấp, Cao đẳng. Các bạn hãy chọn nơi nào có đội ngũ chuyên môn tốt, cơ sở xưởng hiện đại, chế độ ưu tiên và đầu ra thuận lợi; đừng hão huyền học liên thông lấy bằng cấp mà hãy học để đi làm, thạo việc để giỏi nghề. 

Thứ hai, học truyền nghề thực tế qua các thầy, thợ giỏi; các bạn hãy tìm đến các trung tâm dạy nghề nhỏ hoặc cơ sở tư nhân để học cách làm được những sản phẩm một cách hiệu quả nhất! 

Trăm nghề, nghĩ kỹ chọn lấy một  ảnh 3

Học nghề phổ thông chệch mục tiêu, gánh nặng tốn kém cho học sinh

(GDVN) - Năm 2015, thi tốt nghiệp THPT đổi mới, sức nặng điểm nghề không còn như trước, việc học nghề phổ thông thật sự trở thành gánh nặng tốn kém cho học sinh.

Vừa học, vừa làm sẽ giúp các bạn trẻ mau thành công hơn mà đôi khi trong các trường Đại học chỉ dạy cho các bạn toàn lý thuyết suông, yếu về thực hành.

Dũng cảm và tỉnh táo chọn lấy một nghề để theo đuổi, để sống chết với nó suốt đời là quyết định rất khó khăn với nhiều bạn trẻ. 

Chỉ cần bạn ham thích, thêm chút quyết tâm và hưng phấn, các bạn can đảm học tập bền bỉ và sẽ thành công. 

Học nghề rất khác học kiến thức văn hóa, hãy loại bỏ tư duy học ở trường phổ thông với các môn Toán, Lý, Văn, Sử.

Không học tốt những môn học này các bạn vẫn có khả năng học tốt và làm ra các sản phẩm chất lượng trong các trường nghề.

Đôi mắt và bàn tay khéo léo kết hợp cùng với trí tuệ sẽ giúp bạn vượt lên mặc cảm về chính mình để thành công.

Nghề nào, dù “hot” hay bình thường cũng có thể kiếm sống nhưng để cả đời sống với nghề lại đòi hỏi các bạn phải nỗ lực, hăng say theo đuổi đến cùng.

Chọn nghề nào không quan trọng bằng thái độ và tình yêu của bạn dành cho nó! Không ít cử nhân đã bỏ thị thành để làm nghề nông và thành công [2].

Hãy học thật sự bằng nhiệt huyết tuổi 20, chiếm lĩnh kỹ thuật, kỹ năng, kinh nghiệm và đam mê. Càng yêu đời bao nhiêu lại càng yêu nghề bấy nhiêu, càng yêu nghề, giỏi nghề càng kiếm bộn tiền, càng no đủ hạnh phúc!

Chúc các bạn trẻ dũng cảm chọn được nghề yêu thích để lập nghiệp và thành công! 

Tài liệu tham khảo:

 [1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nam-nay-gan-200000-thi-sinh-khong-co-co-hoi-vao-dai-hoc-post16978

[2] http://tintuc.vn/giao-duc/cu-nhan-bo-ban-giay-ve-lam-nong-nhan-nha-bo-tui-500-trieunam-8160

Nguyễn Văn Lự