Triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” năm 2018

13/09/2018 06:56
An Nguyên
(GDVN) - Triển lãm có 38 bài báo viết về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 được các phóng viên từ hiện trường ghi nhận, gửi về.

Ngày 12/9 Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tổ chức triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” năm 2018 thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, bộ đội và người dân tham dự.

Rất đông học sinh tham dự triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa”. Ảnh: AN
Rất đông học sinh tham dự triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa”. Ảnh: AN

Mục đích của triển lãm là nhằm tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Cũng như ghi nhận đóng góp của các nhà báo, phóng viên đã tích cực đấu tranh vì chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và các vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” năm 2018 giới thiệu đến công chúng và du khách 284 bài báo, tư liệu.

Nhà trưng bày Hoàng Sa nơi ghi dấu cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Trong đó có 136 bài báo trong bộ sư tập tư liệu báo chí về Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

38 bài báo viết về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, 110 bài báo viết về Hoàng Sa của các cơ quan báo chí tại Đà Nẵng và 12 hình ảnh phóng viên tác nghiệp trên biển đảo quê hương được trưng bày tại triển lãm.

Ông Võ Ngọc Đồng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa cho biết, chủ quyền biển, đảo là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.

Biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình dựng nước và giữ nước. Ông cha ta đã đổ bao mồ hôi và xương máu để xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với những vùng biển, đảo của đất nước.

"Đây là những tác phẩm báo chí tiêu biểu trong hàng triệu bài báo viết về biển đảo trong hơn 30 năm qua.

Trong đó, nhiều bài báo được lấy từ bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” do 2 vợ chồng ông Trần Thanh Phương và bà Phan Thu Hương người gốc Quảng Nam – Đà Nẵng.

Họ hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã sưu tập các tờ báo về Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm 1979 đến tháng 10 năm 2011.

Các bài báo phản ánh sinh động kịp thời những ngày tháng đấu tranh kiên cường trên thực địa để đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981…

Qua đó, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của báo chí với công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc;

Một nén hương lòng gửi tới Hoàng Sa

Thấy được tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm cao cả của các phóng viên báo chí, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền”, ông Đồng nói.

Triển lãm lần này cũng nhằm thông tin cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của dân tộc ta đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Động viên thế hệ trẻ cùng với nhân dân cả nước chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thể hiện trách nhiệm của hậu phương đối với tiền tuyến.

Đồng thời, ghi nhận sự đóng góp của các nhà báo, phóng viên đã tích cực đấu tranh vì chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và các vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

An Nguyên