Trong tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn

18/03/2019 06:58
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng thì trong tương lai, tỉ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn tỉ lệ hiện nay là 81%.

Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2019 tổ chức tại Đại học Bách Khoa, Hà Nội ngày 17/3, nhiều thí sinh bày tỏ sự quan tâm đến ngành sư phạm. 

Nỗi bật trong số đó là câu hỏi  của một thí sinh đến từ Bắc Giang. Bạn này hỏi rằng: "Ngành giáo dục ngày càng có nhiều bê bối, liệu rằng ngành giáo dục có tiến triển tốt hơn trong tương lai?

Với những sinh viên đam mê ngành sư phạm liệu có tin tưởng được đến năm 2020 tỉ lệ sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ giảm thiểu?".

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Câu hỏi thể hiện em quan tâm đến các vấn đề xã hội và thể hiện trách nhiệm công dân của mình”.

Tuy nhiên, theo bà Phụng, nếu tự đánh giá về giáo dục trong nước có thể bị cho là chủ quan, nhưng nhiều đánh giá quốc tế rất khách quan đã cho thấy giáo dục Việt Nam có nhiều thành tích đáng khích lệ.

Trong tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn ảnh 2Học giỏi thì tội gì đi sư phạm hả cô?

Theo đó, trong năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong hai quốc gia có nền giáo dục đổi mới, năng động nhất châu Á (cùng với Trung Quốc).

Ngoài ra, Việt Nam đã có 2 đại học vào top 1.000 đại học hàng đầu thế giới, 7 đại học lọt top 500 đại học châu Á.

Bà Phụng nhấn mạnh: "Không thể nói mọi thứ của giáo dục Việt Nam đều tốt, nhưng cũng không thể nói giáo dục Việt Nam ngày càng bê bối được".

Về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, thống kê từ các trường đại học cho tỉ lệ trung bình khoảng 86 - 87%, riêng với ngành sư phạm tỉ lệ này khoảng 81%.

Dựa trên bản tin thị trường lao động hằng quý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thì số lượng người có trình độ đại học thất nghiệp ở khoảng 138.000 đến 230.000.

Như vậy, so với hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thì tỉ lệ người tốt nghiệp đại học có việc làm dao động ở mức 95-97%.

Riêng ngành sư phạm, từ năm 2018 đến các năm tiếp theo, việc giao chỉ tiêu còn dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương.

Như vậy trong tương lai, tỉ lệ sinh viên ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường sẽ cao hơn tỉ lệ được các trường đang thống kê hiện nay (81%).

Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Bộ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau:

Đối với trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Trong tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn ảnh 3Học lực lớp 12 đạt giỏi thì mới được tham gia xét tuyển vào đại học sư phạm

Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên;

Ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao xét tuyển các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.

Đối với trình độ trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp Bộ Giáo dục quy định: Xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm Thể dục thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.

Cũng liên quan đến xét tuyển sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đối với các ngành đào tạo giáo viên, nếu sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi trung học phổ thông quốc gia và kết quả học tập trung học phổ thông hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi trung học phổ thông quốc gia và/hoặc kết quả học tập trung học phổ thông thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi trung học phổ thông quốc gia, điểm kết quả học tập trung học phổ thông quốc gia phải tương đương với các ngưỡng theo quy định.

Cụ thể, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi trung học phổ thông quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông trình độ đại học: Đối với các ngành đào tạo giáo viên là 8,0 trở lên.

Trinh Phúc