Trung tâm gia sư bắt tay với giáo viên lùa học sinh đến lớp học thêm

28/11/2017 06:48
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Trung tâm gia sư không chỉ dạy tất cả các môn chính mà họ còn "dò bài" trước thi / kiểm tra cho tất cả các môn được xem là môn phụ.

Khi các địa phương siết chặt tình trạng dạy thêm, học thêm ở nhà thầy cô thì các trung tâm gia sư ở các thành phố mọc lên nhiều như nấm sau mưa.

Bởi vì nhiều trung tâm nên họ có một chính sách đặc biệt để giữ chân học sinh cho trung tâm mình: các trung tâm gia sư biết cách để học sinh luôn có được những kết quả học tập tốt ở trường.

Đặc biệt, nhiều trung tâm đã liên kết với các giáo viên ở các trường lân cận tạo nên nhiều chiêu trò khác nhau để qua mặt các cơ quan chức năng để tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận cho mình.

Phải nói rằng áp lực học tập của học sinh hiện nay không hề nhỏ, nhất là đối với các em cuối cấp ở các thành phố.

Nhiều bậc phụ huynh luôn muốn con mình phải vào được những trường lớn để hướng tới tương lai sau này. Vì thế, đa số các em học sinh được cha mẹ gửi đi học thêm.

Có phụ huynh gửi con em mình cho các thầy cô đang giảng dạy ở trên lớp nhưng cũng có rất nhiều phụ huynh muốn con em mình học ở các trung tâm gia sư.

Bởi ở các trung tâm gia sư không chỉ dạy tất cả các môn chính mà họ còn "dò bài" trước thi / kiểm tra cho tất cả các môn được xem là môn phụ. Vì thế, khi các em học sinh đến lớp thì gần như đều được điểm tương đối cao.

Các trung tâm gia sư hiện nay được đăng ký với các cơ quan chức năng về mặt pháp lí nhưng về chuyên môn thì gần như đang bị thả trôi, không có cơ quan nào quản lí.

Hình minh họa, nguồn: Báo Điện tử VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: Báo Điện tử VTV.vn.

Vì áp lực về điểm số trên lớp của học sinh nên các trung tâm gia sư họ đều tổ chức dạy trước chương trình học ở nhà trường. Học sinh đến lớp “học lại” nên về cơ bản các em  đã nắm được nội dung kiến thức của bài học.

Và dĩ nhiên khi kiểm tra và thi cử các em luôn có những điểm số tương đối cao.

Các bài kiểm tra thì với cách dạy chạy theo thành tích hiện nay nên phần lớn giáo viên dạy trên lớp thường "giới hạn" nội dung bài kiểm tra trước.

Phần giới hạn này được các em học sinh đem đến để giáo viên dạy ở trung tâm giải bài trước cho học trò và cho các em học thuộc. Đến lớp chỉ chép lại vào các bài kiểm tra.

Những môn học thuộc bài thì các trung tâm luôn có một đội ngũ sinh viên trả bài cho các em trước.

Trung tâm xem thời khóa biểu của học sinh ở lớp ngày mai môn gì là ngày hôm nay cho học thuộc hết các bài vở để ngày mai đến lớp nếu bị gọi trả bài là các em đều thuộc hết.

Với cách dạy và học như vậy nên một bộ phận học sinh luôn nhận được điểm cao nhưng khả năng tư duy và phân tích các dạng bài tập, các tình huống thực tiễn rất thấp.

Nhiều em học sinh cấp 2-3 mà vẫn quen học vẹt như học sinh tiểu học. Thầy cô trên lớp cho ghi cái gì thì học thuộc cái đó.

Học thuộc hết nhưng hỏi lại bài thì phần lớn các em không nắm được nội dung cơ bản của bài. Vài ngày sau hỏi lại thì gần như đã quên hết.

Nhiều em học sinh ngày nay có lịch học gần như kín mít cả ngày. Sáng học chính khóa ở trường, chiều về trung tâm học 2 ca, tối học 1 ca và trả bài cho ngày mai.

Trung tâm gia sư bắt tay với giáo viên lùa học sinh đến lớp học thêm ảnh 2

Cô giáo có 33 năm kinh nghiệm khuyên học sinh tiểu học không cần học thêm

Vì thế, nhiều em ra khỏi nhà từ sáng sớm rồi buổi trưa ăn vội suất cơm hộp ven đường rồi lại đến trung tâm. Cần ăn vặt, bánh trái, nước nôi thì các trung tâm đều phục vụ tận tình, chu đáo.

Vậy nên, nhiều bậc phụ huynh mà buôn bán hay bận công việc làm ăn, họ thường gửi đến trung tâm gia sư để vừa đỡ phải đưa đón con em mình đi học thêm ở nhiều nơi, mà chuyện ăn uống cũng đỡ phải lo lắng vì trung tâm gia sư đã phục vụ cơ bản nhu cầu cho con em mình.

Ngoài bất cập về chất lượng học tập thì các trung tâm gia sư cũng có rất nhiều chiêu trò để kết hợp với giáo viên các trường lân cận để cùng làm ăn với nhau.

Có một thực tế là nhiều thầy cô giáo dạy ở các trường lớn có nhiều học sinh học thêm nhưng họ vẫn liên kết với trung tâm gia sư để dạy.

Phải chăng, các giáo viên này dạy ở các trung tâm gia sư để kiếm thêm thu nhập hay vì một nguyên nhân nào khác?

Thực tế, các địa phương hiện nay quản lí tương đối nghiêm ngặt việc dạy thêm, học thêm. Giáo viên muốn dạy thêm phải đăng kí với Phòng, Sở giáo dục và xin phép nhà trường.

Một công việc rất nhiêu khê và qua nhiều công đoạn mà không phải ai cũng dễ dàng xin được các giấy phép để dạy thêm. Nếu không có giấy phép thì bị kỉ luật, bị các cơ quan chức năng đình chỉ việc dạy thêm.

Vì thế, họ có một sự cấu kết ngầm với các trung tâm gia sư để hai bên cùng hợp tác và cùng hưởng lợi.

Các trung tâm gia sư thường đều đã đăng kí với cơ quan chức năng và có giấy phép hoạt động đàng hoàng, nhưng họ luôn cần giáo viên có tiếng tăm ở các trường lớn để quảng cáo khi có phụ huynh đến đăng kí học thêm cho con em mình. 

Câu hỏi cửa miệng của các phụ huynh là thầy / cô trường nào dạy ở trung tâm này?

Nhiều bậc phụ huynh vẫn chuộng giáo viên các trường lớn cho dù năng lực không thể kiểm chứng được giáo viên trường nào tốt hơn, nhưng họ vẫn chọn hình thức làm niềm tin ban đầu để gửi gắm con mình vào học.

Vì thế, trung tâm gia sư nào họ cũng cần mỗi môn có ít nhất một giáo viên trường lớn để tạo niềm tin cho phụ huynh.

Khi phụ huynh đã đăng kí vào học và đóng tiền rồi thì coi như mọi chuyện đã an bài và ai dạy lúc này không quan trọng nữa.

Bởi thực chất các giáo viên dạy ở các trung tâm thì phần lớn là giáo viên ở các trường nhỏ, trường huyện nhưng trình độ chuyên môn của họ cũng tương đối cơ bản.

Trung tâm gia sư bắt tay với giáo viên lùa học sinh đến lớp học thêm ảnh 3

Con sợ học thêm trên trường lắm rồi!

Chỉ có điều họ công tác ở các trưởng nhỏ thì uy tín chưa đủ tạo sự yên tâm cho phụ huynh mà thôi.

Đối với các giáo viên trường lớn như đã nói ở trên họ có rất nhiều học sinh đến học với mình. Họ dạy kín cả lịch, nhiều giáo viên dạy cả buổi tối mới hết lịch.

Tuy nhiên, vì thủ tục hành chính là phải có giấy phép dạy thêm thì mới được dạy nên họ cũng đăng kí dạy ở các trung tâm để lấy cái “giấy thông hành”.

Nếu trong quá trình họ dạy ở nhà mà có các đoàn kiểm tra đến bất thình lình thì họ có cái cớ là hôm nay ở trung tâm đang sửa chữa hoặc một lí do nào đó nên trung tâm mượn địa điểm nhà mình để dạy.

Chẳng lẽ cán bộ thanh tra hay các cơ quan chức năng lại chạy lại trung tâm kiểm tra, bởi nhiều khi trung tâm ở các phường khác thì lại thuộc quyền kiểm tra của địa bàn khác.

Hoặc nếu là lãnh đạo ngành giáo dục kiểm tra thì họ cũng âm thầm điện báo cho các chủ trung tâm.

Nếu có động là hai bên họ đã âm thầm dàn xếp và dù cán bộ kiểm tra có đến trung tâm gia sư kiểm tra chứng cớ xác thực thì mọi chuyện cũng đã được thu xếp gọn gàng và họ sẵn sàng bảo vệ cho nhau.

Nhiều trung tâm gia sư còn cho giáo viên bên ngoài thuê phòng để dạy. Giáo viên bên ngoài dạy bao nhiêu học sinh, bao nhiêu ca tùy ý.

Miễn là họ thỏa thuận mỗi ca học giáo viên phải trả lại cho trung tâm bao nhiêu phần % tiền phòng. Còn lại, các thủ tục khác trung tâm gia sư bao hết.

Nếu bất thình lình có thanh kiểm tra thì giáo viên đó nói là người của trung tâm là mọi việc ổn thỏa hết. 

Rõ ràng, việc quản lí dạy và học thêm hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do rất nhiều trung tâm gia sư được mở ra cùng với sự tự phát của giáo viên ngay tại nhà.

Trong khi lực lượng cán bộ thanh tra giáo dục còn mỏng và phần lớn các trung tâm gia sư họ cũng đều có một mối quan hệ “đặc biệt” với nhiều lãnh đạo.

Nhiều khi có lịch kiểm tra là các trung tâm gia sư hoặc các lớp mở tại nhà giáo viên “bỗng dưng” ngừng hoạt động ngày hôm đó.

Khi đoàn kiểm tra đến nơi thì chỉ “vườn không, nhà trống” hoặc gặp chủ cơ sở hoặc một nhân viên ngồi trực.

Không gặp giáo viên dạy lớp, không gặp học sinh học thêm thì khó có cơ sở để tìm ra những sai sót trong việc giảng dạy trong việc dạy thêm và học thêm.

Chuyện các giáo viên các trường lớn liên kết với các trung tâm gia sư dạy 1 lớp, thậm chí là không dạy lớp nào hoặc họ kéo học sinh đến các trung tâm gia sư để dạy nhằm qua mặt các cơ quan chức năng đang tồn tại khá phổ biến hiện nay.

Rõ ràng đây thực sự là một “mánh khóe” để đối phó với cơ quan chức năng nhưng rất khó bị phát hiện.

Nguyễn Nguyên