Tự sinh con ở nhà là rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé

15/03/2018 17:21
Hưng Long
(GDVN) - Bộ Y tế khẳng định, “sinh con thuận tự nhiên” ở nhà là không nên với nhiều nguyên nhân.

“Sinh con thuận tự nhiên” bị hiểu theo hướng lệch lạc

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ phân tích, đối với phụ nữ, cuộc sinh nở theo tự nhiên rất tốt.

Bộ Y tế khuyến khích “sinh con thuận tự nhiên”, nhưng ở đây, “sinh con thuận tự nhiên” không phải là cứ để mặc cho người sản phụ sinh một cách không có kiểm soát.

Ngay từ khi mang thai, thai phụ buộc phải đi đến bệnh viện để được các cơ sở y tế chăm sóc về mẹ và thai nhi. Người mẹ có thể có những bệnh lý đi kèm trong lúc mang thai.

Sinh con theo phương pháp "da kề da". (Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ)
Sinh con theo phương pháp "da kề da". (Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ)

Khi mang thai thì thai nhi cũng có thể làm cho thai phụ có những tình trạng nặng lên do bệnh lý có sẵn hoặc do quá trình mang thai gây ra.

Việc chăm sóc người mẹ giúp cho thai phụ chuẩn bị trước cho cuộc sinh nở. Các y bác sĩ sẽ khuyến cáo được cho sản phụ biết được nên sinh mổ hay chuyển dạ tự nhiên xảy ra.

Bác sĩ Nhi nhận định, khác với trào lưu hiện tại, trên mạng xã hội cho rằng “sinh thuận tự nhiên” là chờ cho cuộc sinh xảy ra.

Cuộc sinh này tự động diễn tiến cho đứa bé chào đời, có thể là tại nhà và sau đó, bánh nhau cũng ra luôn.

Theo những báo cáo của y văn thế giới, Bộ Y tế cũng tìm được một số thông tin trên diễn đàn y học có một trang web rất lớn nói về vấn đề này.

Giới y học đã có những cảnh báo về trào lưu này.

Các thông tin xuất phát từ những quốc gia tân tiến. Lần đầu tiên vào năm 1974, tại Mỹ và Úc, đã có phong trào khởi xướng là “sinh con thuận tự nhiên” với mục đích để cho cuộc sinh gắn bó tình cảm mẹ con.

Người ta cảm thấy, cuộc có thai là tự nhiên, sinh con cũng là tự nhiên và việc chào đời của cháu bé cũng rất tự nhiên.

Đến năm 2008, phong trào tại Anh một lần nữa cũng được khởi xướng trở lại và làm cho giới y học của Anh rất ngỡ ngàng.

Họ đã có những cảnh báo về việc “sinh con thuận tự nhiên” theo ý nghĩa sinh ở nhà.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, Bộ Y tế cũng đã nghe thông tin này không chính thống và cũng thi thoảng nghe.

Nhiều tuần qua, ca “sinh con thuận tự nhiên” tại nhà diễn ra nhẹ nhàng và không bất trắc thì ngày càng được sự cổ vũ nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Tự sinh con ở nhà là rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé ảnh 2Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức sinh, ngăn chặn nguy cơ "chưa giàu đã già"

Ngày 14/3, nhiều thông tin xuất hiện trên báo chí về tình huống tử vong tại phường Thảo Điền (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh).

Bộ Y tế vẫn đang chờ có xác minh từ các cơ quan chức năng “thực – hư” của thông tin này.

Phong trào “sinh con thuận tự nhiên” cũng từng được khuyến cáo trên thế giới là không nên.

Ở khu vực phía Bắc và phía Nam cũng đã xuất hiện tình trạng này.

Bác sĩ Nhi xác định, nhiều người đã cổ súy và đả kích mỗi khi có ý kiến y khoa phản bác lại việc “sinh con thuận tự nhiên”.

Việc “sinh con thuận tự nhiên” phải được hiểu theo hướng người phụ nữ chuyển dạ tự nhiên và sinh con theo ngả âm đạo.

Cuộc sinh diễn ra không được thì bắt buộc phải có những can thiệp y khoa bằng cách mổ lấy thai nhi…

Những biến chứng khó lường trong sinh nở

Bác sĩ Nhi nhận định, cuộc sinh bao giờ cũng có rất nhiều tai ương. Thai phụ sinh không được có thể dẫn đến vỡ tử cung và làm suy thai khiến thai nhi chết. Mẹ vỡ tử cung có thể dẫn đến băng huyết sau khi sinh.

Người mẹ nếu sinh được thì có thể dẫn tới tình trạng băng huyết sau khi sinh. Nếu không có những xử lý kịp thời thì người mẹ có thể chết do băng huyết sau khi sinh.

Sinh con theo phương pháp tự nhiên bằng cửa âm đạo. (Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ).
Sinh con theo phương pháp tự nhiên bằng cửa âm đạo. (Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ).

Đối với người mẹ lần đầu tiên sinh con, không có sự hỗ trợ của y tế mà sinh theo ngả âm đạo thì có thể gây ra chấn thương rất dữ dội ở vùng tầng sinh môn.

Về mặt y khoa thường hay gọi là rách tầng sinh môn, có nghĩa rách luôn trực tràng, rách bọng đái dẫn tới băng huyết và nhiễm trùng nặng.

Bác sĩ Nhi cảnh báo, cuộc sống của người phụ nữ sau này bị tổn thương bởi biến chứng của trực tràng hoặc đường tiết niệu.

Có nhiều tiên liệu không thể đoán trước nếu để người phụ nữ sinh một mình.

Bộ Y tế không khuyến cáo trào lưu sinh con ở nhà tiếp tục được thực hiện mà nên đến bệnh viện để quá trình diễn biến tự nhiên xảy ra.

Khi cần can thiệp, các y bác sĩ sẽ dùng biện pháp để tránh các biến chứng nhiễm trùng, băng huyết và dẫn đến nguy cơ tử vong.

Tại Hưng Yên, một sản phụ sinh con ra còn nguyên bánh nhau và giữ dây rốn nối đến đứa bé. Đây là điều hết sức nguy hiểm.

Bộ Y tế khuyến khích các bệnh viện thực hiện phương pháp “da kề da” ngay sau sinh với các sản phụ. Tức là, sau khi sinh người mẹ để ngực trần và không cắt rốn vội.

Đứa bé sẽ được đặt lên ngực trần của mẹ để tự tìm vú, quen với hơi ấm, quen với chuẩn vi trùng thường trú có lợi trên da người mẹ để bé bú những giọt sữa non đầu tiên.

Các bác sĩ sẽ cắt rốn chậm khoảng từ 1 – 3 phút sau khi xổ thai.

Việc cắt rốn chậm giúp đứa bé có thêm lượng sắt trong cơ thể, một số yếu tố quan trọng có liên quan đến các tế bào gốc cũng như hồng cầu.

Việc sinh “da kề da” là gần như tự nhiên và có kiểm soát.

Trong trường hợp bà mẹ ở Hưng Yên, nếu cứ để bánh nhau từ ngày này qua ngày khác vẫn còn nối với rốn của đứa bé thì nguy cơ nhiểm trùng rất cao.

Bác sĩ Nhi chia sẻ, càng để cho bánh nhau tự phân hủy, để cho dây rốn teo rồi rụng thì quá trình nhiễm trùng có thể xảy ra và quá trình nhiễm trùng ngược cho đứa bé. 

Tự sinh con ở nhà là rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé ảnh 4Bộ Y tế cảnh báo tự sinh con ở nhà, quá nguy hiểm 

Chắc chắn rằng đứa bé sẽ rơi vào tình huống nhiễm trùng sơ sinh rất nặng.

Quá trình cắt rốn từ 1 – 3 phút sau khi sinh là có lợi cho đứa bé.

Nhiều thai phụ hiểu sai ý nghĩa này nên để nguyên bánh nhau dài ngày làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng hậu sản và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài vấn đề “sinh con thuận tự nhiên” ở nhà thì các bà mẹ tự động sinh nở không có một tổ chức y tế tham gia.

Một vài quốc gia trên thế giới, việc “sinh con thuận tự nhiên” có thể thực hiện được nhưng có sự giám sát của hệ thống y tế.

Bác sĩ Nhi đưa ra ví dụ, các quốc gia này có hệ thống y tế bác sĩ gia đình hỗ trợ sản phụ.

Khi sản phụ chuyển dạ, có ê-kíp lưu động trợ giúp cho các bà mẹ chuyển dạ và khi cần can thiệp y khoa thì chuyển bà mẹ đến bệnh viện ngay lập tức.

Những trường hợp này rất ít và rất hạn hữu chứ không phải trào lưu như mạng xã hội đồn thổi.     

Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thuộc Bộ Y tế đánh giá, những nhà chuyên môn khẳng định việc sinh con ở nhà là hành vi hết sức nguy hiểm.

Ý kiến chính thức của Bộ Y tế khuyến cáo tất cả các bà mẹ khi mang thai cần phải đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ tối thiểu ít nhất là 4 lần.

Các bà mẹ đến cơ sở y tế sẽ được các bác sĩ có chuyên môn hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng. Khi sinh nở, cần phải ở các cơ sở y tế để chăm sóc.

Ông Vinh nhận xét, các cụ có nói “gái chửa cửa mả” là hết sức tự nhiên. Mặc dù tự nhiên nhưng tai biến luôn rình rập và xảy ra bất kỳ lúc nào.

Gần đây, có trường hợp “tắc mạch ối” nên ngay cả các bệnh viện đầu ngành không có thể khẳng định cấp cứu kịp thời các tai biến trong chuyên khoa.

“Bộ Y tế đã có ý kiến với các cơ quan truyền thông để hướng dẫn các bà mẹ đến các cơ sở y tế. Cơ quan y tế đầu ngành luôn hy vọng cuộc chuyển dạ mang đến cho sản phụ “mẹ tròn con vuông”, sự an toàn cho các bà mẹ cũng như cháu bé”, ông Vinh nói.

Hưng Long