Tư tưởng khai sáng của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945

01/09/2018 06:09
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Bản Tuyên ngôn độc lập Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã trở thành một áng thư bất hủ khai sáng cho dân tộc.

Với trí tuệ minh triết, mỗi bài nói, bài viết của Bác Hồ luôn đi vào lòng người sâu sắc. Trong đó bản Tuyên ngôn độc lập Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã trở thành một áng thư bất hủ khai sáng cho dân tộc.

Sự bất hủ của bản Tuyên ngôn không chỉ là văn phong, ngôn từ mà điều cốt yếu là quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân.

Sự uyên bác của Người còn thể hiện ở sự tiếp thu sáng tạo tư tưởng tiến bộ của nhân loại vận dụng vào Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Đó là việc Người đã khéo léo trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 - Bản tuyên ngôn ghi dấu ảnh hưởng của triết học khai sáng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Và Người cũng đã trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 - Quốc gia đầu tiên xoá bỏ chế độ quân chủ, xây dựng chế độ cộng hoà.

Pháp cũng là trung tâm của các phong trào trí thức thế kỷ XVIII, đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học thời bấy giờ.

Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng về quyền con người, quyền tự do bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc và vai trò, quyền lực của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước của hai bản tuyên ngôn trên đây.

Với bối cảnh rối ren, khó khăn trong nước và quốc tế sau năm 1945, nhất là sự chi phối của những hệ tư tưởng đối kháng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định và khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc; quyền con người, quyền tự do bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân Việt Nam trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Đó là sự thể hiện tầm nhìn, khát vọng và ý chí quyết tâm của một con người có tư tưởng khai sáng, đưa quốc gia đến với những giá trị tốt đẹp văn minh của nhân loại.

Tư tưởng khai sáng của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 ảnh 2

Quyền công dân, quyền con người dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Với giá trị nhân bản, tư tưởng khai sáng của Tuyên ngôn độc lập được hiến định vào Hiến pháp năm 1946, Lời nói đầu của Bản Hiến pháp khẳng định:

Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Quốc hội nhận thấy rằng Hiến pháp Việt Nam phải ghi lấy những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây:

- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.”

Điều 1, Hiến pháp năm 1946 quy định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”

Về vai trò của nhân dân trong lập hiến (công việc hệ trọng nhất của quốc gia), Điều thứ 21 quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia …”;

Điểm c, Điều 70 quy định: “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá, Hiến pháp 1946 phản ánh đúng tinh thần pháp quyền - "những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ".

Tư tưởng khai sáng của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 ảnh 3

Bảo vệ độc lập dân tộc - gốc rễ là bảo vệ bản sắc văn hóa

Điều đó thể hiện ở 5 điểm:

1. Hiến pháp đã được đặt cao hơn nhà nước. Nghị viện nhân dân không thể tự mình sửa đổi Hiến pháp.

Mọi sự sửa đổi, bổ sung đều phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

2. Các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm thay vì được nhà nước ghi nhận và bảo đảm.

3. Quyền năng giữa các cơ quan nhà nước được phân chia khá rõ và nhiều cơ chế kiểm tra và giám sát lẫn nhau đã được thiết kế.

4. Quyền năng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng được phân chia rất rõ.

5. Vai trò độc lập xét xử của toà án được bảo đảm. Các cơ quan khác không có quyền can thiệp. [1]

Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền tự do bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền lực của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước không dừng lại ở Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp mà luôn được thể hiện ở lời nói và hành động trong suốt quá trình Người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước.

Tư tưởng khai sáng của Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 ảnh 4

Ngày Quốc khánh nghĩ về bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ của nhân dân, chống tình trạng “độc quyền chân lý”, Người căn dặn:

“Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra.” [2] và “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào?

Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người”[3]

Người yêu cầu, không thể để trong bộ máy nhà nước những cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ.”[4] 

Với quan điểm xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt hạnh phúc, tự do của nhân dân lên trên hết.

Trong “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17/10/1945, Người viết:

Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. [5]

Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền tự do bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền lực của nhân dân trong xây dựng bộ máy nhà nước là nhân tố quyết định để Người tập hợp được đông đảo tất cả các giai tầng xã hội, trong đó có nhân sĩ, trí thức trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài nhiệt tình tham gia vào bộ máy Nhà nước đương thời và dốc sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đó là Khâm sai Bắc Bộ phủ Phan Kế Toại của Chính phủ Trần Trọng Kim, trở thành Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn của triều Nguyễn, trở thành Trưởng ban Thường trực Quốc hội (chức Chủ tịch Quốc hội hiện nay) Khóa I (1946 - 1955);

Luật sư, Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh của Chính phủ Trần Trọng Kim, trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà …

Đó là các trí thức Nguyễn Hữu Thọ, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… và hàng trăm trí thức khác sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Với quan điểm tư tưởng vì con người; vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; với đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư của một một bậc minh triết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn cờ tập hợp mọi từng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vĩ đại để giải phóng dân tộc, thực hiện mục tiêu quốc thái dân an.

Ngược lại, lịch sử cũng đã chứng minh, nếu người nắm quyền lực thiếu hiểu biết, hờ hững hoặc coi thường những quyền cơ bản của người dân, chỉ biết vụ lợi cho bản thân, gia đình, dòng tộc sẽ dẫn đến bất bình của nhân dân, đưa đến những tai họa cho cộng đồng, cho dân tộc và dẫn đến sự suy yếu, thậm chí sụp đổ của các chính quyền nhà nước.

Bởi vậy, để tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh cán bộ các cấp, trước hết là những người nắm vai trò quyết định cần phải thấm nhuần và thực hiện cho được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền tự do bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân trong Tuyên ngôn độc lập.

Tài liệu tham khảo:

[1].http://vnn.vietnamnet.vn/60nam/diendan/2005/08/483817/

[2].http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bac-Ho-noi-Dan-chu-la-de-lam-sao-cho-dan-duoc-mo-mieng-ra-post165796.gd

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H, 2011, t.10, tr.378.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.176,

[5].http://www.sggp.org.vn/ngay-17-thang-10-nuoc-doc-lap-ma-dan-khong-tu-do-thi-chang-nghia-ly-gi-300963.html

NGUYỄN HUY VIỆN