Tương lai, đào tạo sẽ là ảo, là số hóa và mô phỏng

27/02/2017 15:06
Phan Thân
(GDVN) - Nếu cứ giữ theo phương pháp cũ thì học sinh, sinh viên không thể đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 3.0, đừng nói đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó là khẳng định của Phó giáo sư Mạc Văn Tiến, đại diện Tổng cục dạy nghề tại Hội thảo bàn về những nội dung của cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin, chiến lược liên kết giữa các trường Đại học, Cao đẳng ngày 24/2.

Đào tạo và tuyển dụng chưa gặp nhau

Theo Phó giáo sư Tiến, nhiều năm qua, tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm thế nhưng doanh nghiệp lại kêu không tuyển được nhân sự. Đây là một vấn đề đang nhức nhối trong xã hội, cũng bởi giữa đào tạo và tuyển dụng chưa gặp nhau.

Phía các doanh nghiệp cho rằng, đa số sinh viên mới tốt nghiệp ra trường không thể sử dụng hết và sử dụng ngay, phải đào tạo và đào tạo lại. 

Vì thế, khi đăng tuyển dụng, họ phải đưa ra điều kiện cho người lao động là phải có kinh nghiệm ít nhất một năm làm việc đối với công việc mà doanh nghiệp đang tuyển dụng. Các sinh viên mới ra trường không thể đáp ứng được điều đó.

Theo Phó giáo sư Mạc Văn Tiến, các trường cần phải đối mới phương pháp giảng dạy và chú trọng đến vần đề liên kết với các doanh nghiệp, giúp sinh viên khi tốt nghiệp để tìm việc làm - Ảnh: T.A
Theo Phó giáo sư Mạc Văn Tiến, các trường cần phải đối mới phương pháp giảng dạy và chú trọng đến vần đề liên kết với các doanh nghiệp, giúp sinh viên khi tốt nghiệp để tìm việc làm - Ảnh: T.A

Ngược lại, phía nhà trường kêu, doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm với nguồn nhân lực mà ngày mai họ sẽ sử dụng. Tại sao doanh nghiệp không đầu tư ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường, cùng nhà trường chăm lo khâu đào tạo. Vậy sẽ đỡ phải đào tạo lại.

Ông Tiến cho rằng, phía nhà trường đừng đổ thừa cho doanh nghiệp mà nên xem lại phương thức đào tạo của mình.  

Cần phải bỏ phương pháp truyền thống, cứng nhắc

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động nhanh và mạnh mẽ đến thị trường lao động nước ta. Để đáp ứng nhu cầu này, nguồn lao động cần phải chất lượng, đa ngành, đa lĩnh vực thì mới có thể làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh.

Thế nhưng, ở các cơ sở giáo dục chưa bắt nhịp được nhu cầu của thời đại. Nhiều năm qua vẫn đào tạo nguồn nhân lực theo một phương pháp cứng, lạc hậu, không chịu đổi mới. 

''Nếu cứ giữ theo phương pháp cũ thì học sinh, sinh viên không thể đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 3.0, đừng nói đến cách mạng công nghiệp 4.0.

Đổi mới đi. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. 

Các cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên cũng cần phải chuyên nghiệp, có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại và áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy'', ông Tiến nêu.

Một điều nữa, mối liên hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng là một yêu cầu cấp thiết, cần phải quan tâm hàng đầu. ''Vấn đề này đã được đề cập lâu rồi, từ khi có luật dạy nghề 2006 cơ.

Tương lai, đào tạo sẽ là ảo, là số hóa và mô phỏng ảnh 2

5% sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chưa có việc làm

Thế nhưng, bây giờ thì sao các trường thực hiện liên kết với doanh nghiệp rất lỏng lẻo, chỉ được thực hiện một cách tự phát, trên cơ sở mối quan hệ thân thiện chứ chưa trở thành phổ biến, chưa trở thành trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp''. 

Bàn về vấn đề này, Phó giáo sư Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, kết nối vững chắc giữa trường với doanh nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu. Bởi nhà trường có làm được điều đó thì sinh viên ra trường mới có việc làm, mới thích ứng được nhu cầu đòi hỏi của thị trường việc làm khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp nhà trường sớm biết được nhu cầu phát triển của xã hội để có phương pháp giảng dạy phù hợp.
Ông cho biết, hiện Đại học Bách Khoa TP.HCM đã có mối liên kết rất tốt với doanh nghiệp. Đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường khi mở các chương trình đào tạo. 

Và đó cũng là lý do vì sao trường là đại học có số lượng chương trình kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế đứng đầu tại Việt Nam với 11 chương trình được kiểm định chất lượng khu vực AUN, 7 chương trình đạt chuẩn kiểm định châu Âu. Đặc biệt trường có hai chương trình Khoa học Máy tính và kỹ thuật Máy tính đạt chuẩn kiểm định ABET của hoa kỳ.

Theo ông Tiến, số trường làm được như đại học Bách Khoa TP.HCM là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các trường bây giờ cứ đi theo vòng luẩn quẩn của phương pháp truyền thống, cứng nhắc. Vì thế mà số sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều.

Phan Thân