Tuyên chiến với nạn thuốc giả

18/10/2018 09:00
Trần Phương
(GDVN) - Với công nghệ hiện đại như hiện nay, có rất nhiều loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả gần giống như thuốc thật.

Phần nổi của tảng băng

Theo thống kê của ngành dược cho thấy, hàng năm ở nước ta các hệ thống kiểm nghiệm đã lấy gần 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng.

Qua đó, tỷ lệ thuốc kém chất lượng được phát hiện khoảng 1,5-2% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%.

Tuy nhiên, con số trên chỉ là phần nổi bởi chỉ tính trong năm 2018, gần như tháng nào, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phát hiện và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Tháng 8/2018, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã công bố danh sách 50 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng. Đây là đợt thứ 26 các công ty có thuốc vi phạm được “xướng tên” kể từ năm 2014 đến nay.

Thậm chí, có những đợt danh sách công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng được công bố lên tới 70 đơn vị, trong đó đa phần là các doanh nghiệp của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc.

Những hãng dược tái phạm nhiều lần đều phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 100% lô thuốc nhập khẩu (tiền kiểm) thay vì hậu kiểm như quy định.

Đây được xem như lời cảnh báo đối với chất lượng thuốc trên thị trường nước ta.

Không chỉ các công ty nước ngoài, các công ty trong nước cũng liên tục bị “thổi còi” vì sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Tháng 9/2018, Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ lưu hành thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nhỏ tai Collydexa do Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Nội sản xuất.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có thông báo đình chỉ lưu hành thuốc viên nang cứng Agifamcin 300 (Rifampicin 300mg) do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Đây là thuốc kháng sinh trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng vi rút và kháng nấm của Công ty cổ phần Agimexpharm (Long Xuyên, tỉnh An Giang)…

Bán thuốc giả là một tội ác khó dung thứ.
Bán thuốc giả là một tội ác khó dung thứ.

Đáng lo ngại, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật.

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều loại thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế vi rút, thần kinh, hỗ trợ sinh lý bị làm giả.

Theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/100.000 - 1/10.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả, thuốc kém chất lượng lên tới 1/10. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc, sốc phản vệ.

Đáng ngại hơn, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện các đường dây phân phối, bắt giữ hàng nghìn hộp thuốc tây không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có hàng trăm loại thuốc đặc trị các bệnh nan y, thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến.

Nỗ lực không ngừng từ ngành dược

Trước tình trạng thuốc kém chất lượng liên tiếp bị phát hiện gần đây, ngành dược đang tích cực giải quyết các vấn đề tồn đọng của ngành dược.  Đặc biệt đang siết chặt công tác quản lý thuốc, đồng thời nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm mua bán thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng...

Đặc biệt với các loại thuốc, mỹ phẩm, ngành dược đang động rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuyên chiến với nạn thuốc giả ảnh 2Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Ngày 27/6/2018, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường đấu tranh chống luôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm.

Theo đó, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn về việc thưc hiện các quy chế chuyên môn về dược, mỹ phẩm;

Chú trọng kiểm tra việc mua bán thuốc, mỹ phẩm có hóa đơn chứng từ hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dạng bào chế, ...

Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 của địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ sản xuất, buôn bán, mỹ phẩm giá, nhập lậu...

Xử lý nghiêm theo quy định hiện hành đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm không phép.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm chủ động rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý thuốc và mỹ phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng thuốc giúp chặn đứng thuốc giả hoành hành.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng thuốc giúp chặn đứng thuốc giả hoành hành.

Nghiêm cấm mua bán thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... Bên cạnh đó, thực hiện phần mềm quản lý nhà thuốc đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, chất lượng thuốc...

Không chỉ kiểm soát chặt trẽ việc kinh doanh và quản lý thuốc, ngành dược còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc là một trong những chủ trương của Bộ Y tế nhằm thực hiện Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bộ Y tế đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng Công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc phiên bản 1.0 bao gồm 23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế. Các tiêu chí này nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.

Bộ Y tế đang triển khai xây dựng được cơ sở dữ liệu dược quốc gia và tiếp tục hoàn thiện cổng tra cứu thuốc.

Toàn bộ dữ liệu thuốc được chuẩn hóa đầy đủ thông tin về sản phẩm như số đăng ký, nhà sản xuất, quy cách đóng gói, công dụng, liều dùng, cách dùng, giá thuốc... sẽ được đăng tại cổng tra cứu thuốc.

Dự kiến từ nay đến năm 2020, Việt Nam đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn tại quầy, nhà thuốc.

Hàng loạt công văn công bố việc kiểm soát chặt trẽ nguyên liệu sản xuât thuốc

Nhằm quản lý chặt trẽ và chống vấn nạn thuốc giả, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã công bố hàng loạt các công văn hướng dẫn việc kiểm soát nguyên liệu sản xuất thuốc. Danh sách các loại thuốc được nêu đích danh trong từng công văn.

Cụ thể, Công văn số 22966/QLD-ĐK ngày 17/12/2018, công bố danh mục nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt để sản xuất thuốc theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Công văn số 23162/QLD-Đ công bố danh mục nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt phải thực hiện cấp phép nhập khẩu của thuốc trong nước đã được cấp số đăng ký.

Công văn số 23163/QLD-ĐK, ông bố danh mục nguyên liệu làm thuốc được nhập khẩu không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu của thuốc trong nước đã được cấp SĐK.

Trần Phương