VNEN và Sách giáo khoa, trách nhiệm là của ai?

12/10/2018 10:52
Hồng Thủy
(GDVN) -Bộ Giáo dục đã có văn bản tiếp thu và giải trình một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa...

Ngày 25/9 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản tiếp thu và giải trình một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề lãng phí sách giáo khoa mà dư luận đặt ra, ảnh: Báo Điện tử Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề lãng phí sách giáo khoa mà dư luận đặt ra, ảnh: Báo Điện tử Chính phủ.

Trước đó, dư luận xã hội lẫn nghị trường Quốc hội đã có những bức xúc về việc lãng phí sách giáo khoa 2000 sử dụng 1 lần, sách VNEN và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục bán độc quyền giá cao và năm nào cũng chỉnh sửa để in lại.

"Đá bóng" VNEN sang Trung ương?

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25/9 cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình các vấn đề liên quan đến sách VNEN và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, rằng:

"Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới vào các cấp học phổ thông trong đó có mô hình trường học mới (mô hình VNEN, một phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm)..." [1]

Tại sao mô hình Trường học mới thành công tại Colombia?

Trường học mới là một mô hình giáo dục lớp ghép được phát triển tại Colombia từ thập niên 1970 để giải quyết những vấn đề giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội đặc thù của một quốc gia nghèo nàn và xung đột, nơi trẻ em có thể trở thành nạn nhân của các tổ chức tội phạm và vũ trang bất cứ lúc nào.

Bài viết "Hãy biến trường học thành một nền dân chủ" của tác giả David L. Krip đăng trên The New York Times ngày 28/2/2015 cho biết, mô hình trường học mới gần như không được biết đến ở Hoa Kỳ. [2]

Vậy dựa vào đâu để Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mô hình trường học mới của Colombia (Escuela Nueva) là phương pháp, hình thức dạy học "tiên tiến của thế giới", nhất là nó phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội, văn hóa và mục tiêu giáo dục của Việt Nam để thí điểm ồ ạt, triển khai nhân rộng ra cả nước?

Có thành viên nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có quốc gia châu Âu nào nhập khẩu mô hình này về cho đất nước họ không? Ngay cả khu vực châu Á, giáo dục Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...có nhập khẩu mô hình Escuela Nueva không?

Bà Vicky Colbert được nhiều giải thưởng về mô hình trường học mới Colombia, vì nó giải quyết được bài toán giáo dục, kinh tế, xã hội rất đặc thù của quốc gia này, nhưng không thể nhân rộng tùy tiện. Ảnh: Speakerpedia.
Bà Vicky Colbert được nhiều giải thưởng về mô hình trường học mới Colombia, vì nó giải quyết được bài toán giáo dục, kinh tế, xã hội rất đặc thù của quốc gia này, nhưng không thể nhân rộng tùy tiện. Ảnh: Speakerpedia.

Thứ hai, Escuela Nueva được người sáng lập ra nó, bà Vicky Colbert tiếp cận và giới thiệu với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển bên lề một hội thảo về giáo dục cho các nước đang phát triển do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Cebu, Philippines từ ngày 9 đến ngày 12/2/2009.

Khoảng 1, 2 tháng sau đó, thầy Nguyễn Vinh Hiển cử một đoàn công tác sang Colombia tìm hiểu, sau đó quyết định nhập khẩu mô hình này về Việt Nam thí điểm tại 6 tỉnh từ năm 2011.

Ngày 9/1/2013, Chính phủ đã ký Hiệp định tài trợ số GPE TF013048 với Tổ chức hợp tác giáo dục toàn cầu tại trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (84,6 triệu USD viện trợ không hoàn lại và 3 triệu USD vốn đối ứng Chính phủ);

Ai "thấu cảm" với học trò, phụ huynh ở lớp VNEN?

Cơ quan giám sát là tổ chức UNESCO tại Việt Nam tài trợ Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam. Dự án mô hình trường học mới (Dự án GPE-VNEN) với 1447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố. [3]

Ngày 04/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tìm cách viện dẫn Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 để giải thích cho những vấn đề của Dự án VNEN "thí điểm" từ năm 2011, gây bức xúc dư luận?

Nay trước những bất cập và phản ứng từ dư luận cha mẹ học sinh cũng như chính quyền các địa phương, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn "né" trách nhiệm của mình bằng cách đá quả bóng sang Trung ương?

Nghị quyết của Quốc hội có bị lạm dụng?

Báo Điện tử Chính phủ ngày 21/9/2018 có bài "Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lãng phí sách giáo khoa". Bài viết cho hay:

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ điểm lại Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn sách giáo khoa để thực hiện trên phạm vi cả nước. 

Sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành (gọi tắt là Chương trình 2000) được triển khai ở các cơ sở giáo dục từ năm học 2002-2003. Phiên bản sách giáo khoa hiện nay là phiên bản đã được sử dụng ổn định từ nhiều năm nay. [4]

Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền

Báo cáo Tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn, cho biết:

Chương trình giáo dục tiểu học bắt đầu soạn từ năm 1996 và bắt đầu thí điểm từ năm 1997, ban hành ngày 9/11/2001 theo Quyết định số 43/2001/QĐ-BGDĐT;

Chương trình giáo dục trung học cơ sở bắt đầu soạn thảo từ năm 1998 và bắt đầu thí điểm từ năm 2000, ban hành ngày 24/01/2002 theo Quyết định số 03/2002/QĐ-BGDĐT;

Chương trình giáo dục trung học phổ thông bắt đầu soạn từ năm 2000 và thí điểm từ năm 2004;

Ngày 05/05/2006 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT chính thức ban hành chương trình giáo dục phổ thông từ việc ghép 3 chương trình cấp học nói trên, để sử dụng thống nhất trong cả nước.

Và trên thực tế, theo Thuyết trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình hình giáo dục năm 2002 do bà Trần Thị Tâm Đan - Chủ nhiệm Ủy ban, trình bày tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội ngày 11/11/2002, thì:

Dự án giáo dục tiểu học, với tổng số vốn 78 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 1994 – 2002; Dự án phát triển trung học cơ sở, với tổng số vốn 71,5 triệu USD, thực hiện từ năm 1998 đến 2004. 

Nội dung các dự án gồm nhiều hạng mục như: xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa mới; xây dựng trường sở, bổ sung trang thiết bị dạy học, cung cấp sách cho thư viện trường ... 

Trong đó, chi cho xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa tiểu học là 1,5 triệu USD và cho xây dựng chương trình và viết sách giáo khoa trung học cơ sở là 2,6 triệu USD.

Như vậy, phải chăng Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội đang bị lạm dụng để giải thích cho cách đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng dự án chồng dự án?

Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

Lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang triển khai hiện nay cũng vậy, được khởi động ngay từ khi vừa kết thúc việc triển khai cuốn sách giáo khoa cuối cùng của Chương trình 2000, năm 2008.

Và hiện nay không một tổ chức, cá nhân nào thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra được cam kết công khai trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân:

Với 80 triệu USD đi vay làm chương trình và sách giáo khoa, 100 triệu USD đi vay để đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chưa kể cơ sở vật chất, chương trình sách giáo khoa mới sẽ có tuổi thọ sử dụng ổn định trong bao nhiêu năm?

Thiết nghĩ Quốc hội nên sớm có giám sát chuyên đề và điều trần về các dự án ODA trong giáo dục, đặc biệt là cách đổi mới theo kiểu dự án chồng dự án như suốt hơn hai chục năm qua và vẫn đang tiếp tục.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm, chăm lo cho giáo dục. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngành giáo dục vẫn được ưu ái với những khoản kinh phí không hề nhỏ để đổi mới giáo dục, phát triển chương trình, sách giáo khoa.

Nhưng vừa làm xong, Bộ lại lập dự án mới thay thế, khi sách giáo khoa còn chưa kịp cũ.

Số tiền lãng phí có thể lớn, nhưng mất mát lớn hơn và không đo được bằng tiền, là tương lai và cơ hội của dân tộc cứ bị bỏ lỡ theo những dự án có vòng đời ngắn ngủi, và lòng tin của nhân dân vào giáo dục dễ vơi dần sau mỗi một dự án "thí điểm", thử nghiệm trên hàng triệu học sinh.

Nguồn:

[1]http://dangcongsan.vn/khoa-giao/sach-huong-dan-hoc-theo-mo-hinh-vnen-dat-vi-sao-499000.html

[2]https://www.nytimes.com/2015/03/01/opinion/sunday/make-school-a-democracy.html?mcubz=1

[3]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/danh-gia-3-nam-thuc-hien-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-2506286-v.html

[4]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Quan-diem-cua-Bo-GDDT-ve-viec-lang-phi-sach-giao-khoa/347336.vgp

Hồng Thủy