Vẫn là câu hỏi vì sao hơn 200.000 sinh viên ra trường lại thất nghiệp?

25/01/2017 07:27
An Nguyên
(GDVN) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhưng nguyên nhân quan trọng là bắt đầu từ phía cung – tức là phía đào tạo.

Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi bàn về thực trạng thất nghiệp hiện nay tại một cuộc hội thảo mới đây ở Đà Nẵng.

Các trường ra sức tuyển mà không nghĩ tới cung – cầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các trường đại học đang ra sức vơ vét tuyển sinh mà không hề bàn tính tới vấn đề cung – cầu.

Và đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sinh viên đến trường chỉ học theo giáo trình, không thực hành khiến bản thân trở thành những “con cá chép” chuyên nghiệp. Ảnh: An Nguyên
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sinh viên đến trường chỉ học theo giáo trình, không thực hành khiến bản thân trở thành những “con cá chép” chuyên nghiệp. Ảnh: An Nguyên

PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, hiện nay cơ sở dữ liệu về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội và nguồn đào tạo nhân lực cho từng ngành nghề chưa được phổ biến.

Trong khi đó, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực cũng có những con số dự báo về các lĩnh vực nhưng quá rộng và không đầy đủ.

200.000 cử nhân thất nghiệp, ai dám bảo lỗi của riêng ngành giáo dục?

200.000 cử nhân thất nghiệp, ai dám bảo lỗi của riêng ngành giáo dục?

“Những con số dự báo ấy là có, nhưng rồi không có trường đại học nào sử dụng được để xác định chỉ tiêu.

Bản thân học sinh hay phụ huynh không thể căn cứ để làm một kênh chọn lựa” ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay các trường đại học chỉ xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có. Với mức thu học phí thấp, để có thể vận hành được hệ thống tổ chức, các trường phải tuyển cho “hết chỉ tiêu” nhằm lấy số lượng bù vào.

“Trung bình mỗi tỉnh, thành phố có tới 6,6 trường đại học, cao đẳng nhưng lại không có đơn vị nào kiểm soát số lượng nguồn nhân lực đào tạo theo từng ngành nghề.

Đó là nguyên nhân dẫn đến số lượng nhân lực cung – cầu theo từng ngành nghề tương ứng khó có thể gặp nhau” ông Dũng nói.

Đồng quan điểm trên, GS.TS. Đặng Kim Vui - Giám đốc đại học Thái Nguyên cho rằng, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đang đào tạo một cách tràn lan, không theo một quy chuẩn cụ thể nào.

“Ngay cả ngành Y là một trong những ngành hót nhất nhưng vẫn đào tạo, tuyển sinh một cách ồ ạt.

Khiến các bệnh viện đáp ứng không nổi số lượng sinh viên đến xin thực hành. Việc này dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt kiến thức chuyên ngành ngay sau khi ra trường” GS. Vui nhấn mạnh.

Trong vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận rằng, hiện này công tác dự báo còn rất hạn chế.

“Có một thực tế là việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế, chủ yếu vẫn là dự báo dựa vào kinh nghiệm.

Cho nên, dẫn tới nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng ta lại không đáp ứng được. Trong khi đó có những ngành đào tạo bị bão hòa” Bộ trưởng đánh giá.  

Từ đó ông Nhạ chỉ đạo, trước khi tuyển sinh, chính các trường đại học phải dự báo được tình trạng lao động của xã hội để cung ứng sinh viên sau khi ra trường vào các vị trí đó sao cho hợp lý.

Sinh viên bị biến thành những “con cá chép”

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng sinh viên hiện nay không cao và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, hiện nay ở nhiều trường đại học, tỉ lệ sinh viên/lớp quá lớn.

Ngoài ra, nhiều giảng viên cũng không tập trung vào việc dạy học mà “chân trong, chân ngoài” đi làm thêm.

Kiến thức, kỹ năng và sự tự tin là chìa khóa để không thất nghiệp

 Kiến thức, kỹ năng và sự tự tin là chìa khóa để không thất nghiệp

Các sinh viên đến trường chỉ học theo giáo trình, không thực hành khiến bản thân trở thành những “con cá chép” chuyên nghiệp.

Nhiều chuyên gia thì cho rằng, hiện nay số lượng các trường đại học quá nhiều, họ tuyển sinh ồ ạt nên chất lượng giáo dục đi xuống.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng tiếp tục nêu quan điểm, cả nước có hơn 400 trường đại học và cao đẳng, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác nhau.

Và chắc chắn rằng không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội – ông Dũng nói.

Ngay cả những trường đại học tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%.

Vì vậy, vấn đề này là tất yếu và bình thường. Giống như một lớp sinh viên đại học, dù là đã đạt chuẩn đầu vào, nhưng sau 4 năm học thì có em học vượt, có em học xuất sắc, có em học khá và có em không thể ra trường.

Cơ chế thị trường cũng vận hành theo cách đó, tổ chức đào tạo nào không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì tất yếu sẽ tự bị loại trừ.

“Tuy nhiên, vấn đề dễ thấy là từ trước đến nay, chẳng có trường đại học, cao đẳng nào bị đóng cửa.

Nhưng con số trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học thì thường xuyên” ông Dũng chia sẻ.

Công tác dự báo còn rất kém

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, để xảy ra tình trạng thất nghiệp là do công tác dự báo của các trường còn rất yếu.

Việc truyền tải nội dung hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ở các trường THPT chỉ có một vài giáo viên hướng nghiệp.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà?

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà?

Các giáo viên hướng nghiệp cũng chỉ được tập huấn qua loa, dạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Việc dạy hướng nghiệp theo kiểu “cho có dạy” đã gây nên nhiều hệ lụy.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, việc hướng nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, cần được quan tâm nhiều hơn.

Tư vấn hướng nghiệp không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn phải tư vấn cho phụ huynh.

“Lâu nay các trường đại học tự thân vận động, tự tổ chức tư vấn và quảng bá để tuyển sinh.

Một số trường, thì chỉ lo quảng cáo mà quên mất trách nhiệm của mình là chuyên gia tư vấn, cần mang lại sự hiểu biết đúng đắn, trung thực về ngành nghề và các bậc đào tạo.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều em học sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” với quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình.

Quan điểm “học đại học để đổi đời” cứ dẫn dắt thế hệ này rồi đến thế hệ khác. Dẫn đến việc ai cũng muốn vào đại học” ông Dũng nêu thực tế. 

An Nguyên