Vì sao ban giám hiệu lại muốn tổ chức dạy thêm trong trường?

06/10/2017 06:00
Nam Phương
(GDVN) - Một tháng người dạy nhiều cũng chỉ được khoảng chục triệu còn thua cả người không dạy là giám thị, nhưng riêng ban giám hiệu nhà trường lại có mức thu khủng.

LTS: Trước thực trạng dạy thêm trá hình (dạy phụ đạo) đang diễn ra phổ biến trong các trường học như hiện nay, tác giả Nam Phương đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và cách giải quyết vấn đề này. 

Theo đó, tác giả cho rằng, bởi chính món lợi thu về không nhỏ từ hoạt động dạy và học trá hình này nên nhiều ban giám hiệu mới mong muốn tổ chức dạy thêm trong trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều trường học hiện nay mọi người đang đánh đồng khái niệm dạy phụ đạo và dạy thêm.

Nói đến dạy phụ đạo, mọi người đều nghĩ ngay đến việc dạy và kèm cặp học sinh yếu kém, học sinh mất căn bản không theo được chương trình.

Riêng học sinh khá giỏi cần nâng cao kiến thức phải nói là dạy bồi dưỡng mới hợp lý.

Theo hiệu trưởng một trường trung học phổ thông chia sẻ, về nguyên tắc, việc nhà trường dạy phụ đạo học sinh không được phép thu tiền, còn bồi dưỡng học sinh giỏi nhà trường chi từ ngân sách của đơn vị.

Thế nhưng hầu như trường học nào tổ chức dạy ngoài giờ chính khóa ở trường cũng gắn vào hai chữ phụ đạo mà lờ đi chuyện đó chính là dạy thêm.

Do chưa có biện pháp xử lý nghiêm nên nhiều ban giám hiệu nhà trường vẫn ngang nhiên tổ chức dạy thêm trong trường (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Do chưa có biện pháp xử lý nghiêm nên nhiều ban giám hiệu nhà trường vẫn ngang nhiên tổ chức dạy thêm trong trường (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Họ quy định mức học phí một cách cụ thể, thường giao động từ 120 ngàn đồng/môn đến 200 ngàn đồng/môn.

Có trường mang danh nghĩa nhà trường mà không cần quan tâm đến việc phụ huynh học sinh có đồng ý hay không. Bởi, món lợi thu về không nhỏ từ hoạt động dạy và học trá hình này.

Món lợi khổng lồ nhiều người thơm lây

Đơn cử, một trường trung học phổ thông của thị xã có khoảng 800 học sinh khối 12 theo học phụ đạo.

Theo quy định, một em học sinh buộc phải học khoảng 6 môn. Nếu tính thu học phí mức thấp nhất một tháng mỗi em phải đóng 720 ngàn đồng. Tổng số tiền thu được của trường gần sáu trăm triệu đồng/tháng.

Theo bật mí của một số giáo viên thì tiền thu được của học sinh sẽ trích 65% trả giáo viên trực tiếp giảng dạy, 35% chia cho ban giám hiệu, giám thị, thủ quỹ, kế toán…

Thế là một tháng người dạy nhiều cũng chỉ được khoảng chục triệu còn thua cả người không dạy là giám thị. Riêng ban giám hiệu nhà trường lại có mức thu khủng. Điều này lý giải vì sao phần lớn các hiệu trưởng đều rất thích tổ chức dạy phụ đạo trong trường.

Ngược lại, những giáo viên dạy giỏi, cô dạy có uy tín với học sinh không bao giờ họ muốn dạy kiểu này. Có người còn bức xúc ví von “cóc mò cò xơi”.

Ngược lại, những thầy cô bình thường thì đây là cơ hội kiếm tiền một cách hợp pháp.

Nói thế vì trong thực tế, những giáo viên dạy giỏi thì học sinh sẽ tự tìm đến nhà để học. Có thầy cô phải từ chối nhận học sinh vì không có sức để dạy dù mức học phí đưa ra không hề rẻ.

Có giáo viên một tháng kiếm được từ dạy thêm ít thì chục triệu, nhiều có khi đến năm chục triệu một tháng. Nhưng nếu dạy ở trường vừa bị gò bó về thời gian mà thu nhập cũng bèo bọt hơn.

Học sinh chán nản

Nhiều học sinh không thích học phụ đạo ở trường. Lý do các em đưa ra là thời gian bó buộc, lớp học đông khó tiếp thu bài.

Đặc biệt, hầu như tất cả học sinh giỏi đều không thích học phụ đạo ở trường.

Theo các em “học kiểu đại trà chung cả lớp thầy cô không thể dạy nâng cao kiến thức. Hơn nữa tụi em không chọn được thầy cô mình ưng ý. Không phải giáo viên nào cũng có khả năng dạy nâng cao”.

Trong thực tế, dù đi học phụ đạo trên trường (bắt buộc) về nhà học sinh vẫn phải đi học thêm một số giáo viên mình đã chọn. Thế nên áp lực học của các em càng tăng gấp đôi so với bình thường.

Vì sao ban giám hiệu lại muốn tổ chức dạy thêm trong trường? ảnh 2

Nhà trường đang ép học sinh học thêm

Không ít em nói mình thèm nói đúng hơn là khao khát một giấc ngủ ngon mà không có được. Mệt mỏi, bơ phờ là tình trạng thường thấy ở những học sinh cấp 3 bây giờ cũng vì lẽ đó.

Cách nào dẹp được kiểu dạy thêm trá hình?

Món tiền phần trăm hàng tháng trích ra cho hiệu trưởng các trường không hề nhỏ. Trước món lợi hấp dẫn như thế thì đương nhiên họ phải tìm đủ mọi cách để tổ chức, để duy trì. Muốn dẹp bỏ tình trạng này cũng không phải là không có cách.

Nắm được tâm lý phụ huynh cũng không muốn phản ứng vì sợ làm liên lụy đến con của mình nên họ chấp nhận sự im lặng mà im lặng đương nhiên được hiểu là đồng ý.

Trong tất cả các biên bản họp phụ huynh các lớp cũng chẳng thể tìm ra dòng chữ phản đối nào. Có bảo bối trong tay, trường học sợ gì không triển khai, tổ chức?

Bởi thế, muốn chấm dứt kiểu học thêm vô bổ này thì chính phụ huynh phải đồng tâm hiệp lực lên tiếng quyết liệt phản đối.

Lúc đó, hiệu trưởng có gan bằng trời cũng chẳng dám ra đương đầu.

Mọi người không tin ư? Cứ hành động như thế sẽ thấy ngay kết quả.

Nam Phương