Vì sao thu nhập thực tế của người dân tăng chưa đáng kể?

15/02/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, năm 2017, chỉ số FDI, GDP tăng cao không nên quá vui mừng bởi sức lan tỏa đến thu nhập của người dân tăng lên không đáng kể.

Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã hoàn thành các chỉ tiêu vượt dự đoán không chỉ giới chuyên gia trong nước mà ngay cả với các tổ chức tín dụng uy tín quốc tế.

Đây là năm đầu tiên Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Nổi bật hơn cả là tăng trưởng GDP còn vượt chỉ tiêu kế hoạch (6,81% so với 6,7% mục tiêu) - mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, tăng trưởng theo từng ngành đạt được những con số ấn tượng như lĩnh vực nông, lâm thủy sản tăng 2,9%; Công nghiệp và xây dựng tăng 8%; Dịch vụ tăng 7,44%.

Quy mô nền kinh tế năm 2017 đạt trên 5 triệu tỷ đồng, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tiếp tục là thành phần chủ lực, đóng góp 74% vào quy mô nền kinh tế.

GDP trên đầu người năm 2017 đạt 53,5 triệu đồng/năm (2.385 đô la Mỹ), tăng 3,7 triệu đồng/năm (170 đô la Mỹ) so với 2016.

Vì sao thu nhập thực tế của người dân tăng chưa đáng kể? ảnh 1Hàn Quốc có Samsung, Nhật có Sony... còn Việt Nam có gì?

Số doanh nghiệp thành lập mới là 126.859 với tổng số vốn đăng ký  lên đến 1.296 ngàn tỷ đồng và mang lại việc làm cho 1,16 triệu lao động; doanh nghiệp trở lại hoạt động 26.448.

Nhìn chung tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lên đến 21,2% trong khi tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu là 20,8%.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 17,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số kỷ lục trong vòng 10 năm qua sau quá trình nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong đó, có tới 5 dự án trị giá hàng tỷ đô la Mỹ được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2018.

Ngành du lịch, tiếp nối thành công của năm 2016 tiếp tục đạt kỷ lục với 10 triệu khách. Năm 2017, gần 13 triệu khách quốc tế đặt chân đến Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu du lịch lữ hành 2017 ước tính đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, năm 2018 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá, lập kỷ lục mới trên nền tảng tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2017. Ảnh: TTXVN
Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, năm 2018 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá, lập kỷ lục mới trên nền tảng tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2017. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh đánh giá: “Năm 2017, nền kinh tế chứng kiến hàng loạt con số kỷ lục trên nhiều lĩnh vực: Tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 21,2% trong khi tăng trưởng về kim ngạch nhập khẩu là 20,8%.

Thặng dư thương mại vượt mốc 400 tỷ đô la Mỹ; vốn FDI cũng đạt con số kỷ lục và cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới lên đến trên 120 ngàn.

Điều này cho thấy năm 2017 là một năm thuận lợi và phần nào đó Chính phủ kiến tạo đã phát huy tác dụng khá tích cực.

Đặc biệt, vấn đề chống tham nhũng năm qua làm rất mạnh, điều này đã không chỉ còn là khẩu hiệu mà được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt, củng cố thêm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp”.

Nhìn vào những con số, chỉ số kinh tế rất ấn tượng, cao kỷ lục năm 2017, không ít người cho rằng đó là điều rất đáng mừng cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bùi Trinh, không nên quá vui mừng bởi sức lan tỏa đến thu nhập của người dân tăng lên không đáng kể.

“Công nghiệp chế biến và xuất khẩu tăng cao, lên con số kỷ lục, nhưng nó không lan tỏa nhiều đến thu nhập cho người dân vì chúng ta chủ yếu là gia công.

Hơn nữa, vấn đề về môi trường, ô nhiễm nhà kính ngày càng tăng do chính ngành công nghiệp chế biến gây ra.  

Thực tế, tăng khí thải nhà kính sẽ không chỉ là hiểm họa của Việt Nam mà còn trên cả thế giới.

Đặc biệt, con số xuất khẩu không mang lại nhiều thu nhập cho người dân, đổi lại con người phải trả giá cho việc làm tổn hại đến môi trường.

Bởi vậy, việc cần làm phải là phát triển nền kinh tế bền vững như xuất khẩu dịch vụ. Đây là lĩnh vực không gây ảnh hưởng môi trường, tăng lượng khí thải nhà kính và lan tỏa rất mạnh đến nâng cao thu nhập cho người nhân theo mô hình cân bằng tổng thể.

Bên cạnh đó, xuất khẩu lĩnh vực nông nghiệp cũng lan tỏa rất tốt đến thu nhập cho người dân. Như năm qua xuất khẩu rau quả vượt qua dầu khí và gạo. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp cũng tác động ít nhiều đến hiệu ứng nhà kính.

Trong tương lai muốn phát triển ngành nông nghiệp bền vững cần đầu tư vào nông nghiệp xanh, sạch.

Về mặt kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng, đây là lĩnh vực mang lại nguồn thu nhập thực chất, lớn cho người dân”, ông Trinh phân tích.

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, FDI và GDP tăng cao không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế bởi vậy không nên quá vui mừng về hai chỉ số này. Ảnh: Báo Hải quan.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, FDI và GDP tăng cao không có ý nghĩa nhiều đối với nền kinh tế bởi vậy không nên quá vui mừng về hai chỉ số này. Ảnh: Báo Hải quan. 

Ngoài vấn đề môi trường, khí thải nhà kính, Tiến sĩ Bùi Trinh cũng đặt ra vấn đề rất đáng suy nghĩ về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): “Qua 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam (1987 – 2017), chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Kêu gọi FDI là chủ trương đúng, cần thiết và không thể từ chối khi chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhưng thực tế cho thấy, cách thu hút các dự án FDI còn nhiều vấn đề, hạn chế như về ô nhiễm môi tường, khí thải nhà kính. Các vấn đề đó nảy sinh do cách thu hút FDI vừa qua rất ồ ạt, thiếu tính lựa chọn.

Chúng ta kỳ vọng vào các dự án FDI là nguồn tiền, lao động và sự chuyển giao công nghệ.

Nhưng thực tế các kỳ vọng trên về FDI đều không đạt được. Về chuyển giao công nghệ gần như bằng không.

Người dân Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì từ các dự án FDI, ngân sách cũng không được hưởng lợi từ FDI”.

Tiến sĩ Bùi Trinh phân tích: “Về nguồn tiền, lượng thuế ưu đãi cho FDI tương đương lượng đầu tư. Như vậy rõ ràng nếu ưu tiên cho doanh nghiệp nội sẽ tốt hơn rất nhiều.

Đáng báo động, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, gây ô nhiễm môi trường lại có nhiều doanh nghiệp FDI”.

Vì sao thu nhập thực tế của người dân tăng chưa đáng kể? ảnh 4"Thu nhập bình quân đầu người thấp là nỗi buồn của lãnh đạo"

Theo vị chuyên gia này, đến thời điểm này việc chọn lựa các nhà đầu tư FDI cần  kèm theo cam kết cụ thể là phải đảm bảo an toàn cho môi trường.

Cần phải kiên quyết từ chối các dự án FDI nếu không đáp ứng được điều kiện này. Dự án FDI cần tạo nên giá trị đích thực, có lợi cho doanh nghiệp đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và người dân.

“Là chủ nhà, chúng ta có có quyền lựa chọn các nhà đầu tư có điều kiện, đáp ứng được kỳ vọng… ví dụ điều kiện trong hàng hóa khu vực FDI thì hàm lượng Việt Nam có bao nhiêu trong sản phẩm đó thì mới cho đầu tư. Chứ không thể mời gọi, thu hút theo kiểu ào ào”, Tiến sĩ Bùi Trinh nói.

Về con số tăng trưởng GDP kỷ lục năm 2017, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, tăng trưởng GDP cao hay thấp không có ý nghĩa gì nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam. GDP tăng trưởng càng cao có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, tăng trưởng GDP cũng không lan tỏa nhiều đến thu nhập của người dân.

Tăng trưởng GDP không có ý nghĩa với nền kinh tế vì qua một số việc như xây tượng đài, xây nghĩa trang hàng ngàn tỷ thì GDP ngay trong năm đó càng tăng. GDP tăng vì đầu tư tăng, nhưng lại không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế, về lâu về dài còn dẫn đến những tác động tiêu cực.

Đánh giá tiềm năng, cơ hội cho kinh tế Việt Nam năm 2018, Tiến sĩ Bùi Trinh nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn, các dự báo đều cho thấy kinh tế thế giới năm 2018 tiếp tục ổn định và Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng trên 6,5%.

Lĩnh vực nông lâm thủy sản sẽ tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam năm 2018. Đây là lĩnh vực quan trọng góp phần lan tỏa, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

Trước đây, vẫn những con người ấy, mảnh đất ấy, loại cây trồng đó, nhưng chưa thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nhưng năm qua một số mặt hàng nông sản đã có mặt tại nhiều nước đòi hỏi yêu cầu chất lượng, hình thức cao.

Rõ ràng việc chuyển giao cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân đã rất hiệu quả và nông nghiệp chất lượng cao là một trong những thế mạnh cần phải tiếp tục đầu tư, góp phần quan trọng vào tăng trưởng nền kinh tế".

Vũ Phương