Vì sao thu thuế bảo vệ môi trường lại nhằm vào xăng dầu?

15/09/2017 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Sau nhiều ngày tranh cãi đề xuất tăng khung thuế xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít đã bị bác vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Đề xuất tăng khung thuế xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít của Bộ Tài chính thời gian qua vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Tuy nhiên, mới đây Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chưa đồng ý tăng thuế môi trường với xăng dầu. 

Tại phiên họp vào ngày 13/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: “Trong thời điểm hiện tại đưa ra việc tăng thuế suất là không thuận vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Chính phủ nên tìm giải pháp tăng nguồn thu khác như tăng cường quản lý thu, giải quyết tồn đọng thuế, nợ thuế, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại... thay vì tìm cách tăng một số loại thuế.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: “Khung thuế hiện hành dùng chưa hết, giờ lại đề nghị tăng gấp đôi khung cho xăng dầu trong khi đây không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhất là chưa hợp lý.

Hơn nữa, tên luật là Luật thuế bảo vệ môi trường mà trong cơ cấu về số thu từ các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu chiếm tới hơn 93% tổng số thu thuế bảo vệ môi trường”.

Với thực tế ấy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo kĩ hơn, toàn diện và bao quát hơn đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, trong đó phải đảm bảo người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Theo các chuyên gia đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường 8.000 đồng/lít xăng sẽ tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Ảnh: KT/VOV.
Theo các chuyên gia đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường 8.000 đồng/lít xăng sẽ tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. Ảnh: KT/VOV. 

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - ông Nguyễn Đức Hải cũng chỉ ra: “Dự thảo luật chưa thực sự đảm bảo để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Đánh giá tác động của việc sửa đổi cũng chưa thuyết phục, chưa làm rõ được những tác động cụ thể đến doanh nghiệp, người dân, tăng trưởng kinh tế...vẫn chủ yếu tập trung vào việc tăng thu ngân sách nhà nước hoặc để thuận tiện cho công tác quản lý, khó thuyết phục dư luận và sự đồng tình của xã hội”.

Ngay khi thông tin đề xuất trên bị bác bỏ không ít người đã thở phào nhẹ nhõm, đặc biệt người nghèo chịu tác động trực tiếp từ đề xuất “vô cảm” trên của Bộ Tài chính trong thời điểm giá xăng đang ngày càng tăng, phí BOT cũng đang trở thành gánh nặng đối với họ.

Trước đó, vào giữa tháng 1/2017, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg).

Vì sao thu thuế bảo vệ môi trường lại nhằm vào xăng dầu? ảnh 2

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân

Ba lý do chính mà Bộ Tài chính đưa ra đề xuất khá đột ngột trên:

Thứ nhất, mức thuế của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với các nước như Hàn Quốc, Campuchia, Lào.

Thứ hai, việc tăng thuế sẽ giúp chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới và nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu.

Thứ ba, tăng thuế sẽ đồng thời tránh chênh lệch về giá bán xăng dầu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới.

Tuy nhiên, trình bày tờ trình dự án luật, đại diện Bộ Tài chính báo cáo, việc sửa luật sẽ tăng nguồn thu ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Còn trước đó, trả lời báo chí ông Vũ Khắc Liêm - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng từ mức trần hiện hành 4.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít nhằm ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.

Đáng chú ý là phát ngôn trong cuộc họp báo định kỳ quý I/2017 của Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít là nhằm ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Việc tăng khung sẽ không ảnh hưởng tới giá xăng dầu, cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Vì sao thu thuế bảo vệ môi trường lại nhằm vào xăng dầu? ảnh 3

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ: Không thể chấp nhận được quan điểm của Bộ Tài chính

Với những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra “tiền hậu bất nhất” giải thích cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường 8.000 đồng/lít xăng vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận bởi sự thiếu minh bạch, khách quan, thiếu thuyết phục.

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường nhưng không chỉ dùng cho khắc phục môi trường mà dùng cho chi tiêu ngân sách chung.

Đây là điều bất hợp lý bởi lý do thu và mục đích sử dụng không giống nhau.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về mức thuế môi trường mà Bộ Tài chính đưa ra là quá cao và sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh - Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng: “Hiện môi trường Việt Nam đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, tuy nhiên chưa có đánh giá cụ thể nào về việc ô nhiễm do tiêu thụ xăng dầu gây ra.

Đây chính là điều không rõ ràng trong việc đưa ra khung mức thuế bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường ở khung nào hợp lý, mức khung đó được tính toán ra sao, dựa vào yếu tố nào vẫn là điều chưa rõ ràng”.

Phó giáo sư Ngô Trí Long cho rằng, nếu áp dụng mức tăng trên, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng theo. Ảnh: Lan Hương/VOV.
Phó giáo sư Ngô Trí Long cho rằng, nếu áp dụng mức tăng trên, giá nhiều mặt hàng sẽ tăng theo. Ảnh: Lan Hương/VOV.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: “Việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là cần thiết, nhưng ở mức độ nào phải tính toán. Với bối cảnh hiện nay câu hỏi đặt ra là xăng đã cần phải đánh thuế bảo vệ môi trường hay chưa?

Trên thế giới có rất ít quốc gia đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trong đó có Việt Nam. Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít đã tác động rất lớn đến giá xăng. Nếu áp dụng khung mức thuế từ 3.000 đồng đến 8.000 đồng/lít giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Điều đó gây ảnh hưởng lớn tới đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp sản xuất... và như vậy giá của nhiều mặt hàng sẽ tăng theo. Lúc ấy, Chính phủ sẽ phải đối diện với bài toán lạm phát”.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong thì đánh giá: “Mức khung tăng thuế bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính đưa ra quá cao. Điều này là quá sức chịu đựng của người dân”.

Ngoài quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết phiên họp tháng 8 của Chính phủ cũng chỉ rõ: Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách; trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vũ Phương