Vì xã hội không có đất “dụng võ” hay cử nhân chưa đáp ứng nhu cầu xã hội?

15/04/2016 07:18
Nguyễn Cao
(GDVN) - Trong số những cử nhân thất nghiệp có bao nhiêu người giỏi thực sự, bao nhiêu người đã đứng dậy tự đi tìm cơ hội việc làm cho mình….

LTS: Thất nghiệp trong xã hội nào cũng có, không phải hiện tượng xa lạ, hiếm gặp. Nếu thất nghiệp do suy thoái kinh tế, những người có tay nghề phải chấp nhận không có việc là điều dễ hiểu.

Đằng này, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, nhu cầu nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, công ty là có thực. 

Vậy cớ sao lại xảy ra tình trạng thất nghiệp trong khi “việc vẫn phải đi tìm người”. Trong bài viết này, thầy Nguyễn Cao chỉ rõ nguyên nhân thất nghiệp là do chính cử nhân đó.

Tiếp tục loạt bài về chủ đề "Học để...thất nghiệp", hôm nay tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả quan điểm của thầy giáo Nguyễn Cao về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả quan điểm của thầy. 

Chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp hay đi làm ô sin, công nhân, bảo vệ… đã được dư luận đã nói nhiều trong thời gian qua. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh đó nhưng chủ yếu là do chất lượng sinh viên chưa đạt yêu cầu. 

Ngày 24/12/2015, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội công bố, cả nước có 225.500 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, thử hỏi, trong số những cử nhân thất nghiệp có bao nhiêu người giỏi thực sự, bao nhiêu người đã đứng dậy tự đi tìm cơ hội việc làm cho mình….

Vì xã hội không có đất “dụng võ” hay cử nhân chưa đáp ứng nhu cầu xã hội? (Ảnh: news.zing.vn)
Vì xã hội không có đất “dụng võ” hay cử nhân chưa đáp ứng nhu cầu xã hội? (Ảnh: news.zing.vn)

Vì xã hội không có đất “dụng võ” cho họ hay bản thân cử nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội? 

Sinh viên ra trường không tìm được việc làm là sự lãng phí vô cùng lớn cho toàn xã hội nhưng quan trọng là thất nghiệp khiến lãng phí tuổi trẻ, bào mòn ước mơ, hoài bão của bao người. 

Không nghề nghiệp, mặc cảm, chán nản, trở thành gánh nặng cho người thân…nhưng vì sao khi thất nghiệp thì lại đổ lỗi cho người này, người kia mà cử nhân không tự trách bản thân?

Vì xã hội không có đất “dụng võ” hay cử nhân chưa đáp ứng nhu cầu xã hội? ảnh 2

Kỹ sư cơ khí Bách Khoa đi bán trà, từng nghĩ chuyện đốt bằng

(GDVN) - Học cơ khí Bách Khoa nhưng ra trường phải đi bán trà kiếm sống, cử nhân này từng nghĩ đến chuyện đốt bằng để cảnh tỉnh người khác.

Không ít bậc phụ huynh cho rằng, con cái thi đỗ đại học là con học giỏi, có chí tiến thủ.

Tuy nhiên, với cách thức tuyển sinh hiện nay, nhiều trường có chất lượng đầu vào tương đối thấp cùng với những cám dỗ nơi phố phường đã khiến nhiều bạn trẻ hoàn toàn lột xác so với khi còn ở quê với bố mẹ.
 
Sinh viên không hứng thú với học tập mà chỉ đua đòi với bạn bè nên mới có chuyện tại trường Đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh có 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ. 

Lý do buộc thôi học và cảnh báo học vụ là điểm trung bình chung tích lũy và điểm trung bình học kỳ của những sinh viên này quá thấp, không đủ điều kiện tiếp tục theo học. (Báo Tuổi trẻ, ngày 8/4/2016). 

Trước đó vào tháng 10/2015, trường Đại học Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) buộc thôi học 1.041 sinh viên do các em tự ý bỏ học và có kết quả học tập trong học kỳ II năm học 2014 - 2015 dưới 1,0. 

Những con số ấy chỉ ra một thực trạng của bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay đó còn chưa kết đến một số sinh viên đi học chỉ cầm chừng đủ điểm ra trường…

“Thành tích” như vậy nên chuyện ra trường thất nghiệp sẽ không còn là điều khó hiểu. 

Vì xã hội không có đất “dụng võ” hay cử nhân chưa đáp ứng nhu cầu xã hội? ảnh 3

Lựa chọn sai ngành nghề có thể đẩy thí sinh đến bi kịch cuộc đời

(GDVN) - Dưới đây là lời khuyên của một người thầy, một người cha dành cho các bạn trẻ khi chọn lựa nghề nghiệp cho mình.

Việt Nam đang bước vào nền kinh tế thị trường với nhiều cạnh tranh trong đó có cả cạnh tranh về nhu cầu việc làm, chắc chắn phải là những ứng viên phù hợp với công việc đó thì mới được tuyển dụng. 

Dư luận nói nhiều về cơ chế, về tiêu cực trong tuyển dụng các công-viên chức nhưng rõ ràng đâu phải cứ phải vào các cơ quan, xí nghiệp nhà nước thì mới “cao sang”. 

Bởi hiện nay, trong các trường đại học đều đào tạo chuyên môn theo bề rộng, có nghĩa là sinh viên sẽ được trang bị nhiều chuyên ngành khác nhau nên tại sao cử nhân không dám thử thách để khẳng định bản thân với những gì đã học. 

Nhiều bạn trẻ hiện vẫn còn có tư tưởng phải làm việc trong cơ quan nhà nước thì mới “chắc” vì không lo bị sa thải. Chính vì quan điểm này mà nhiều tiêu cực đã nảy sinh.

Cứ cơ quan, đơn vị nào có chỉ tiêu tuyển dụng là lại nhiều “cò mồi” xuất hiện khiến nhiều gia đình điêu đứng vì nghe theo những lời hứa hẹn mà bỏ ra một số tiền lớn nhưng cuối cùng vẫn…thất nghiệp

Thậm chí, còn có tình trạng, sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm lại tiếp tục xin tiền cha mẹ đi học cao học để tiếp tục hy vọng. Vậy là, 2 năm đi học các em lại bỏ đi nhiều cơ hội việc làm cho mình…

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cao là do sinh viên sau khi học xong cũng là lúc xách ba lô về quê chờ bố mẹ nhờ vả người này, người kia xin cho một “chỗ”. 

Những gia đình có điều kiện hoặc bố mẹ có quen biết rộng thì không nói nhưng nhiều bậc cha mẹ làm nông dân, gia đình không quen biết nhiều thì cứ nghe đồn thổi chỗ nọ, chỗ kia rồi đi vay mượn ngân hàng về đặt cọc tiền xin việc cho con. Năm này qua năm khác vẫn cứ chờ trong mòn mỏi thậm chí còn “tiền mất tật mang”. 

Rõ ràng, hàng ngày trên các trang báo chính thống, trang điện tử, các cổng thông tin điện tử từ các Sở đều có thông tin tuyển dụng mà hầu hết giới trẻ đều có trang thiết bị nối mạng và máy tính thì cớ sao lại ỷ nại. 

Nếu bản thân các em không tự vận động thì chuyện thất nghiệp sẽ không bao giờ có hồi kết. 

Nguyễn Cao