Việt Nam không tự thiết kế được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh? (kỳ 3)

02/11/2012 06:41
Vũ Diệu
(GDVN) - Năm 2010, Việt Nam có gần 90 triệu dân, GDP hơn 104 tỷ USD, GDP danh nghĩa bình quân đầu người khoảng 1200 USD, số trường đại học và cao đẳng là 409. Cũng năm 2010, Đức có gần 82 triệu dân, GDP của họ là 3.900 tỉ USD, GDP danh nghĩa bình quân đầu người 39.339 USD (gấp 25 lần Việt Nam), số trường đai học của họ là 323.
Giáo dục nhằm mục đích gì? Trước hết giáo dục được hiểu là một quá trình được tổ chức có ý thức, góp phần hoàn thiện nhân cách người học (vì nhân cách được hình thành ngay từ khi đứa trẻ mới được sinh ra và được hình thành trước tiên trong thời gian sống ở gia đình) và đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại. Nói như vậy có nghĩa là phải giáo dục nhân cách và kỹ năng sống cho người được giáo dục.
Giáo dục nhân cách trong gia đình và trong nhà trường nhằm củng cố tính nhân văn, sống có lý trí, có bản ngã cho trẻ vị thành niên, sống phù hợp với chuẩn mực xã hội, phân biệt với cách sống theo bản năng, vốn có của con người nguyên thuỷ.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, giáo dục kỹ năng sống phải gồm cả 2 loại kỹ năng là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm là kỹ năng ứng xử hiệu quả trong mối quan hệ hợp tác lao động ở những tập thể có nhiều chuyên ngành khác nhau, cùng thực hiện một chương trình, một đề tài hoặc làm việc trong những ê - kíp đa quốc gia, đa văn hoá. Tổng kết của thế giới đương đại cho thấy: Trong số những người thành đạt, chỉ có khoảng 25% hoàn toàn dựa vào kỹ năng cứng, 75% còn lại dựa vào kỹ năng mềm bổ sung cho kỹ năng cứng. Sinh viên Châu Âu đã tốt nghiệp thường phải qua 1 thời gian thử việc, nếu thiếu kỹ năng mềm thường khó được tuyển dụng lâu dài.

Giáo dục cũng được hiểu là làm nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác .

- Cách thực hiện giáo dục nên như thế nào để có hiệu quả?

Giáo dục vốn có trong từ Latinh “ Educare”, nghĩa là làm bộc lộ. Từ đó, giáo dục được hiểu là quá trình làm bộc lộ những khả năng tiềm ẩn của người được giáo dục, đánh thức trí tuệ của người được giáo dục (đối lập với cách giáo dục áp đặt, nhồi sọ).

Quá trình giáo dục bao gồm các thành tố có liên hệ mang tính hệ thống với nhau, từ mục tiêu giáo dục đến nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, hình thức tổ chức, chỉ tiêu đánh giá.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Quá trình giáo dục được chia thành nhiều bậc, cũng có mối liên hệ mang tính hệ thống với nhau, gồm 3 bậc chính là giáo dục tuổi mầm non và mẫu giáo, giáo dục phổ thông ( gồm giáo dục tiểu học và trung học ) và giáo dục đại học.

Giáo dục tuổi mầm non không tách khỏi giáo dục tuổi thơ ấu (kể từ khi con người được sinh ra đến 8 tuổi, là giai đoạn nhạy cảm nhất trong toàn bộ cuộc đời của con người).

Giáo dục trong giai đoạn 2 năm đầu tiên, kể từ khi được sinh ra nhằm xây dựng khái niệm về bản thân đứa trẻ. Đây là một phần trọng yếu trong sự hình thành nhân cách của trẻ. Trong giai đoạn này cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng. Người được thay thế cha mẹ không thể chỉ làm nhiệm vụ trông giữ trẻ.

Mỗi xã hội có cách thực hiện khác nhau. Ở một số quốc gia Châu Âu trong đó có Đức, việc này do người mẹ trực tiếp làm, được nghỉ tại nhà 2 năm và được hưởng phụ cấp của xã hội. Ở Phần Lan, giáo viên dạy trẻ trước tuổi đi học phải có bằng cử nhân. Ở các quốc gia XHCN trước đây, việc này được thực hiện rất tốt trong các trường mầm non và các trường mẫu giáo.

Giai đoạn từ 3 đến 8 tuổi được gọi là giai đoạn của “Cửa sổ cơ hội” (Window of opportunities), có vai trò quan trọng trong sự phát triển tư duy, nhân cách và có ảnh hưởng lớn đến suốt cuộc đời con người. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ 5 tuổi có cấu trúc kết nối của não hoàn thiện ở mức 50%, ở 8 tuổi là 80%. Ở giai đoạn này, trẻ dễ tiếp thu, học hỏi những cái mới, cần được quan tâm giáo dục, chăm sóc thích đáng để phát huy hết tiềm năng trong tương lai. Một quốc gia muốn có nhiều nhân tài không thể không làm tốt giai đoạn giáo dục tuổi thơ ấu. Đây là lý do giải thích vì sao ở các nước Phương Tây, các cô giáo bậc tiểu học được đào tạo rất chu đáo và được học sinh quý mến như người mẹ thứ hai.

Giáo dục phổ thông chủ yếu phải khơi dạy những trí thức, những kỹ năng cơ bản, cần thiết, sát thực nhất để học sinh có thể áp dụng vào cuộc sống, nhằm thích nghi và hoà nhập tốt với xã hội. Ở bậc trung học, học sinh đã cần được giáo dục những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản để có thể hoà nhập được ngay với xã hội nghề nghiệp. Điều này được rất quan tâm ở Pháp, Đức và một số nước khác ở Châu Âu. Đây cũng là điều Viêt Nam học được khi dự Hội thi kỹ năng nghề thế giới ở London 2011.
Giáo dục đại học phải khơi dạy và nuôi dưỡng tính ham học và nâng cao khả năng tự học cho sinh viên.

Hãy làm như Mutsuhito và Pyotr I đã làm

1. Làm theo Mutsuhito và Piotr I nghĩa là: Lựa chọn và nhập khẩu 1 mô hình giáo dục của 1 quốc gia nào đó trong 2 hệ thống Anglo-Saxon hay Bologna mà chúng ta thấy thích hợp nhất , rồi trước mắt làm như họ, sau đó hãy nghĩ cách cải tiến.

Khi còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ao ước “Dân ta ai cũng được ăn no, được mặc ấm và được học hành”. Đó là “Giấc mơ về cơ hội bình đẳng giáo dục” cho thanh niên nước ta. Hệ thống Bologna có thể đáp ứng được điều này và mô hình giáo dục của Pháp là thích hợp nhất.

2. Làm theo Mutsuhito và Piotr I còn có nghĩa là: Trong giai đoạn này, cần ưu tiên cho sự thành công của đổi mới giáo dục nên phải đặt vai trò nhà giáo đúng với vị trí của họ trong xã hội, cả về sự trọng vọng và đãi ngộ tiền lương. Kinh nghiệm của “Siêu cường giáo dục Phần Lan” và của tất cả 37 quốc gia có các đại học chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới là trong giáo dục có 2 chủ thể “Nhà giáo và Học trò”.

Nhà giáo được ví như sĩ quan tác chiến ngoài chiến trường. Muốn đổi mới giáo dục thành công, cũng như muốn thắng trận ngoài chiến trường, phải chăm lo đúng mức cho họ.

Trong thời gian đầu cải cách giáo dục ở Nhật (1866-1869), mức lương của công chức Nhật là 30 Yen/tháng thì mức lương của nhà giáo bản xứ cao hơn mức này, còn mức lương trả cho giảng viên nước ngoài thì cao gấp 10 lần. Khi đó có khoảng 500 giảng viên nước ngoài giảng dạy cho 15 trường đại học đầu tiên của Nhật. Họ được trả lương đến 300 Yen/ tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ về ăn ở và đi lại. Người Nhật không ghen tỵ. Họ chấp nhận hưởng lương thấp hơn, để các giảng viên nước ngoài cống hiến hết mình cho nước Nhật, truyền thụ các kinh nghiệm của họ cho người Nhật.

Ở Phần Lan, mức lương của giáo viên khoảng38.500 USD/ năm, ngang với mức lương trung bình trong Khối OCDE ( Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ). Mức lương này không cao nhưng được xã hội Phần Lan trọng vọng.

Các thiên tài trong lịch sử đều có tầm nhìn chiến lược và đầu óc rất thực tế. Freidrich II Đại đế của Phổ là nhà chính trị kiệt xuất của Châu Âu thế kỷ 18. Nhà chính trị kiệt xuất ở Châu Âu thế kỷ 18 nói: “Không có vị tướng đói meo nào có thể làm anh hùng cho toàn quân”. Còn Piotr I Đại đế là nhà cải cách kiệt xuất của nước của Nga thế kỷ 18 thì nói: “Binh sĩ không thể ăn no với những lời hứa hão huyền”.

Lùi 1 bước để còn tiến nhiều bước

Hãy xem 1 so sánh sau đây:

Năm 2010, Việt Nam có gần 90 triệu dân, GDP 101 tỉ USD, GDP danh nghĩa bình quân đầu người 1.546 USD, số trường đại học và cao đẳng là 409.

Cũng năm 2010, Đức có 82 triệu dân, GDP của họ là 3.900 tỉ USD (gấp ta 38 lần), GDP danh nghĩa bình quân đầu người của họ là 39.339 USD (gấp ta 25 lần), số trường đai học của họ là 323.

Tham khảo thêm: Cũng năm đó Pháp chi từ ngân sách bình quân cho mỗi sinh viên trong năm học là 10.150 Euros tương đương 304 triệu VND/1 sinh viên.

Quy mô mạng lưới các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam lúc này đã phát triển vượt ngưỡng chịu đựng của nền tài chính quốc gia. Tiền đâu để chi phí nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo? Nếu mời 2 giáo sư Mỹ vừa được nhận giải Nobel 2012 là Alvin E. Roth và Lloyd . S. Shapley sang làm cố vấn tài chính cho Bộ Giáo dục – đào tạo, chắc chắn các giáo sư ấy sẽ khuyên trước mắt nên thu hẹp quy mô màng lưới đại học và cao đẳng cho phù hợp tiềm lực tài chính hiện có.

OCDE đã nhắn nhủ các quốc gia: “Cách chi vào giáo dục như thế nào là quan trọng”. Friedrich II Đại đế của Phổ từ thế kỷ 18 thì nói: “Sức mạnh của tiền bạc và thời gian phải được dùng đúng chỗ”.

Muốn vậy, đương nhiên Bộ Giáo dục – đào tạo phải quy hoạch lại mạng lưới, có giảm, có thành lập mới, có hợp nhất, sao cho cuối cùng tăng được số học sinh học nghề và giảm bới số lượng sinh viên để mức kinh phí tính trên đầu sinh viên tăng .

Nếu Bộ cũng chọn mô hình giáo dục của Pháp thì nên quy hoạch lại như sau:

1. Trước hết, hàng năm kiên quyết phân luồng 50% học sinh sau lớp 9 vào học các trường THPT nghề, giảm bớt số sinh viên vào đại học. Có phân luồng được hay không, chủ yếu phụ thuộc chất lượng chương trình đào tạo nghề và chính sách sử dụng sau khi học sinh ra trường.

2. Thực hiện nghiêm quy định đào tạo bậc cao đẳng 2 năm, sẽ giảm ít nhất 30% kinh phí chi cho giáo dục Cao đẳng so với trước.

3. Thành lập mới 1 số trường Cao đẳng nông nghiệp và 1 số trường THPT phân ban nông nghiệp (Lycée Agricole) cho các vùng chuyên canh lúa. Kinh nghiệm của Pháp: Nền kinh tế của Pháp hiện nay là nền kinh tế sau công nghiệp, chỉ còn 3% dân số làm nông nghiệp nhưng năm 2009 có 218 trường Lycée Agricole.

4. Chuyển chương trình đào tạo kỹ sư đang là 4 năm lên 5 năm. Thành lập mới từ 1 đến 2 Viện đào tạo Kỹ sư khoa học ứng dụng theo mô hình Viện INSA de Lyon với quy mô mỗi Viện 1.500 sinh viên, thời gian đào tạo 5 năm. INSA de Lyon luôn luôn đứng trong Top 1 các trường đào tạo kỹ sư Pháp.

Thành lập Hội đồng Danh hiệu kỹ sư toàn quốc theo mô hình Cti của Pháp, để kiểm định chất lượng đào tạo kỹ sư và công nhận bằng kỹ sư của các trường.

Ở Pháp, các đại học đào tạo đa lĩnh vực và đa ngành gọi là Đại học tổng hợp (Université). Các đại học đào tạo đa ngành nhưng chỉ trong 1 lĩnh vực gọi là Viện (Institut).

5. Tổ chức lại Hệ thống các trường, lớp giáo dục mầm non và mẫu giáo trong cả nước, theo phương thức bán công, đào tạo giáo viên và giao cho chính quyền các phường, xã trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý .

6. Hợp nhất 1 số trường đại học mới thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quà thành những trường đại học tổng hợp hỗn hợp (The comprehensive universities) theo mô hình của Đức hoặc của Pháp. Đây là loại trường hợp nhất trường đại học tổng hợp và 1 số Viện đại học trên cùng khu vực, nhằm tận dụng có hiệu quả đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thư viện, phòng thí nghiệm, đội ngũ giáo viên, bộ máy quản lý và hành chính.

7. Chuẩn bị các điều kiện để Việt Nam có thể chuẩn hoá bằng cấp đại học, xoá dần sự khác biệt về bằng cấp giữa Việt Nam và các quốc gia có mối bang giao sâu về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi sinh viên, lao động bậc cao và hợp tác kinh tế.

8. Làm theo lời khuyên của GS Viện sĩ Sergei Petrovich, trong một thời gian trước mắt hãy dành số kinh phí nghiên cứu cơ bản ít ỏi cho các Viện nghiên cứu. Đối với các đại học, hướng công việc nghiên cứu của họ về các doanh nghiệp, theo mô hình SYNERVIA của Pháp. Kinh nghiệm của Phá: Hàng năm Pháp đều tăng ngân sách cho R&D. Năm 2007, Pháp đã chi 37,9 tỉ Euros cho R&D, chiếm 2,1% PIB (1euro = 30.000 VND) nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu đều làm việc trong các trung tâm nghiên cứu của Nhà nước và mối liên hệ giữa các cơ quan đó với doanh nghiệp là yếu nên hiệu quả đối với nền kinh tế cũng yếu. Pháp đã khắc phục được dần tình trạng yếu kém nay bằng tổ chức SYNERVIA.
Vũ Diệu