Vụ thu chi tại trường Phan Bội Châu: Nếu đúng sao không duy trì, nhân rộng?

17/06/2017 06:59
Bài và ảnh: Ngọc Huỳnh
(GDVN) - Nếu cơ quan chức năng cho rằng việc dùng máy photo nhà trường photo thu tiền học sinh là đúng thì tại sao không để nhà trường duy trì, nhân rộng hoạt động này?

Liên quan đến thông tin nhiều khoản thu, chi gây bức xúc tại Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, Thanh tra Thành phố Cà Mau từng kết luận việc làm của Hiệu trưởng là đúng quy định.

Mới đây, khi tiếp xúc phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên bức xúc đặt câu hỏi: Nếu cơ quan chức năng cho rằng việc dùng máy photo nhà trường photo thu tiền học sinh là đúng thì tại sao không để nhà trường duy trì, nhân rộng hoạt động này?

Và, nếu có thể “quy đổi” các hoạt động thay cho việc trực tiếp đứng lớp của Hiệu trưởng thì cớ gì sau khi kết luận xong lại bắt bà Hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp…?

Nhiều giáo viên cho rằng, Thanh tra Thành phố Cà Mau áp dụng cách quy đổi nói trên là sai quy định và không thuyết phục.
Nhiều giáo viên cho rằng, Thanh tra Thành phố Cà Mau áp dụng cách quy đổi nói trên là sai quy định và không thuyết phục.

Theo hồ sơ mà các giáo viên cung cấp thể hiện, vào tháng 9/2016, Thanh tra Thành phố Cà Mau có Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 149 về nội dung tố cáo của một giáo viên Trường Phan Bội Châu đối với bà Tạ Thị Huế (Hiệu trưởng).

Theo đó, Thanh tra Thành phố Cà Mau đã kết luận việc Trường Phan Bội Châu dùng máy photo của nhà trường để photo đề cương thu tiền học sinh là đúng quy định; việc Hiệu trưởng không đứng lớp nhưng lại được hưởng 30% phụ cấp trực tiếp đứng lớp cũng… đúng quy định.

Ghi nhận tại kết luận trên cho thấy, những căn cứ mà Thanh tra Thành phố Cà Mau áp dụng để đưa ra kết luận nói trên là:

Trước khi thực hiện việc photo đề cương có thu tiền học sinh, Hiệu trưởng Tạ Thị Huế có họp toàn thể giáo viên thông qua nội dung trên, được sự thống nhất rồi mới thực hiện…

Còn đối với việc Hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp nhưng lại hưởng 30% phụ cấp đứng lớp thì Thanh tra Thành phố Cà Mau đưa ra lý do cho rằng, có thể quy đổi một số hoạt động khác thành tiết dạy như:

Tham gia một số đoàn thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành các trường trực thuộc do Phòng Giáo dục – Đào tạo tổ chức; báo cáo viên các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức…

Thanh tra Thành phố Cà Mau kết luận việc dùng máy photo của nhà trường photo lấy tiền của học sinh (cao hơn giá thị trường hơn 2 lần) là đúng quy định…
Thanh tra Thành phố Cà Mau kết luận việc dùng máy photo của nhà trường photo lấy tiền của học sinh (cao hơn giá thị trường hơn 2 lần) là đúng quy định…

Trong khi theo phản ánh của các giáo viên, đối với việc dùng máy nhà trường photo đề cương thu tiền học sinh thì tại các Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 qui định rất rõ:

Đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải sử dụng tài sản nhà nước phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

Nghiêm cấm các hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng tài sản nhà nước để kinh doanh trái pháp luật…

Còn đối với việc “quy đổi” các hoạt động khác thành tiết dạy thì Điều 6 và Điều 7 Thông tư 28/2009  ngày 21/10/2009) qui định:

Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy (trực tiếp đứng lớp, dạy có giáo án, dạy theo thời khóa biểu, nhật ký sổ đầu bài) trong một tuần.

Theo đó, đối với trường Trung học cơ sở: giáo viên 19 tiết/tuần; Hiệu trưởng 02 tiết/tuần; Phó Hiệu trưởng 04 tiết/tuần…

Công văn số 8499 (ngày 10/12/2012) của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện số tiết giảng dạy theo qui định đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông cũng nêu rõ:

Nội dung giảng dạy của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có thể tham gia giảng dạy trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo….; thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp….;

Có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay giáo viên đi học, nghỉ ốm, thai sản, dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho bảo đảm tổng số tiết dạy của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đúng theo qui định hiện hành”.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cà Mau không cho duy trì, nhân rộng mà lại “nhắc nhở” bà Tạ Thị Huế về việc dùng máy photo nhà trường photo lấy tiền học sinh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cà Mau không cho duy trì, nhân rộng mà lại “nhắc nhở” bà Tạ Thị Huế về việc dùng máy photo nhà trường photo lấy tiền học sinh.

Ngoài ra, Thông tư Liên tịch số 01/2006 (ngày 23/01/2006) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cũng qui định:

Chế độ phụ cấp ưu đãi cho đối tượng là nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy phải đảm bảo đủ số giờ theo qui định của cấp có thẩm quyền.

Căn cứ vào các quy định thì tháng nào Hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp đủ số tiết theo quy định thì mới được hưởng phụ cấp 30% lương, còn các hoạt động khác chỉ được quy đổi thành số tiết dạy để hưởng thù lao chứ không thể ‘bù’ cho việc trực tiếp đứng lớp.

Tôi cho rằng, việc quy đổi từ các hoạt khác thành tiết dạy như cách quy đổi của Thanh tra Thành phố Cà Mau là không đúng quy định là không thiết phục…”, một giáo viên nhận định.

Nhiều giáo viên bức xúc đặt nghi vấn: Nếu thanh tra kết luận 2 nội dung trên là đúng thì tại sao sau kết luận đó thì cơ quan quản lý lại buộc ngừng hoạt động photo của trường Phan Bội Châu và buộc Hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp?

Phải chăng, cơ quan chức năng đã phát hiện những việc làm trên là sai nhưng cố ý “nói đúng” để bao che cho những việc làm sai trái đó…?

Bài và ảnh: Ngọc Huỳnh