“Xâm nhập mặn” đi vào đề thi môn Địa lý

03/07/2016 12:12
Thùy Linh - Phương Thảo
(GDVN) - Kết thúc môn thi Địa lý, hầu hết thí sinh đều tỏ ra phấn khởi, hài lòng với bài thi của mình, nhiều em ấn tượng với câu hỏi về tình trạng xâm nhập mặn.

Sáng 3/7, những thí sinh lựa chọn thi Địa lý để xét tốt nghiệp hoặc lấy điểm xét tuyển vào đại học có 180 phút làm bài.

Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vào đề thi môn Địa lý Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Ở câu IV/2 đã hỏi về vấn đề này: "Chứng minh rằng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh và hạn chế về tài nguyên đất đối với việc phát triển nông nghiệp. Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn ở đây diễn ra hết sức nghiêm trọng?"..

Tại điểm thi Học viện Báo chí và tuyên truyền, thí sinh học tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – Hà Nội vui vẻ nói: “Em đoán kiểu gì cũng vào một câu hỏi gắn liền với vấn đề thời sự, thực tiễn nên ngày nào cũng nghe thời sự, đọc báo nên với câu hỏi về “xâm nhập mặn” em nghĩ là em đã làm tốt”. 

“Xâm nhập mặn” đi vào đề thi môn Địa lý ảnh 1
“Xâm nhập mặn” đi vào đề thi môn Địa lý

Thí sinh Nguyễn Thị Hiền chọn môn Địa là môn tự chọn để xét tốt nghiệp hào hứng kể: “Với đề Địa này, 5-6 điểm là nằm chắc trong tay, vẽ biểu đồ thì đề bài đã yêu cầu “vẽ biểu đồ tròn” nên chúng em không cần phải xác định phải vẽ biểu đồ gì. Em thấy đề Địa không quá khó”. 

Đối với môn Địa lý, thí sinh được phép mang Atlat vào phòng thi và đây là công cụ hữu hiệu giúp thí sinh làm bài tốt hơn.

Tại điểm thi Đại học Thủy Lợi, bạn Lâm thị Thu Vân phấn khởi với bài làm của mình, Vân nói:

Đề thi năm nay khá hay, ngoài các nội dung trong chương trình học thì mở rộng nhiều về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, các vấn đề liên quan tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, em thấy đề khá thú vị”.

“Xâm nhập mặn” đi vào đề thi môn Địa lý ảnh 2
Kết thúc môn thi Địa lý, hầu hết thí sinh đều tỏ ra phấn khởi, hài lòng

Đánh giá nhanh về đề thi Địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, thầy Lê Quốc Châu (giáo viên Địa lý trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh) cho biết: 

Đề thi môn Địa lí năm nay vừa có tính thời sự, đảm bảo kiến cơ bản, có sự kế thừa và phát triển cấu trúc đề thi môn Địa lý những năm gần đây lại vừa có tính phân hóa đối tượng học sinh thể hiện rõ nhất ở câu IV.

Với những học sinh năng lực học tập trung bình có thể làm bài đạt điểm 6, điểm 7 nếu biết khai thác tốt kiến thức từ Atlat Địa lí Việt Nam.

Một đề thi như vậy là vừa tầm, vừa có chất lượng.

Tính thời sự thể hiện ở câu quá trình đô thị hóa ở nước ta (ý 2 câu I). Đặc biệt là, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ý 2 câu IV)
". 

Thùy Linh - Phương Thảo