Xếp hạng đại học không phải để quản lý và phân bổ ngân sách

09/09/2017 06:17
Thùy Linh
(GDVN) - Xếp hạng nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học thông qua hoạt động công khai hóa và minh bạch hóa thông tin.

LTS: Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một bảng xếp hạng đại học do Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam - một nhóm chuyên gia độc lập tiến hành. 

Trong lần đầu công bố, Nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà Nhóm thu thập được từ năm 2014.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với một chuyên gia (xin giấu tên) nghiên cứu sâu về phân tầng, bảng xếp hạng, hiện bà đang công tác tại một trường đại học hàng đầu của Việt Nam nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về kết quả nghiên cứu của nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Thực tế là từ trước đến nay, một số tổ chức quốc tế đã có đánh giá và xếp hạng một số trường đại học của Việt Nam.

Nhưng đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập tiến hành và công bố. Bà đánh giá như thế nào về bảng xếp hạng này?

Chuyên gia: Xếp hạng trường đại học đã trở thành xu thế toàn cầu. Xếp hạng nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học thông qua hoạt động công khai hóa và minh bạch hóa thông tin về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và quản lý của trường đại học. 

Xếp hạng là động lực thúc đẩy các trường đại học không ngừng phát triển cả về chất lượng đào tạo cũng như cung cấp dịch vụ cho người học, nhằm tạo danh tiếng tốt cho trường đại học. 

Bên cạnh các bảng xếp hạng đại học quốc tế nổi tiếng như bảng xếp hạng của The US News & Report (Hoa Kỳ), bảng xếp hạng Times Higher Education (Anh Quốc), bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), bảng xếp hạng đại học của tổ chức QS (Anh Quốc). 

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.

Hiện nay, có rất nhiều bảng xếp hạng quốc gia được cả thế giới quan tâm đến, các bảng xếp hạng này không chỉ giúp học sinh trong nước mà còn cả các học sinh quốc tế dễ dàng hiểu và tìm ra được trường đại học phù hợp.

Việc lần đầu tiên có một nhóm chuyên gia độc lập tiến hành xếp hạng và công bố kết quả là việc rất nên khuyến khích, đặc biệt trong điều kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự kiến trao nhiều hơn nữa quyền tự chủ cho các trường đại học. 

Bởi lẽ, người học cần có nhiều kênh thông tin khác nhau để tìm hiểu về các trường đại học và việc các bảng xếp hạng ra đời đã đáp ứng được một phần nào nhu cầu này. 

Bản thân nhóm chuyên gia đã khẳng định bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo và còn nhiều hạn chế do thiếu số liệu nên cá nhân tôi cho rằng không nên khẳng định là kết quả xếp hạng này phản ánh một cách toàn diện và chính xác chất lượng đào tạo hay tiềm lực nghiên cứu của một trường đại học. 

Việc hình thành các bảng xếp hạng khác nhau cũng vì các mục đích tham khảo khác nhau cho các đối tượng khác nhau, vì thế, khi nhìn vào kết quả xếp hạng cũng nên hiểu rõ về bản chất của từng bảng xếp hạng. 

Bà đánh giá như thế nào về 3 tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra (nghiên cứu khoa học; giáo dục và đạo tạo; cơ sở vật chất và quản trị)?

Chuyên gia: Như tôi đã nói, việc lựa chọn tiêu chí là do ý kiến chủ quan của nhóm nghiên cứu, mặc dù, nhóm đã có lập luận về lý do lựa chọn, và các tiêu chí cũng phần nào phản ảnh được quy mô cũng như năng suất đào tạo và nghiên cứu của các trường.

Nhưng do đây chỉ là bảng xếp hạng của nhóm chuyên gia độc lập, không phải là báo cáo kiểm định, tôi nghĩ rằng nên tôn trọng phương pháp của nhóm nghiên cứu. 

Với những tiêu chí mà nhóm lựa chọn, nếu số liệu đầy đủ, thì cũng chỉ là thông tin so sánh trường đại học đó với các trường đại học khác ở các tiêu chí đó thôi, không phải là bức tranh tổng thể về một trường đại học. 

Là người nghiên cứu về bảng xếp hạng, theo bà, yếu tố nào quyết định đến việc phân tầng, xếp hạng? Vì sao? 

Chuyên gia: Nếu phân tầng, xếp hạng phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước thì việc phân tầng cần phải có cở sở lý luận rõ ràng về tiêu chí phân tầng, xếp hạng và mục tiêu của việc phân tầng, xếp hạng các trường đại học là nhằm cung cấp cơ sở cho chính sách gì của Chính phủ, hay Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, đến nay (năm 2017), bảng xếp hạng phân tầng đại học vẫn chưa thấy được công bố.

Theo bà, để thực hiện việc này được khách quan, công bằng thì thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng đến những nội dung nào?

Chuyên gia: Quan điểm của Chính phủ quy định phân tầng để quy hoạch mạng lưới phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực đào tạo và xếp hạng để đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo đại học là rất chính xác. 

Nhưng nếu mục tiêu của xếp hạng là quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước là không phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Xếp hạng đại học không phải để quản lý và phân bổ ngân sách ảnh 2

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia lên tiếng về bảng xếp hạng đại học

Hiện nay, tại hầu hết các bảng xếp hạng trên thế giới đều do các tổ chức xếp hạng có tính chất độc lập với Nhà nước đưa ra. 

Do đó, nếu Nghị định 73/CP quy định Thủ tướng Chính phủ là người phê duyệt và công bố bảng xếp hạng, dù tổ chức xếp hạng là độc lập thì chúng ta đang đi ngược với xu thế phát triển của thế giới.

Ngoài ra, Nghị định 73/CP cũng hướng dẫn việc phân tầng đi kèm với xếp hạng, có nghĩa là việc xếp hạng đại học chỉ có thể thực hiện được sau khi hệ thống giáo dục đại học đã được phân tầng, quy định này hiện đang cản trở triển khai hoạt động xếp hạng.

Và Nghị định 73/CP đã bỏ qua các tiêu chuẩn như: hội nhập quốc tế, đánh giá của xã hội, của nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên ra trường.

Trong khi đây là những yếu tố quan trọng, có thể quyết định đến vị thế và danh tiếng của cơ sở giáo dục (Hoa Kỳ đã sử dụng hai yếu tố này như điều kiện tiên quyết trong bảng xếp hạng).

Một khảo sát do tôi và cộng sự thực hiện cho thấy, 78,7% sinh viên được khảo sát cho biết, họ lựa chọn trường dựa trên uy tín, danh tiếng của trường; 34,6% sinh viên được hỏi cho biết chọn trường do định hướng từ phụ huynh…

Do vậy, tôi cho rằng, trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73/CP do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng nên chỉ rõ tiêu chí xếp hạng đại học cần tập trung vào chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, chất lượng dịch vụ và đánh giá của xã hội về uy tín của cơ sở đào tạo.  

Xin trân trọng cảm ơn bà. 

Thùy Linh