Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chặn đứng nhóm lợi ích đang tàn phá nền kinh tế

15/02/2017 07:25
Mai Anh
(GDVN) - Vận hành hệ thống phân bổ nguồn lực nặng về “xin – cho”, dành ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp nhà nước nhiều nhưng hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.

Tham nhũng phá hoại nền kinh tế

Làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, năm 2017 và các năm tiếp theo, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều cơ hội và thuận lợi lớn để phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. 

Việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. ảnh: dangcongsan.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. ảnh: dangcongsan.vn

Những khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam được Tổng Bí thư nêu ra nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế. 

Theo GS.Nguyễn Quang Thái – Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, trong thời gian dài chúng ta duy trì một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, phân bổ nguồn lực sai lệch – tập trung nguồn lực cho những ngành khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, những ngành sử dụng lao động kỹ năng thấp và tiền lương thấp, sử dụng nhiều vốn thay vì các ngành định hướng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Trong mô hình đó vận hành hệ thống phân bổ nguồn lực nặng về “xin – cho”, dành ưu tiên quá nhiều cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng rất tiếc là hoạt động của những doanh nghiệp này lại kém hiệu quả, thậm chí nhiều đơn vị thua lỗ lớn.

Biểu hiện rõ nhất và gần nhất là 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của ngành Công thương.

Trong đó điển hình dự án Đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với số vốn đầu tư lên tới 12.000 tỉ đồng, nhưng chỉ sau  4 năm hoạt động, Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ lên tới hơn 2.700 tỉ đồng. Máy móc tại nhà máy luôn trong tình trạng hư hỏng, hàng hóa tồn kho nhiều, hệ quả là 400 công nhân phải nghỉ việc.

GS.Nguyễn Quang Thái đánh giá, phải xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin-cho thì mới ngăn chặn được thất thoát, lãng phí. ảnh: H.Lực
GS.Nguyễn Quang Thái đánh giá, phải xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin-cho thì mới ngăn chặn được thất thoát, lãng phí. ảnh: H.Lực

Chung số phận dự án ethanol ở Dung Quất, 2 dự án ethanol Phú Thọ và Bình Phước dù đang trong quá trình xây dựng cũng chết lâm sàng.

Dự án ethanol Phú Thọ được khởi công từ quý III/2008 và dự kiến hoàn thành quý III/2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỉ đồng, song đến nay qua 4 lần điều chỉnh, với số vốn lên tới 2.484 tỉ đồng, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành…

Song hành cùng các dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, chỉ trong thời gian ngắn dư luận phải chứng kiến hàng loạt các vụ án tham nhũng  điển hình như:

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng vị trí công tác tại Vietinbank lừa hơn 1000 tỷ đồng của 5 công ty;

Vụ án liên quan tới nguyên Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng;

Vụ án tham ô, rửa tiền tại Vinashine gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng, trực tiếp là Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc), Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh); Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng).

Những đại án đó gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng.

Không chỉ gây thiệt hại kinh tế nhà nước, tham nhũng còn đang là rào cản tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Theo báo cáo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chính sách (Depocen) thực hiện dưới sự ủy quyền của Bộ Phát triển Kinh tế Anh (DFID) thì kinh tế của Việt Nam lẽ ra đã tăng trưởng thêm khoảng 0,57% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2012 nếu tình trạng tham nhũng được chặn đứng.

Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chặn đứng nhóm lợi ích đang tàn phá nền kinh tế ảnh 3

Tài sản nhà nước nếu bị mất, rơi vào túi ai?

Xóa bỏ cơ chế "xin - cho", chặn đứng nhóm lợi ích đang tàn phá nền kinh tế ảnh 4

"Không chủ quan, không tự mãn với những gì đang có"

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công cho rằng, nguyên nhân dẫn tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trễ vì lợi ích nhóm đứng phía sau. 

PGS.Phạm Quý Thọ thẳng thắn cho rằng, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhóm lợi ích phía sau là bà con, anh em họ hàng thân quen của lãnh đạo.

Vì thế quá trình cổ phần hóa cứ kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ kia. 

Tăng cường dự báo, ngăn chặn các dự án yếu kém

Khi làm việc với Ban kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề vai trò của Ban trong việc tham mưu, giám sát thực hiện các nghị quyết của Đảng. 

Tổng Bí thư cho rằng đến nay, sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương vào quá trình quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai hai nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và nghị quyết thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chưa rõ nét.

Nhận định của Tổng Bí thư cũng là nhắc nhở chung cho toàn hệ thống, các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm với tài sản nhà nước được hình thành chính từ tiền thuế do nhân dân đóng góp.

Theo GS.Nguyễn Quang Thái khi tái lập lại Ban Kinh tế Trung ương 4 năm trước, Đảng đã kỳ vọng Ban này sẽ là cơ quan tham mưu tổng hợp trên lĩnh vực chính sách kinh tế với Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

“Bên cạnh các kết quả đã đạt được thì Ban Kinh tế Trung ương vì sự cả nể nên chưa làm tốt chức năng tham mưu chiến lược kinh tế cho Đảng, cũng như giúp việc theo dõi, đôn đốc, phát hiện và tìm các giải pháp điều chỉnh xử lý các mặt còn yếu kém khi thực hiện nhiều Nghị quyết”, GS.Thái đánh giá.

Theo ông Thái, hiện nay trong bộ máy từ các bộ, ngành tư duy thời bao cấp vẫn còn sót lại. Tư tưởng xin – cho dẫn đến địa phương ỷ lại vào trung ương. Một số doanh nghiệp nhà nước đang bị một nhóm người cố gắng thu vén, mang lại lợi ích riêng cho họ... và gây thiệt hại cho lợi ích của số đông và lợi ích quốc gia.

Câu chuyện bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vào Sabeco là thí dụ điển hình cho nhóm lợi ích trong doanh nghiệp nhà nước. 

Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong nhiều dự án thua lỗ, trở thành gánh nặng của ngành Công Thương. ảnh: báo thanh tra.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong nhiều dự án thua lỗ, trở thành gánh nặng của ngành Công Thương. ảnh: báo thanh tra.

Chính nhóm lợi ích hình thành trong doanh nghiệp nhà nước dẫn tới doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, theo ông Nguyễn Quang Thái đây là vấn đề đang làm nhức nhối toàn xã hội, làm giảm lòng tin của người dân. 

“Như Nghị quyết Trung ương 4 đã vạch rõ, các sai sót này có nguyên nhân sâu xa từ sự kém tu dưỡng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, vì mục đích tư lợi đã quản lý kém, gây thiệt hại, nhưng trong đó có cả nguyên nhân từ sự tư lợi của một số cá nhân có chức có quyền, cần được xã hội lên án, được tổ chức Đảng vạch ra và loại trừ”, ông Thái cho biết.

Để chống lợi ích nhóm, theo ông Nguyễn Quang Thái cần nâng cao vai trò giám sát, đặc biệt giám sát dự báo.

Cụ thể, trong quá trình giám sát, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cần có dự báo về nguy cơ xảy ra tham nhũng, xảy ra lợi ích nhóm.

Đặc biệt khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng, phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến cùng. 

Mai Anh