15 năm đưa chương trình đào tạo của Ấn Độ vào Việt Nam

21/01/2015 06:57
Phạm Thu Ngà
(GDVN) - Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 1999, Aptech đã trở thành cơ sở đào tạo CNTT hàng đầu ở nước ta, hướng tới đóng góp 50% nguồn nhân lực CNTT.

Ngày 20/1, Lễ kỷ niệm 15 năm thương hiệu đào tạo lập trình viên Aptech và 10 năm thương hiệu Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện có mặt tại Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong 15 năm qua, Aptech cung cấp chương trình đào tạo chuyên nghiệp ở mảng cá nhân với các nội dung chủ yếu:  Đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech, đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia, đào tạo Hoạt hình và Kỹ xảo điện ảnh cao cấp MAAC, đào tạo Tiếng Anh, Hàng không, Lữ hành,…

Trong lĩnh vực doanh nghiệp, Aptech cung cấp các dịch vụ phát triển nội dung, giải pháp đánh giá và kiểm tra cho doanh nghiệp.

Ông Lê Trường Tùng là một trong những người khởi xướng việc áp dụng chương trình đào tạo Aptech của Ấn Độ vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đa phương tiện. Ảnh FPT
Ông Lê Trường Tùng là một trong những người khởi xướng việc áp dụng chương trình đào tạo Aptech của Ấn Độ vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đa phương tiện. Ảnh FPT

Các chương trình đào tạo của Aptech được thiết kế để truyền đạt cho sinh viên kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của CNTT.

Tại Việt Nam, Aptech đã có mặt trong 15 năm qua với thương hiệu Hệ thống đào tạo lập trình viên Quốc tế Aptech và 10 năm với thương hiệu đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia.

Với rất nhiều trung tâm đào tạo lập trình viên Aptech và đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia từ Thủ đô Hà Nội cho đến Tp. Hồ Chí Minh, Aptech đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, đào tạo hơn 100.000 lập trình viên và 16.000 chuyên viên thiết kế, nhiều nhân sự nắm vị trí chủ chốt trong các công ty Việt Nam.

TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT cho biết: “Sự phát triển của tập đoàn Aptech Việt Nam đi cùng với sự phát triển của giáo dục, CNTT, kinh tế Việt Nam. Aptech đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp: không dạy những gì các cở sở đào tạo khác dạy – dạy những gì ngành CNTT cần”.

Nói về những thuận lợi trong chặng đường 15 năm qua, ông Tùng cho biết,  Aptech Việt Nam nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Aptech Ấn Độ, cùng với đó là sự nhanh chóng về mặt thời gian khi khai trương một cơ sở Aptech mới (chỉ trong vòng 6 tháng).

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển Aptech tại Việt Nam cũng rất lớn. Giáo trình tiếng Anh và khi chuyển giao về Việt Nam vẫn giữ nguyên bản, không dịch sang tiếng Việt; giáo viên khi tuyển vào giảng dạy tại Aptech đều phải tuân thủ theo hệ thống giáo trình, hình thức đào tạo của Aptech và bắt buộc phải nâng cao trình độ theo tiêu chuẩn của Aptech,…chính là những thách thức lớn trong quá trình phát triển hệ thống đào tạo.

Thông qua đó, chúng ta học tập được mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ và thương hiệu, mô hình đào tạo định hướng nghề nghiệp trình độ cao (trên trung cấp là phổ biến) cùng với xu hướng toàn cầu hóa.

Phạm Thu Ngà