165 ngàn em có điểm từ 0 đến 2, nghĩ về bệnh trầm kha của ngành giáo dục

03/08/2015 13:25
Việt Cường
(GDVN) - Tính theo tỷ lệ học sinh thi Tốt nghiệp THPT năm nay thì nước ta có hơn 17,3% học sinh đạt điểm 2.0 trở xuống.

LTS: Nhìn nhận từ hệ thống điểm liệt trong kì thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 và những bất cập của Bộ GD&ĐT trong việc công bố điểm cụ thể của từng thí sinh, Nhóm tác giả Việt Cường mạnh dạn nêu lên suy nghĩ về căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Và từ đó đề xuất "phương thuốc" điều trị. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Cho đến hôm nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa công bố điểm cụ thể của từng thí sinh và tất cả thí sinh thi theo từng địa phương, từng cụm thi khu vực trên phạm vi cả nước như dư luận đã tha thiết yêu cầu. 

Bởi vậy, việc tổng hợp, so sánh, nhận xét và đánh giá cái hay dở, tốt xấu, hạn chế và tích cực của kỳ thi “hai trong một” này còn rất khó khăn.

Không hiểu Bộ GD&ĐT “ngại” hay “sợ” điều gì mà đến tận bây giờ vẫn chưa dám công khai những dữ liệu chi tiết và cụ thể ấy.
  
Tuy nhiên, chỉ qua phổ điểm tổng quát của tất cả các môn, chúng tôi cũng có thể đưa ra được nhận xét của mình về những căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà.

Mục đích là để những nhà quản lý giáo dục “nhìn thẳng vào sự thật”, có những giải pháp hữu hiệu để chữa trị những căn bệnh ấy.

Theo công bố của Bộ GD&ĐT (chỉ tính trên phổ điểm thí sinh thi ở các cụm do trường đại học tổ chức, chưa có các cucmj chỉ thi tốt nghiệp ở tỉnh), điểm liệt của các môn (làm tròn số) như sau: Toán: gần 12.000, Văn: hơn 600, Sử: gần 1.300, Địa: gần 600, Ngoại ngữ: gần 200, Hoá: hơn 300, Lý: gần 300, Sinh: gần 300. 

Như vậy, hơn 15.500 học sinh cả nước bị điểm liệt (từ 0 đến 1). Đây là một con số rất có ý nghĩa, gợi mở cho những người quan tâm đến giáo dục nước nhà nhiều suy tư, trăn trở.

Theo quy định, học sinh lớp 12 năm nay muốn được thi tốt nghiệp, phải qua được lớp 10, lớp 11 và có đầy đủ điểm trung bình trở lên các bộ môn ở lớp 12.

Như vậy, 15.500 học sinh ấy, học bạ cả ba năm THPT ít nhất phải đạt điểm trung bình ở tất cả các môn.
 
Học sinh đạt trình độ trung bình suốt ba năm học, thi những đề thi ở mức độ trung bình, thậm chí có nhiều câu quá dễ, đạt từ 2 điểm trở lên chẳng khó khăn gì.

Vậy mà vẫn có tới 15.500 học sinh bị điểm liệt là điều hết sức vô lý, không thể nào tin nổi.

165 ngàn em có điểm từ 0 đến 2, nghĩ về bệnh trầm kha của ngành giáo dục ảnh 1
Hơn 15.500 học sinh cả nước bị điểm liệt (từ 0 đến 1) trong kì thi THPT quốc gia 2015 (Ảnh: giaoduc.net)

Tất nhiên vẫn có một số em khi thi một môn nào đó bất ngờ đau ốm hoặc trục trặc chuyện gì, không làm bài được. Tuy thế, số này là rất nhỏ, chỉ là “muối bỏ bể” so với 15.500 em bị điểm liệt kia.

Theo chúng tôi, con số 15.500 học sinh bị điểm liệt, xuất phát từ 3 nguyên nhân chính sau đây:

1 - Ngồi nhầm lớp

Đây là hệ quả của sự xuống cấp thê thảm của chất lượng giáo dục phổ thông nhiều năm nay. Chắc chắn nhiều em không đạt trình độ chuẩn của học sinh lớp 12 để tham dự kỳ thi tốt nghiệp. 

Việc ngồi nhầm lớp đã thành hệ thống từ các lớp dưới. Dư luận và báo chí đã nói đến quá nhiều. Bộ GD&ĐT cũng đã có những chỉ đạo và giải pháp khắc phục nhưng kết quả đến nay vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

2 - Trường phổ thông báo cáo thiếu trung thực

Điều này do các giáo viên bộ môn và Ban Giám hiệu ở trường THPT nhắm mắt làm liều, sản xuất ra hàng loạt “học bạ giả”. 

Điểm trung bình các học kỳ và cả năm học trong học bạ học sinh phải có chữ ký của giáo viên bộ môn, chữ ký xác nhận của giáo viên chủ nhiệm, dấu đỏ và chữ ký của đại diện Ban Giám hiệu. 

Tất cả đều đã được làm giả một cách chuyên nghiệp, bất chấp lương tâm và trách nhiệm của người thầy. 

Ấy là còn chưa kể đến hàng chục nghìn “học bạ đẹp” trong số 15.500 học sinh bị điểm liệt đó. 

Chúng tôi có nghi vấn, do nhu cầu được cộng thêm điểm để xét tốt nghiệp cho những học sinh có điểm trung bình các môn học từ 7.0 trở lên mà có thể nhiều trường đã chỉ đạo cho giáo viên nâng điểm vô tội vạ. 

Học sinh có “học bạ long lanh”, môn học ấy có thể 7 hoặc 8 phẩy mà thi tốt nghiệp vẫn 0 điểm hoặc 0.5 điểm không phải là chuyện hiếm. 

Chúng tôi mới chỉ đánh giá từ tổng số điểm liệt, chứ mở rộng ra đến điểm 1.5 hoặc 2.0 thì còn kinh hãi hơn nhiều.

Điểm 1.5: Toán: 21.291, Văn: 349, Sử: 1970, Địa: 628, Ngoại ngữ: 13131, Hoá: 700, Lý: 500, Sinh: 800 học sinh.

Điểm 2.0: Toán: 50.712, Văn: 2.532, Sử: 2.957, Địa: 1.376, Ngoại ngữ: 50.595, Hoá: 1.174, Lý: 625, Sinh: 1.095 học sinh.

Như vậy: 15.500 điểm liệt, hơn 39.300 điểm 1.5, hơn 111.000 điểm 2.0, tổng cộng là hơn 165.000 học sinh bị điểm 2.0 trở xuống (chỉ tính trên phổ điểm thí sinh thi ở các cụm do trường đại học tổ chức mà Bộ đã công bố, chưa có các cụm chỉ thi tốt nghiệp ở tỉnh). 

Tính theo tỷ lệ học sinh thi Tốt nghiệp THPT năm nay thì cả nước ta có hơn 17,3% học sinh đạt điểm 2.0 trở xuống.
 
165.000 học sinh ấy có điểm trung bình các môn trong học bạ THPT như thế nào? Bao nhiêu học sinh có “học bạ long lanh”? Câu hỏi ấy xin để hệ thống giáo dục quốc dân trả lời và xin để bạn đọc của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng suy ngẫm.

3 - Bệnh thành tích

Cả hai nguyên nhân trên đều xuất phát từ bệnh thành tích - một căn bệnh lớn của ngành giáo dục Việt Nam, đến hôm nay thêm một lần lộ diện. 

Ngay từ khi mới nhận chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã mở một chiến dịch lớn: “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử.” Thế nhưng đến tận kỳ thi năm nay, căn bệnh này xem ra vẫn còn rất nặng.

Điều đó có lẽ bắt đầu từ cấp Phòng, cấp Sở trong chỉ đạo phổ cập giáo dục tiểu học, chuẩn bị phổ cập THCS, thích địa phương mình có thành tích cao hơn địa phương khác, không muốn địa phương mình yếu kém… 

Cho nên mới dẫn đến kết quả đầy nghịch lý là hơn một triệu học sinh có học bạ đạt chuẩn trở lên mà có tới hơn 165 nghìn học sinh bị điểm 2 trở xuống khi thi tốt nghiệp. 

Chúng tôi cho rằng ba vấn nạn: Ngồi nhầm lớp, Báo cáo giả, Bệnh thành tích là ba căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục Việt Nam, cho thấy sự xuống cấp của giáo dục phổ thông ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

165 ngàn em có điểm từ 0 đến 2, nghĩ về bệnh trầm kha của ngành giáo dục ảnh 2

Giấu điểm và ba nguy cơ ảnh hưởng xấu tới kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ không công bố dữ liệu điểm thô vì “sợ” ảnh hưởng tới danh dự học trò, những thí sinh điểm thấp có thể mặc cảm với bản thân….

Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện và cơ hội để Bộ GD&ĐT bốc thuốc, phẫu thuật, chữa trị căn bệnh này một cách hiệu quả. 

Chỉ cần Thanh tra Bộ ráo riết vào cuộc, kiểm tra thật kỹ học bạ của các học sinh bị điểm liệt là có thể nhanh chóng phát hiện ngay người sai phạm.

Nếu là giáo viên bộ môn mà cứ cho điểm bừa, nhắm mắt nâng điểm cho học sinh thì yêu cầu viết kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo mức độ, công khai tên tuổi cho giáo viên trong toàn Sở GD&ĐT được biết.

Nếu là giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý giáo dục cấp trường trở lên mà chỉ đạo sản xuất “học bạ đẹp”, bắt giáo viên bộ môn và các trường cho học sinh yếu kém lên lớp… thì phải xử lý nặng hơn, công khai tên tuổi ra cả ngoài Sở GD&ĐT.

Có chỉ thị, quy chế mới về quá trình đánh giá, cho điểm, hoàn tất điểm học kỳ, điểm cuối năm, hệ thống điểm trong học bạ… một cách thật chặt chẽ. Nghiêm cấm việc báo cáo giả, việc sản xuất “học bạ đẹp”.

Chúng tôi tin rằng nếu Bộ áp dụng các giải pháp này ngay từ bây giờ thì năm học tới các trường THPT sẽ loại bớt được khá nhiều học sinh không đạt chuẩn, giảm thiểu đáng kể số lượng học sinh bị điểm liệt. Kỳ thi “hai trong một” năm 2016 chắc chắn sẽ có hiệu quả và tốt đẹp hơn nhiều.

Tuy nhiên, giải pháp đơn giản và cấp thiết nhất đồng thời cũng là giải pháp mà Bộ đang khó thực hiện nhất là: Ngay lập tức, công bố công khai điểm thi của từng thí sinh, của tất cả các thí sinh theo tỉnh, theo cụm thi khu vực để nhân dân được biết.

Nếu cứ giấu diếm mãi thế thì làm sao chúng tôi và những người quan tâm đến giáo dục nước nhà có đủ cứ liệu để phân tích, đánh giá và góp ý cho Bộ được.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận định, góc nhìn và cách hành văn của riêng nhóm tác giả.

Việt Cường