45% học sinh nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực trên mạng xã hội

01/08/2018 06:20
Thùy Linh
(GDVN) - 32% em nam và 25% em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực lời nói; 33% các em nam và 39% các em nữ bị bạo lực xã hội;

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo quốc gia giới thiệu bộ công cụ hướng dẫn xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học.

Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học là một bộ công cụ giáo dục do Đại học Melbourne (Úc) xây dựng, giúp giải quyết các vấn đề bạo lực học đường trên cơ sở giới, đã được các đối tác trong khu vực công nhận như đối tác trong khu vực Đông Á, Sáng kiến giáo dục cho trẻ em gái của Liên hợp quốc tại châu Á...

Căn cứ vào các nghiên cứu khoa học và những kinh nghiệm thực hiện chương trình tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, công cụ này sẽ hỗ trợ các giáo viên trung học cơ sở, đặc biệt là các cán bộ phụ trách công tác tư vấn trong trường học, giải quyết bạo lực học đường trên cơ sở giới thông qua các hoạt động, các bài giảng đề cao các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và hòa nhập trong các em học sinh. 

Các báo cáo đã chỉ ra rằng bạo lực học đường trên cơ sở giới có ảnh hưởng tới hàng triệu trẻ em và trẻ vị thành niên trên toàn cầu, thậm chí cản trở việc phát triển một nền giáo dục có chất lượng, có tính hòa nhập và công bằng. 

Do đó, để giải quyết những bạo lực học đường trên cơ sở giới thì bộ công cụ “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, như là một chương trình phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở giới cho học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi.

Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo quốc gia giới thiệu bộ công cụ hướng dẫn xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học. (Ảnh: Thùy Linh)
Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo quốc gia giới thiệu bộ công cụ hướng dẫn xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến – tư vấn trong nước của UNESCO thông tin, theo khảo sát của UNESCO năm 2015, về vấn đề bạo lực học đường trên cơ sở giới tại 6 tỉnh/thành phố của Việt Nam, với sự tham gia của gần 3700 người (bao gồm cả lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh), trong đó có 2636 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia khảo sát.

Kết quả cho thấy:  41% em nam và 28% em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực thể chất trong nhà trường;

32% em nam và 25% em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực lời nói; 33% các em nam và 39% các em nữ bị bạo lực xã hội;

13% các em nam và 5 % các em nữ gặp phải các vấn đề liên quan đến các hình thức của bạo lực tình dục (quấy rối tình dục và xâm hại tình dục).

Cuối cùng 7% các em nam và 45% các em nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực thông qua mạng xã hội và các thiết bị di động.

45% học sinh nữ gặp phải các vấn đề về bạo lực trên mạng xã hội ảnh 2Sửa Thông tư 08 và Thông tư 58 để ngăn chặn bạo lực học đường

Trước những con số thống kê đó, ông Michael Croft – trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ:

“Nói tới chất lượng giáo dục, chúng ta không chỉ nói đến thành tích, điểm số hay năng lực của học sinh mà còn cần nói tới môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và bình đẳng, ở nơi mà mọi học sinh đều có suy nghĩ tích cực về ngôi trường, lớp học, bạn bè và thầy cô của mình…

Đây chính là yếu tố quan trọng đối với một hệ thống giáo dục có chất lượng. Nó cũng quan trọng như chính chương trình đào tạo”.

"Chỉ khi đưa các yếu tối này vào giáo dục thì chúng ta mới có thể khẳng định trường học là một môi trường toàn diện và hòa nhập”, ông Michael Croft nhấn mạnh.

Còn Giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách và xây dựng chương trình, cụ thể: 

Bổ sung các tài liệu về giới và giới tính, bình đẳng giới, đa dạng giới trong hòm sách và thư viện trường phổ thông để học sinh và giáo viên dễ tiếp cận các vấn đề này hơn. 

Lồng ghép các khía cạnh liên quan đến bình đẳng giới, đa dạng giới và giới tính trong chương trình đào tạo giáo viên để trang bị cho giáo viên tương lai kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các vấn đề này. 

Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan giáo dục, y tế, bảo vệ và quản lý thông tin để xây dựng và tăng cường kiến thức về bạo lực học đường trên cơ sở giới và nhận thức về đa dạng giới, giới tính. 

Xem xét, đánh giá lại các chương trình và môn học hiện tại, các chính sách giáo dục thông qua lăng kính bạo lực học đường liên quan tới SOGIE – các loại bạo lực học đường có liên quan đến xu hướng tính dục. 

Còn đối với trường học, Giáo sư Nguyễn Thị Hoàng Yến khuyến nghị: 

Tổ chức các chương trình và khóa bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý trường học về các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, đa dạng giới cũng như các biện pháp phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới. 

Khuyến khích cán bộ nhà trường tổ chức các haotj động về những chủ đề liên quan đến bình đẳng giới và đa dạng giới để học sinh có cơ hội nâng cao kiến thức và có thái độ đúng đối với những vấn đề này, xây dựng các mối quan hệ tích cực với nhau trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, phát triển các kỹ năng phòng chống bạo lực. 

Khuyến khích lãnh đạo và cán bộ nhân viên nhà trường xây dựng văn hóa không bạo lực, không kỳ thị và không phân biệt đối xử trong nhà trường thông qua việc tham gia vào các chiến dịch nâng cao nhận thức trong học sinh, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh về việc chấp nhận đa dạng giới trong trường học. 

Cân nhắc thiết lập các quy định linh hoạt hơn về mặt đồng phục của trường, nhất là liên quan đến quy định mặc đồng phục áo dài đối với các học sinh không tuân theo giới....

Thùy Linh